Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

‘Mười người buôn, chín kẻ gian’ hay câu chuyện về niềm tin kinh doanh gây hoang mang cộng đồng

Sau vụ “hàng lụa Việt cao cấp made in China” đang gây hoang mang cho cộng đồng, một lần nữa niềm tin và khả năng tự vệ của người tiêu dùng Việt Nam bị đe dọa. Người ta hoang mang không biết nên tin vào đâu và vấn đề đạo đức trong kinh doanh lại được đặt ra với sự ngờ vực: phải chăng cứ 10 người buôn thì 9 kẻ gian là thật?

Nói đến kinh doanh, ai cũng nghĩ rằng làm ăn là để kiếm tiền, kiếm lợi nhuận, phát tài, làm nên sự nghiệp lớn. Vậy phải chăng lợi nhuận là trên hết trong tất cả các thương vụ làm ăn, là chìa khóa và là cái đích của những sự nghiệp kinh doanh thành công?

Với những câu nói như “Thương trường là chiến trường”, “buôn gian bán lận”, “cá lớn nuốt cá bé”…Người ta luôn hình dung kinh doanh là cuộc chiến đầy thủ đoạn và gian dối, chỉ để theo đuổi một mục tiêu duy nhất là tranh giành thị trường và lợi nhuận. Thậm chí có người từng nói với tôi rằng, kinh doanh mà không lắt léo, mà không biết được mánh khóe của mỗi một lĩnh vực, không hòa theo cuộc chơi thì ắt sẽ chịu thua lỗ phá sản.

Nhưng thực tế đã cho tôi thấy điều ngược lại, dù có xây dựng được một “đế chế” như Khải Silk, dù có trở thành một biểu tượng kinh doanh thành công, trở thành niềm tự hào của dân tộc thì mọi ông hoàng đều có thể mất đi ngai vàng của mình chỉ trong một đêm. Mọi danh tiếng dù đã huy hoàng thế nào cũng không thể cứu vãn nếu chỉ một lần vi phạm chữ Tín.

Liệu có bao giờ, khi người ta sẵn sàng từ bỏ một khoản lợi nhuận khổng lồ vì những điều vô hình như đạo đức, chính nghĩa, công lý. Khi người ta không đặt lợi nhuận lên trên hết mà vẫn thành công rực rỡ trong kinh doanh?

Shibusawa Eiichi được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật bản. Ông là người đầu tiên sử dụng những tư tưởng của Nho gia trong quản lý kinh doanh. Chuyển từ chính trị sang kinh doanh vào tuổi 33, ông đã thề rằng sẽ theo đúng những tiêu chuẩn trong Luận ngữ của Khổng Tử trong những hoạt động kinh doanh của mình. Trong sự nghiệp của Shibusawa, ông đã thành lập hơn 500 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, sản xuất giấy và dịch vụ vận chuyển. Ông là người lãnh đạo về kinh doanh trong thời Minh Trị và Đại Chính. Vào năm 88 tuổi, ông đã viết quyển sách nổi tiếng của mình, “Luận ngữ và Bàn tính” (Analects and the Abacus), tin tưởng rằng những lời dạy trong Luận ngữ (do Khổng Tử và các đệ tử biên soạn) và trong làm ăn là tương hành với nhau.

Ông lý luận rằng khi thấy được một cơ hội kiếm lợi nhuận, nếu một người nghĩ cách làm thế nào để thực hiện một cách công bằng và chính trực, thì việc kiếm lợi nhuận đó sẽ là một hành động thiện tâm.

Một phần trong Luận ngữ nói rằng “Theo đuổi lợi nhuận sẽ sinh ra oán hận lớn”. Người quân tử hành xử bản thân một cách công bằng và chính trực, trong khi kẻ tiểu nhân thường hành động chỉ vì lợi ích cá nhân.

Shibusawa không bao giờ chạy theo cơ hội kiếm lợi. Ông biết rằng mua trái phiếu đường sắt của chính phủ sẽ đem lại cho ông rất nhiều lợi nhuận nhưng ông đã không làm như thế. Ông tin rằng nếu ông kiếm lợi bằng cách suy đoán, đầu cơ, nó sẽ tạo cho ông một thói xấu mà có thể mất tất cả những gì ông có, khánh kiệt tài sản, và tệ hơn nữa, đem lại sự mất mát lớn cho các nhà đầu tư của ông. Shibusawa chính là người đã đặt giá trị và ảnh hưởng của công việc đầu tư của mình vào xã hội lên trước lợi nhuận của bản thân.

Khổng Tử đã giảng, “Thấy lợi xét nghĩa”, và “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi”.

Một doanh nhân Nhật Bản khác cũng đã chứng minh thương trường không phải là chiến trường và người ta hoàn toàn có thể làm giàu chân chính bằng sự tử tế của mình. Ông Inamori Kazuo thành lập Công ty TNHH Koyoto Ceramic vào năm 1959 với số vốn khởi nghiệp 10.000 USD và 28 nhân viên. Cho tới nay, Tập đoàn Kyocera có quy mô trên 65.000 nhân viên và doanh số bán hàng đạt khoảng gần 13 tỷ USD.

Ông Inamori trở thành người giàu thứ 28 Nhật Bản theo bình chọn của tạp chí Forbes với tổng tài sản ước đạt gần 1 tỷ USD sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Không lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn khủng hoảng, tập đoàn Kyocera thậm chí lớn mạnh và mua lại hãng Japan Airline trước nguy cơ phá sản vào năm 2010.

