Tài liệu rò rỉ tháng trước nói các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc từng có kế hoạch tạo ra một loại virus corona mới từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra – theo The Telegraph (Anh).
Một đơn xin tài trợ đệ trình Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Darpa), cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho thấy một nhóm nhà khoa học quốc tế có kế hoạch trộn dữ liệu gien để tạo ra loại virus corona mới.
Nhóm khoa học Mỹ-Trung lập dự án nhằm tạo ra virus mới?
Đơn xin tài trợ được nộp vào tháng 3/2018 và bị rò rỉ hồi tháng trước cho Drastic, một nhóm phân tích về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Dự án sẽ cho phép tạo ra một loại virus không có “tổ tiên” rõ ràng trong tự nhiên, theo lời một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vị chuyên gia ẩn danh nói với The Telegraph rằng nếu biện pháp trên đã được thực hiện thì điều này có thể lý giải nguyên nhân cho việc chưa từng tìm thấy loại virus nào gần với SARS-Cov-2 trong tự nhiên.
Loại virus gần nhất với SARS-Cov-2 là Banal-52, được tìm thấy ở Lào, giống đến 96.8% với virus corona gây ra dịch Covid-19. Đến nay, chưa có tổ tiên trực tiếp nào của SARS-Cov-2 được tìm thấy, với mức độ giống nhau được dự kiến khoảng 99.98%.
Theo chuyên gia của WHO, quy trình được mô tả trong dự án nêu trên sẽ tạo ra “một virus mới, không trùng lặp 100% với bất kỳ thứ gì”.
“Họ sẽ tổng hợp bộ gien virus từ trình tự máy tính, từ đó tạo ra bộ gien virus không tồn tại trong tự nhiên nhưng giống như tự nhiên vì nó là mức trung bình của các loại virus tự nhiên.”
Báo Washington Examiner (Mỹ) cho hay, người đứng tên đệ trình xin Lầu Năm Góc tài trợ chính là chủ tịch Peter Daszak của EcoHealth Alliance, một đối tác lâu năm của Viện Virus học Vũ Hán (WIV).
Daszak đệ đơn đại diện cho nhóm các tổ chức gồm EcoHealth Alliance, WIV, Đại học North Carolina và Trường Y Duke NUS ở Singapore – The Telegraph đưa tin.
Mỹ cảnh báo rủi ro đáng sợ của dự án
Theo tài liệu rò rỉ, kế hoạch có tên “Dự án DEFUSE” kêu gọi Darpa tài trợ 14.2 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu có thể khiến các virus từ loài dơi trở nên nguy hiểm hơn.
“Mục tiêu của chúng tôi là phân tích, dự đoán và ‘loại trừ’ khả năng lây lan của các virus corona nguy cơ ca có nguồn gốc từ dơi ở Đông Nam Á,” bản đề xuất của Daszak nêu. “Điều này sẽ bảo vệ những chiến sĩ của Mỹ.”
Tuy nhiên, đề xuất của Daszak đã bị Darpa bác bỏ. Cơ quan này nói rằng dự án tiềm ẩn sự dính líu với những nghiên cứu gây tranh cãi, kéo theo việc điều khiển virus để làm cho chúng dễ lây lan hơn và đã bị chính phủ Mỹ hạn chế vào thời điểm đó.
“Rõ ràng là dự án DEFUSE do Peter Daszak dẫn dắt có thể đặt cộng đồng bản địa vào rủi ro,” Darpa cảnh báo thêm.
Phát ngôn viên của Darpa Jared Adams không xác nhận hay bác bỏ tài liệu rò rỉ kể trên, song khẳng định cơ quan này chưa bao giờ tài trợ các nghiên cứu có liên hệ với EcoHealth Alliance hay WIV.
Trong một báo cáo đầu tháng 8, đài CNN (Mỹ) cho biết giới chức Mỹ từ lâu đã tìm kiếm dữ liệu gien từ 22.000 mẫu virus được nghiên cứu tại WIV. Những dữ liệu này đã được cho là đã bị gỡ xuống khỏi nền tảng công khai vào tháng 9/2019.
Mỹ chỉ trích rằng Trung Quốc từ chối bàn giao dữ liệu thô liên quan đến những ca mắc Covid-19 ban đầu cho WHO và Mỹ, trong khi Bắc Kinh nhấn mạnh họ đã hợp tác với nỗ lực điều tra truy nguồn virus corona một cách cởi mở và minh bạch.
Trung Quốc bác bỏ các thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19
Trong khi Darpa bác bỏ dự án của Peter Daszak, các tài liệu do tổ chức The Intercept thu được cho thấy Viện Y tế Quốc gia (NIH) thuộc chính phủ Mỹ đã phê duyệt gói tài trợ 666.000 USD/năm trong thời hạn 5 năm dành cho nghiên cứu của EcoHealth Alliance về virus corona ở loài dơi.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ thuộc NIH, xác nhận trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5 vừa qua rằng EcoHealth Alliance đã trao 599.000 USD trong số tiền tài trợ nhận được cho WIV.
Tuy nhiên, ông Fauci cũng nhiều lần phủ nhận các nghiên cứu được họ tài trợ là dự án tăng chức năng (gain-of-function) thông qua biến đổi gien.
Trung Quốc đến nay đã bác bỏ nhiều thông tin mà nước này cáo buộc là những thuyết âm mưu phục vụ mục đích chính trị hóa đối với cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19. Trong động thái mới nhất, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận phát hiện của công ty an ninh mạng Australia-Mỹ có tên Internet 2.0, nói rằng tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc – đã mua số lượng lớn bộ xét nghiệm PCR vào khoảng 7 tháng trước khi nước này chính thức thông báo ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Trả lời Bloomberg mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích những khẳng định đáng ngờ về nguồn gốc Covid-19, bao gồm “cái gọi là hồ sơ” phân tích lưu lượng giao thông gần các bệnh viện ở Vũ Hán và lượng tìm kiếm từ khóa “ho”, “tiêu chảy” để đi đến kết luận dịch Covid-19 đã bùng phát tại đây từ tháng 8/2019.
“Công tác truy nguồn virus [SARS-Cov-2] là vấn đề khoa học nghiêm túc và cần được giải quyết bởi các nhà khoa học,” người phát ngôn Trung Quốc nêu, nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng về những hành động ứng phó dịch bệnh của nước này “với các mốc thời gian rõ ràng và những sự thật sắt đá”.
“Công cuộc chống dịch của Trung Quốc là cởi mở với thế giới, tình hình rõ ràng, các sự thật rành rành trước mắt và có thể đứng vững trước thử thách thời gian cùng lịch sử.”