Người xưa từng lưu lại một câu nói rằng: “Trong tất cả các đức tính, lòng hiếu thảo luôn đặt lên đầu”. Lòng hiếu thảo là một đức tính truyền thống, chỉ sự trân trọng, chăm sóc cha mẹ và tổ tiên của chúng ta.
Chữ ‘hiếu’ trong tiếng Trung (孝 xiao) là sự kết hợp của hai chữ lại với nhau. Phần trên là ký tự 老 (lao), có nghĩa là ‘người già’, và phần dưới là ký tự 子 (zi), nghĩa là ‘con trai’. Hai ký tự này kết hợp với nhau tạo thành chữ ‘xiao’, nghĩa là những người lớn tuổi sẽ được các thế hệ trẻ đi sau chăm sóc và nuôi dưỡng.
Pháo đài của nền văn hóa Trung Quốc đích thực
Nếu nói chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang tàn phá nền văn hóa truyền thống mấy nghìn năm của Trung Hoa, thì Đài Loan lại được nhìn nhận như một pháo đài của văn hóa Trung Quốc đích thực.
Cùng với nhiều phong tục và những giá trị văn hóa khác, thì lòng hiếu thảo là một đức hạnh truyền thống được người Đài Loan chú trọng và gìn giữ. Chính phủ và xã hội dân sự Đài Loan từ lâu đều rất coi trọng việc đề cao chữ hiếu trong toàn xã hội.
Câu chuyện điển hình về đạo hiếu
Có vô vàn các câu chuyện về lòng hiếu thảo tại Đài Loan, điển hình trong số đó là câu chuyện về một gia đình họ Tai ở huyện Gia Nghĩa, thuộc Tây Nam Đài Loan.
Gia đình nhà Tai có 7 người con, trong đó có 4 người là lương y hoặc làm về y học cổ truyền Trung Quốc. Những người con trong gia đình này đều mang các phẩm chất tốt đẹp và vô cùng hiếu thảo.
Khi cha mẹ họ bắt đầu đau yếu vì tuổi già, họ đã thay nhau chăm sóc cha mẹ chu đáo. Dù có một số người đang định cư ở nước ngoài, vẫn tìm cách quan tâm đến cha mẹ.
Họ thường xuyên chăm sóc, và để tâm đến cha mẹ, chẳng hạn như chuẩn bị các loại thảo dược phù hợp cho cha mẹ, xoa bóp chân, cầu nguyện, niệm Phật phù hộ cho cha mẹ.
Các con trong gia đình Tai, cũng thường làm việc tích đức cho cha mẹ, thông qua việc giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, người con trai thứ hai đã tình nguyện làm công việc tư vấn y tế cho những người có nhu cầu.
Trong khi đó, cậu con trai thứ ba đã tặng xe cứu thương cho một bệnh viện và quyên góp tiền để hỗ trợ thường xuyên cho 38 trẻ em mồ côi dưới danh nghĩa của mẹ mình.
Không chỉ là hiếu thảo, các con của gia đình Tai, cũng học được nhiều đức tính khác từ cha mẹ.
Theo lời kể của cô con gái lớn Linda, cha cô thường nhắc nhở các con mình rằng: “Đừng bao giờ lợi dụng người khác, và cũng chẳng sao cả nếu ta bị người khác lợi dụng”. Mặt khác, mẹ cô cũng dạy rằng: “Có cơm thì nên chia cho người khác một nửa”.
“Mãn nguyện, biết ơn, thấu hiểu và vị tha là 4 phẩm chất mà cha mẹ chúng tôi đã để lại. Chúng là di sản của nhà Tai”, cô Linda chia sẻ.
Có thể thấy, cả thảy 7 người con trong gia đình này có được đức tính hiếu thảo cũng phần nào là nhờ vào những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ họ truyền lại.
Tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong văn hóa Trung Quốc
Đạo hiếu là giáo lý trọng tâm của Nho giáo và là mối quan tâm chính của nhiều văn bản kinh điển khác, chẳng hạn như cuốn “Nhị thập tứ hiếu”, được biên soạn vào thời nhà Nguyên (1260-1368) là để làm gương cho hậu thế.
Lòng hiếu thảo không chỉ được coi là nền tảng của giáo dục mà còn là kim chỉ nam cho các hành vi về đạo đức. Nó được coi là cơ sở để thiết lập một xã hội có tôn ti, trật tự.
Thậm chí, để thúc đẩy và khơi dậy lòng hiếu thảo trong thế hệ trẻ, nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, chính quyền Đài Loan và các trường học ở mọi cấp đã tổ chức Giải thưởng Đạo hiếu toàn quốc.
Lễ trao giải thường niên sẽ do Bộ Nội vụ tổ chức, và các cá nhân chiến thắng sẽ do đích thân Tổng thống Đài Loan trao tặng.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn thành lập một lực lượng đặc nhiệm là Trung tâm Tài nguyên Đạo hiếu Quốc gia (National Filial Piety Resource Center), thuộc Cục Quản lý Giáo dục K-12 của Bộ (K-12 là ký tự biểu thị trình độ từ “mẫu giáo đến lớp 12”) thúc đẩy mạnh lòng hiếu thảo.
Bên cạnh đó, Bộ cũng mang lòng hiếu thảo vào chương trình giáo dục của Đài Loan. Hơn nữa, Cục Quản lý Giáo dục K-12 cũng đã tài trợ nhiều hoạt động đề cao về lòng hiếu thảo, chẳng hạn như các cuộc thi viết, vẽ tranh và sáng tác truyện tranh,…
https://tinhhoa.net/