Ông đã chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình trong cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”. Triết lý kinh doanh của Kyocera là “Kính Thiên, Ái Nhân” – tôn trọng quy luật của vũ trụ, của thiên nhiên và yêu thương con người. Ông tin rằng khi tư tâm của của người đứng đầu xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn. Mỗi người cần gọt bớt lòng tham của mình, chịu thiệt một chút vì người khác thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn và kiếm tiền một cách đúng đắn.

Amartya Sen, một người đoạt giải Nobel nói rằng khi kinh tế phát triển, thì cần phải quay lại với đạo đức, vì bất kể con người cố thoát khỏi sự hạn chế của đạo đức như thế nào, họ sẽ bị thất bại vì đạo đức là một thuộc tính tự nhiên của các hoạt động kinh tế.

Những ai kinh doanh theo nguyên tắc “Thiện” (nghĩa là luôn suy xét liệu việc hiện thực hóa lợi ích của mình có thể vô tình xâm phạm vào lợi ích của người khác hay không) và theo đúng những nguyên tắc công lý và chính nghĩa chính là đang tạo nền móng vững chắc cho tương lai tốt đẹp của mình.

Ai nói rằng mười người buôn chín kẻ gian, ai nói rằng làm kinh doanh thì phải “lắt léo”, ai nói rằng làm kinh doanh không thể nào công bình, liêm chính được. Đó đều là do nhân tâm dẫn dắt, một khi đã thiếu đạo đức thì dù làm nghề gì cũng sẽ có cơ hội vi phạm đạo đức mà thôi. Ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, và thật ra nó chính là đều bắt nguồn từ nền tảng đạo đức cơ bản của con người.

Ben Smith là một doanh nhân buôn bán bất động sản tại Brisbane, Australia, năm nay 38 tuổi, chia sẻ về công việc của mình: “Tôi là người kinh doanh tự do. Tôi phát hiện rằng khi mình tuân theo nguyên lý ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ trong sinh hoạt, trong công việc thì sự nghiệp đã có những ảnh hưởng sâu rộng”.

Ben Smith nói, tuân theo Chân, khiến anh thu được thanh danh tốt đẹp, với công việc khởi tác dụng tích cực. “Tại chỗ làm và người cộng tác, tôi lấy liêm chính mà nghe, chú trọng sự thật và chân tướng sự việc, thu được sự kính trọng của mọi người”.

Tuân theo Thiện, tôi có thể hiểu được người khác, đối đãi thiện lành với họ, đầu tiên nghĩ đến người khác trước, và việc này có ích lợi phi thường trong các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau trong hệ thống”.

Tuân theo Nhẫn, khiến người ta khắc phục được sự hiếu chiến và thiếu sáng suốt khi không đủ bình tĩnh để nhìn nhận. Ben Smith nói: “Công việc của tôi có sự va chạm và nhiều xung đột, có rất nhiều tình huống xuất hiện khó khăn, đó là một quá trình liên tục khắc phục sự căng thẳng. Tuân theo nguyên tắc Nhẫn khiến tôi có thể kiên trì. Trường kỳ bỏ xuống những cảm xúc tiêu cực và nó giúp sản sinh hiệu quả rất tốt. Đây thực sự là một hành trình mỹ diệu”.

Bất kể bạn làm gì cũng vậy, buôn bán lớn hay nhỏ, thị trường cạnh tranh khốc liệt hay mới mẻ đầy thử thách, tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống luôn là con đường thẳng nhất để dẫn tới thành công. Thành công của bạn khi cộng hưởng với thành công của người khác sẽ chỉ càng vững bền và có ý nghĩa hơn. Khi bạn chia sẻ lợi ích của mình, thay vì kiếm món lợi khổng lồ thì hướng tới sự san sẻ lợi ích cho cộng đồng và những người khác, tổng lợi ích thì vẫn không đổi, nhưng sự bền vững sẽ lớn hơn nhiều, như chiếc kiềng ba chân chắc chắn sẽ đứng vững hơn khi nó chỉ có một chân.

Làm kinh doanh cũng giống như mọi ngành nghề khác trong xã hội, cũng đều cần có một sợi dây níu giữ mang tên đạo đức. Vì thế không phải cứ làm kinh doanh thì phải gian manh, luồn lách, khôn lỏi mà bỏ qua danh tiếng lâu dài. Mọi việc làm “ăn sổi, ở thì” sẽ chỉ dẫn đến thất bại nhanh hơn mà thôi. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, giới doanh nhân thành đạt đều đề cao chữ Tín. Muốn có được Tín tâm của khách hàng, đối tác, bạn phải Chân thành, trung thực. Muốn giữ được cái Tín của mình, bạn phải Thiện để luôn biết cân nhắc tới lợi ích của mọi người chứ không chỉ chăm chăm cho lợi ích cá nhân. Muốn gìn giữ chữ Tín đã xây dựng được, bạn cũng phải Nhẫn để không vì một vài phút nông nổi, thiếu kiểm soát có thể đổ mọi công sức đã gây dựng của mình xuống sông xuống bể.

Thế nên, bí quyết kinh doanh ngắn gọn và dễ thực hành nhất chẳng phải chính là thực hành theo Chân – Thiện – Nhẫn hay sao? Khi đạo đức thăng hoa và niềm tin quay trở lại, cái từ doanh nhân sẽ càng đáng trân trọng hơn nữa mà không phải kèm theo tiếng oan kiểu như “mười người buôn, chín kẻ gian” như bây giờ.

https://www.dkn.tv/

Related posts

2040: Sài Gòn sẽ trở lại là Hòn ngọc Viễn đông?

Tin Tức Đa Chiều

Bị ‘nhắc nhở về lối sống’, thực tập sinh VN ở Nhật cứa cổ bạn đồng hương cùng phòng

Tin Tức Đa Chiều

Chiến lược chống dịch của TPHCM chuyển hướng

Science

Leave a Comment