Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Mảng tối của Việt Nam trên bản đồ nhiệt vận động toàn cầu và lời cầu khẩn từ gần trăm năm trước

Một tính năng mới của ứng dụng theo dõi quá trình luyện tập thể dục thể thao Strava đã cho thấy một cách hết sức trực quan một vùng tối tại Việt Nam trong bản đồ nhiệt toàn cầu. Điều đó phần nào thể hiện thói quen luyện tập quá ít của người Việt đặc biệt là giới trẻ.

Thực tế từ những dữ liệu và so sánh

Ứng dụng Strava dùng dữ liệu GPS từ điện thoại của người dùng để cho phép họ theo dõi và ghi lại cung đường và các hoạt động thể thao như đạp xe, chạy bộ, bơi lội. Cuối năm 2017, ứng dụng này đã cung cấp thêm một tính năng mới là Global Heat Map (Bản đồ nhiệt toàn cầu), trong đó ghi lại quá trình vận động của người dùng trên khắp thế giới, bao gồm các hoạt động hợp thành từ 3 ngàn tỷ điểm tọa độ.

Trong khi Trung và Tây Âu, Mỹ, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc là những quốc gia sáng nhất trên bản đồ nhiệt, cho thấy mức độ tập luyện thể thao ngoài trời của người dân rất cao, thì tại Việt Nam hầu như là một vùng tối.

Tất nhiên đây chỉ là kết quả từ một ứng dụng trên điện thoại, và không phải ai tập luyện cũng đều sử dụng ứng dụng để theo dõi kết quả của mình nên có thể phản ánh chưa đầy đủ tình hình luyện tập của người Việt. Và cũng có thể nhiều người Việt thích luyện tập trong nhà, các phòng Gym hơn là ngoài trời.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế về thể trạng thấp, yếu của người Việt. Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho thấy, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện thấp hơn 13cm so với chuẩn, trung bình chiều cao nữ thấp hơn 10cm so với chuẩn. Trong đó, chiều cao của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc (kém 8cm), với Trung Quốc (kém 7cm), kém Thái Lan và Singapore là 5 – 6cm.

Theo khảo sát các chuyên gia sức khỏe đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện ở hơn 100 quốc gia, Việt Nam nằm trong các quốc gia lười vận động nhất thế giới, với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày.

Và có thể thấy trên mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam, Facebook, thì số lượng thành viên của các nhóm chạy bộ, nhóm đạp xe, nhóm bơi lội cũng như nhóm chơi ba môn phối hợp chỉ có từ vài trăm đến vài ngàn người.

Tính đến năm 2014, số thanh niên trên toàn quốc là hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% dân số cả nước (báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất). Nhưng qua những gì thể hiện ở trên, có thể thấy người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang quá lười vận động.

Lời cảnh báo đã được xướng lên từ gần 100 năm trước

Văn minh vật chất chỉ mạnh nuôi cho lòng dục, mà lòng dục đã tha hồ tung hoành thì dẹp được nó không phải là việc dễ. Thế giới đã ốm rồi. Ốm tinh thần, mà cái xác lại nuôi rặt đồ cao lương thì bệnh khó gỡ đấy.

Trong cuốn sách viết cho con trai mà cũng là viết cho cả một thế hệ thanh niên Việt cái thời đất nước đang đối diện với những dòng chảy xiết của thời đại, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã để lại một lời kêu gọi:

Bây giờ xin tả một bức truyền thần, bóng dáng một thanh niên nước Nam. Không phải là một người tưởng tượng. Đó là anh, là anh hay chị đang đọc tập này.

Người mạnh mà bạo. Đi thẳng không nghiêng không ngả. Rẽ làn không khí mà tiến. Con mắt đăm đăm theo cho đến cùng. Tay mạnh mà dẻo, chân cứng mà dai, ngực thở như thu cả khí mạnh của thiên nhiên làm khí mạnh của mình.

Để có được cái hình dáng thanh niên nước Nam như vậy, trong sách ông cũng dặn con trước khi mong mỏi làm việc lớn gì, thì phải khỏe trước đã. Khỏe ở đây không chỉ là mạnh mẽ về cái thân xác, ít đau ốm bệnh tật, mà còn ở cái tinh thần trong sáng, đời sống lành mạnh không bê tha.

Trong những thứ “cần chừa” mà cụ Hoàng Đạo Thúy nêu ra, yếu tố đầu tiên là sự xa hoa. Có thể hiểu là cái sự hưởng thụ quá mức, từ việc ăn mặc, chơi bời đến cả việc ngủ nghỉ.

Năm 2017, hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab, đã đưa ra báo cáo chi tiêu của nhóm đối tượng người trẻ ở Việt Nam độ tuổi sinh năm 1995 trở về sau này (được gọi là thế hệ Z), trong đó, với tổng số 14,4 triệu người sinh năm từ 1995 trở về sau, số chi cho ăn uống mỗi tháng vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tính bình quân khoảng 900.000 đồng/người/tháng.

GS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng con người nói: “Con số 900.000 đồng/tháng theo tôi là quá cao, không hề thấp”. Cao cũng phải thôi, khi những thứ đồ như trà sữa, với một ly của hãng được đánh giá là có chất lượng có giá trên dưới 50.000 đồng. Những xu hướng ăn chơi cũng ngày càng đắt đỏ hơn.

Còn nhiều những bạn trẻ ngày đêm lê la ở các quán net, hoặc ngồi ôm máy “cày” game ở nhà hết đêm này sang đêm khác. Hình ảnh thế hệ trẻ tay cầm chiếc điện thoại thông minh và cắm mặt vào đó trong khi vẫn đang ngồi với nhau trở nên phổ biến hơn. Và tất nhiên hưởng thụ nhiều hơn đi liền với lười vận động hơn, lười cả suy nghĩ và lười tìm tòi, học hỏi, khám phá thế giới.

Những ứng dụng chia sẻ hình ảnh long lanh như Instagram có vẻ hấp dẫn hơn những trang sách. Trên mạng xã hội, những bài đăng của biểu tượng hưởng thụ như một Rich Kid (tên gọi cho những cậu ấm cô chiếu giàu có) A, ảnh tự sướng của hot girl B hay câu chuyện thị phi của ngôi sao C thường sẽ nhận được nhiều lượt yêu thích và chia sẻ hơn những câu chuyện nghiêm túc về môi trường, xã hội hay các bài học thuật nhiều chữ.

“Trà chanh chém gió” trở thành một xu hướng và các bạn dùng quá nhiều thời gian cho việc gặp gỡ nhau nhưng không để làm gì cả, chỉ là đi ăn uống gì đó, ngồi chỗ nào có view đẹp ngắm nghía người qua đường hoặc lang thang trên mạng ảo từ chiếc điện thoại.

Ngay từ khi còn trẻ, chúng ta đã quá quan tâm tới hưởng thụ cuộc sống và ngại khó, ngại khổ, thì chúng ta sẽ nhận lại được bài học khi trưởng thành. Những gì tốt đẹp đều có cái giá của nó và nếp sống lành mạnh, khắt khe với bản thân sẽ chỉ làm ta thêm mạnh mẽ để dễ dàng vượt qua được những trở ngại của cuộc sống.

Phong trào YOLO và sự tự ru ngủ bản thân

Đóng góp vào xu hướng sống hưởng thụ chỉ biết hôm nay của thế hệ trẻ, là một phong trào nổi tiếng với phương châm “Bạn chỉ sống một lần” (You Only Live Once – YOLO). Trái ngược với mong muốn tiếp thêm động lực để các bạn trẻ không ngần ngại làm những điều mình muốn, YOLO còn bật đèn xanh cho ham muốn hưởng thụ, sống gấp, sống thiếu trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Khi ai cũng nghĩ rằng mình chỉ sống một lần, họ không cần phải cố duy trì trách nhiệm với người khác và với chính cả bản thân mình. Họ sẽ đặt nhu cầu của bản thân lên trên những lợi ích của người khác và của cộng đồng. Nếu ai cũng chỉ cốt sao được lợi cho bản thân nhất thì sẽ chẳng ai chịu hy sinh lợi ích vì người khác.

Con cái sẽ không muốn chăm sóc bố mẹ, thay vào đó đòi hỏi nhiều hơn để thỏa mãn ham muốn của mình bất chấp bố mẹ phải nai lưng ra kiếm tiền. Người làm vợ sẽ không muốn chăm lo cho chồng con mà muốn được giải phóng, được bay nhảy. Người làm công ăn lương cũng không cần có trách nhiệm với công việc mà chỉ đến cho đủ 8 tiếng đồng hồ rồi làm ăn qua loa, lười biếng. Người làm quan cũng không cần chăm lo cho đời sống của dân mà cốt sao vơ vét được càng nhiều càng tốt. Người làm nông cũng vì lợi nhuận và đời sống thư nhàn hơn mà sử dụng các chất kích thích, tăng trưởng độc hại cho sản phẩm của mình…

Cứ thế, một xã hội mà ai cũng nghĩ mình chỉ sống có một lần nên phải tranh thủ làm những gì mình muốn, bất chấp hậu quả, bất chấp quyền lợi của người khác. Đó chính là vì chẳng có ai còn tin tưởng rằng có Nhân thì sẽ có Quả. Một xã hội thiếu niềm tin và câu thúc đạo đức, đó là bắt đầu cho sự kết thúc của nhân loại.

Thế nên chúng ta dù có sống bao nhiêu lần, thì điều quan trọng không phải là hưởng thụ mà là ý nghĩa. Sống thế nào là có ý nghĩa, cụ Hoàng Đạo Thúy đã dặn con trai mình rằng:

Sống là làm một việc, theo đuổi một mục đích, trước khi chết không nghỉ phút nào, không dừng bước nào, sống làm cho đời mình tươi thắm vì lòng nhân ái, vì những điều nghĩa làm được, ngây ngất khi theo đuổi các đích xa xôi, tự cho là thần tiên tuy rằng đằng vật dục trăm đường thiếu thốn, chỉ khi nào thắng được lòng xấu xa của mình, đem lại được yên vui cho người mới gọi là oanh liệt thôi. Khi hai tay buông xuôi, không còn nỗi gì đáng tiếc, thế là sống đã đầy đủ.

Thế nên, cuộc sống của bạn dù có ăn chơi hưởng thụ nhiều đến mấy, càng ngày càng sang chảnh đến mấy, thì cuối cùng vẫn thấy thiếu thốn, vẫn thấy trống trải. Chỉ có khi tự cảm thấy như bậc thần tiên tự tại, dù rằng vật chất thiếu thốn, trừ dứt được dục vọng, ham muốn, thói hư tật xấu của mình, đem lại lợi ích và hạnh phúc được cho cả người khác, thì đó mới là sống thật sự.

Từ cái chuyện lười vận động, ngẫm đến cái lười biếng nói chung của thế hệ trẻ, có thể là chuyện xa xôi, nhưng thật ra lại rất gần. Nếu bạn có trách nhiệm với đời mình, bạn sẽ chăm chỉ và sống lành mạnh, năng động. Trước tiên là hãy dậy thật sớm để cuộc đời tỉnh táo của mình dài hơn, vận động để có cơ thể khỏe mạnh. Bởi một tâm hồn khỏe mạnh không thể ở trong một cơ thể yếu ớt được. Và khi năng động hơn, bạn sẽ tự khắc muốn rời xa những thứ tiêu tốn thời gian và tiền bạc một cách vô bổ.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Không phải vô minh mà người Anh đốt tháp 5G: Hiểm họa có thật từ Hoa Vi

Tin Tức Đa Chiều

Giang Phong: 243 năm trước, George Washington đã thấy trước kiếp nạn thứ ba của Mỹ

Tin Tức Đa Chiều

Bài thơ hay về các lãnh đạo Việt Nam

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment