Quả cầu bí ẩn khắc ký tự Nga “từ trên trời rơi xuống” ở đảo quốc Caribe. Người ta phát hiện quả cầu bằng titan kỳ lạ, trên bề mặt của nó khắc đầy ký tự Nga tại Bahamas – đảo quốc ngoài khơi Caribe. Điều khó hiểu là không ai biết quả cầu bí ẩn này đến từ đâu.
Quả cầu bí ẩn khắc đầy ký tự Nga được phát hiện ở một đảo quốc ngoài khơi Caribe (ảnh: Independent)
Quả cầu được Manon Clarke – một phụ nữ người Anh – phát hiện khi đang đi dạo cùng gia đình trên bờ biển Bahamas. Quả cầu nặng 41 cân, trồi lên khỏi mặt cát nên dễ dàng bị phát hiện.
“Gia đùng tôi đang đi dạo thì bất ngờ phát hiện một quả bóng màu bạc trồi lên khỏi cát. Bề mặt nó khắc khá nhiều chữ tiếng Nga. Chúng tôi quyết định đào lên xem thử. Nghĩ lại thì hành động này thật liều lĩnh. Nó có thể là một loại vũ khí bí mật lắm chứ”, Manon Clarke nói.
Vì không thể bê quả cầu về nhà, Manon Clarke và bố mẹ đã chụp ảnh nó lại và đăng lên mạng xã hội.
“Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại bãi biển cùng những người bạn để cố gắng đào quả cầu lên. Chúng tôi bỏ quên xẻng ở nhà nên tất cả phải đào bằng tay”, cô Manon nói.
Các chuyên gia vũ trụ cho rằng, quả cầu là vật chứa Hydrazine – nhiên liệu sử dụng cho tên lửa phóng vệ tinh hoặc tàu vũ trụ. Tuy nhiên, vì sao quả cầu khắc đầy ký tự Nga lại xuất hiện ở bờ biển Bahamas vẫn còn là điều bí ẩn.
“Tôi chắc chắn đến 99% quả cầu này chứa Hydrazine”, Mark Morabito – Chủ tịch công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic – nói.
Chữ Nga viết trên quả bóng viết rằng, nó có thể hoạt động trong môi trường âm 170 độ C đến âm 196 độ C, thể tích 43 lít, nặng 41kg.
“Quả cầu có thể là bộ phận sử dụng trong tên lửa đẩy, tàu vũ trụ hoặc vệ tinh”, Martin Archer – tiến sĩ tại Đại học Hoàng gia London – nhận xét.
Không ai biết quả cầu này đến từ đâu, tuy nhiên, Sarah Hudspith – phó giáo sư tại Đại học Leeds – cho rằng, vật thể có thể đến từ Cuba.
“Cuba từng là đồng minh của Liên Xô. Nước này cũng khá gần Bahamas”, bà Sarah nói.
“Hầu hết các bộ phận của tên lửa, vệ tinh hay tàu vũ trụ đều sẽ rơi xuống biển. Chuyện một quả cầu màu bạc từ trên trời rơi xuống Bahamas là điều rất hiếm gặp. Trong một số trường hợp, các bộ phận nổi được trên biển của tên lửa sẽ bị sóng đánh dạt vào bờ. Quả cầu này thì không như vậy. Tôi chỉ thấy may mắn là nó đã không rơi trúng ai đó”, ông Archer nói.