Có quá nhiều vấn đề toàn cầu mà con người phải đối mặt hiện nay!
Xã hội loài người sẽ sụp đổ trong 2 thập kỷ tới nếu cả thế giới không chung tay hành động để giải quyết triệt để các ưu tiên toàn cầu, VICE.com dẫn thông tin từ báo cáo của một giám đốc cấp cao tại Công ty KPMG – Một trong tứ trụ “Big Four” của ngành kiểm toán toàn cầu.
Người này đã nghiên cứu và nhận thấy ‘tiên tri’ cảnh báo nổi tiếng gần 5 thập kỷ trước của Học viện Công nghệ Massachusetts Mỹ (MIT) về nguy cơ sụp đổ của nền văn minh công nghiệp đang dần trở thành hiện thực trong những năm 2040.
Khi cả thế giới mong đợi sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế sau sự tàn phá của đại dịch Covid-19, nghiên cứu mới lại đặt ra những câu hỏi cấp thiết về những rủi ro khi con người cố gắng trở lại trạng thái ‘bình thường’ trước đại dịch.
“ĐẠI SUY THOÁI” THẾ KỶ 21
Kịch bản ‘sụp đổ’ đưa ra năm 1972, được gọi là World3, được các nhà khoa học tạo ra vào những năm 1970 khi sử dụng dữ liệu thực nghiệm và nó đã được xuất bản trong một cuốn sách có tên “The Limits to Growth” (1972) – Giới hạn để tăng trưởng.
Cuốn sách là công trình của một nhóm các nhà khoa học của MIT đã cùng nhau nghiên cứu các nguy cơ sụp đổ của các nền văn minh. Mô hình động lực học hệ thống của họ đã xác định ‘giới hạn đối với sự phát triển’ (LtG) sắp xảy ra. Có nghĩa là nền văn minh công nghiệp đang trên đà sụp đổ vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ 21, nguyên nhân là do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên trên hành tinh.
Phân tích gây tranh cãi của MIT đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi, và bị chế giễu rộng rãi vào thời điểm đó (năm 1972) bởi các chuyên gia đã trình bày sai các phát hiện và phương pháp của nó.
NHƯNG, bước sang thế kỷ 21, nghiên cứu của MIT đã được chứng minh là dần trở thành hiện thực sau báo cáo được viết bởi Giám đốc cấp cao của KPMG (Hà Lan).
“Nền văn minh công nghiệp chắc chắn sẽ sụp đổ nếu các tập đoàn và chính phủ tiếp tục theo đuổi tăng trưởng kinh tế liên tục, không bền vững, bất kể cái giá phải trả” – báo cáo cho hay.
Các nhà nghiên cứu MIT đã dự báo 12 kịch bản có thể xảy ra cho tương lai, hầu hết đều dự đoán đều chung một điểm là tài nguyên thiên nhiên sẽ trở nên khan hiếm đến mức không thể tăng trưởng kinh tế hơn nữa và phúc lợi cá nhân sẽ bị tác động mạnh mẽ.
DẤU CHẤM HẾT CHO LOÀI NGƯỜI?
Kịch bản đáng lo ngại nhất của nghiên cứu dự đoán rằng: Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt đỉnh vào khoảng những năm 2040, sau đó suy thoái mạnh, cùng với dân số toàn cầu, nguồn lương thực và tài nguyên thiên nhiên bị thiếu hụt. Và tệ nhất, có thể gây ra sự sụp đổ xã hội vào khoảng năm 2040. Do đó, gây nên cuộc ‘đại suy thoái’ lớn nhất trong lịch sử cả về kinh tế lẫn xã hội.
Tác giả của báo cáo, Gaya Herrington, Giám đốc cấp cao của KPMG cho biết: “Với viễn cảnh sụp đổ không mấy hấp dẫn, tôi tò mò muốn xem kịch bản nào phù hợp nhất với dữ liệu thực nghiệm ngày nay. Rốt cuộc, cuốn sách mô tả mô hình thế giới này đã là một cuốn sách bán chạy nhất trong những năm 1970, và bây giờ chúng ta đã có dữ liệu thực nghiệm trong vài thập kỷ để so sánh. Nhưng thật ngạc nhiên, tôi không thể tìm thấy những nỗ lực gần đây cho việc này. Vì vậy, tôi quyết định tự mình làm điều đó”.
Phân tích mới của Gaya Herrington dựa trên dữ liệu trên 10 biến chính, đó là dân số, tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong, sản lượng công nghiệp, sản xuất lương thực, dịch vụ, tài nguyên không tái tạo, ô nhiễm dai dẳng, phúc lợi con người và dấu chân sinh thái (footprint).
Bà nói với Motherboard rằng, sự sụp đổ này “không có nghĩa là nhân loại sẽ không còn tồn tại” mà là “tăng trưởng kinh tế và công nghiệp sẽ ngừng lại, và sau đó suy giảm, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và mức sống của con người. “Sự sụp đổ” sắp xảy ra vào năm 2040 này không phải là dấu chấm hết cho loài người, may mắn nó là một bước ngoặt xã hội khiến mức sống trên toàn thế giới giảm xuống trong nhiều thập kỷ.
Trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng năm 2014 “The Peripheral” của William Gibson – cha đẻ của thể loại cyberpunk, đã dự đoán một tương lai trong đó xã hội dần bị lún sâu vào sự sụp đổ do biến đổi khí hậu, đại dịch và các yếu tố khác gây ra.
TIA SÁNG HY VỌNG
Nghiên cứu cho thấy rằng tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư vào các dịch vụ công không chỉ tránh được nguy cơ sụp đổ, mà còn dẫn đến một nền văn minh ổn định và thịnh vượng mới vận hành một cách an toàn.
Nhưng chúng ta thực sự chỉ có một thập kỷ tới để thay đổi hướng đi.
Trong một bài thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020 với tư cách là Giám đốc KPMG, bà Gaya Herrington nói: “Hoạt động của con người có thể tái tạo và năng lực sản xuất của chúng ta có thể được biến đổi. Việc mở rộng những nỗ lực đó hiện tạo ra một thế giới đầy cơ hội mà cũng rất bền vững”.
Bà lưu ý rằng việc phát triển nhanh chóng và triển khai vắc-xin với tốc độ chưa từng có để đối phó với đại dịch Covid-19 chứng tỏ rằng chúng ta có khả năng ứng phó nhanh chóng và mang tính xây dựng với các thách thức toàn cầu nếu chúng ta chọn hành động quyết liệt. Tương tự, chúng ta cần chính xác một cách tiếp cận kiên quyết như vậy đối với cuộc khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu.
Bà Herrington kết luận trong nghiên cứu của mình: “Vẫn chưa quá muộn để loài người thay đổi đáng kể quỹ đạo của tương lai. Hoặc trì trệ và sụp đổ không lâu nữa – Hoặc trở nên tốt đẹp hơn!”.