Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Mưa lũ năm 2020, 2021: Miền Trung thiệt hại hơn 38.000 tỷ đồng

Thông trên trên do ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, nói tại “Hội nghị công tác phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung” hôm 26/11.

Theo ông Hải, năm 2020, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó cơn bão số 9 được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua, đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Trung Bộ và Tây nguyên.

Mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến từ 1000-2500mm, nhiều nơi trên 3.000mm, gây lũ lớn, đặc biệt lớn trên toàn 16 tuyến sông chính vượt mức báo động 3, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử. Ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài nửa tháng.

Tại khu vực miền Trung, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính hơn 36.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, ước tính hơn 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt, vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Trà Leng vào cuối tháng 10/2020 làm tử vong 18 người, 14 người mất tích và 33 người bị thương.

Quảng Nam có 46 thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn

Trước đó, sáng 15/10/2020, tại buổi họp báo về hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh là một trong những địa phương có nhiều thủy điện.

Theo ông Thanh, tính đến năm 2020, tỉnh có 10 thủy điện bậc thang lớn trên thượng nguồn sông Thu Bồn – Vu Gia đang hoạt động và đang xây dựng đưa vào hoạt động, với năng lực phát điện gần 1.200 KW.

Ngoài ra, tỉnh còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ, cơ bản có một nửa đi vào hoạt động, nửa còn lại đang trong quá trình triển khai cũng sẽ đưa vào vận hành trong thời gian tới với công suất phát điện 560 KW.

Trong năm 2021, từ tháng 9 đến nay, miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 5 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800 – 1.500mm, một số nơi mưa lớn hơn trên 2.000mm.

Bão, mưa, lũ tại khu vực miền Trung đã làm 38 người chết, mất tích; 39 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 970 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 85.806ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 109.771m đê, kè, kênh mương bị sạt lở; nhiều tuyến giao thông bị tắc nghẽn do ngập lụt, sạt lở với khối lượng 1.077.556m3. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 2.100 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nhận định thiên tai ngày càng diễn biến phức, nền kinh tế – xã hội ảnh hưởng bởi thiên tai ngày càng nặng nề hơn… Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, trang thiết bị, bộ máy phục vụ.

Ông Hoài đề nghị cần xây dựng đề án trồng rừng theo từng khu vực, đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; yêu cầu các tàu thuyền đăng ký cảng neo đậu để trú, tránh bão, tránh trường hợp một điểm neo đậu quá nhiều tàu thuyền tiềm tàng nguy cơ cháy nổ…

Về ý kiến cho rằng dự báo thiên tai còn quá rộng, thời gian dự báo quá dài, ông Hoài nói “công tác dự báo thật sự còn rất khó khăn, kể cả với các quốc gia phát triển trên thế giới. Chúng tôi cần tăng cường hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn”.

Hồi tháng 11/2020, giải trình trước quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói “năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Sau 30 năm, diện tích rừng tăng 14,6 triệu ha, hệ số che phủ đã đạt gần 42%”.

Tuy nhiên, đại biểu Ksor H’ Bơ Khăp (Gia Lai) lại cho rằng diện tích rừng tăng từ 9 triệu lên 14 triệu ha mà ông Cường cung cấp là con số đáng mừng, nhưng con số này “rất vô lý và có điều gì đó sai sai”.

Nữ đại biểu Gia Lai cho hay mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

“Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”, nữ đại biểu Gia Lai nhận định.

Còn Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp cần “trung thực hơn” và nên nói “mất rừng” là do “quản lý bất cập từ Trung ương đến địa phương”.

Theo bà Mai, đợt thiên tai lũ lụt vừa qua ở miền Trung, trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là “con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả quá đắt”. Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên.

Related posts

Mất 154 triệu đồng sau 10 ngày vì dùng app đa cấp Bounty

Tin Tức Đa Chiều

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 11/11/2021

Tin Tức Đa Chiều

Lãnh đạo Haiti làm gì mà bị Trung Quốc chỉ trích thẳng mặt “như tát nước” giữa Liên hợp quốc?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment