Vào năm Sùng Trinh thứ 14 (năm 1641) thời nhà Minh, có một vị cao tăng pháp danh là “Thập Lực”, ông giảng Pháp tại chùa Quang Hiếu ở Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Khi đó có hai người tiều phu ở địa phương khá thân thiết với hòa thượng Thập Lực, họ thường trò chuyện cùng nhau khi rảnh rỗi.
Mặc dù hai vị tiều phu này chỉ đốn củi, nhưng họ vẫn biết chữ, đã đọc một ít sách và cảm thấy hứng thú với chuyện thiên hạ đại sự. Trong một lần trò chuyện, hai vị tiều phu liền bày tỏ ý kiến của họ về tình thế hỗn loạn cuối thời nhà Minh và mức độ mạnh yếu của binh tướng tứ phương, nói một cách thao thao bất tuyệt.
Lúc này, hòa thượng Thập Lực nói với họ: Hai người không biết đại thế hưng suy của thiên hạ, thì nói tới nói lui cũng chẳng có ích gì. Vì vậy, hai vị tiều phu liền hỏi ông nguyên nhân thịnh suy của thiên hạ, ông trả lời: Triều Minh đã là “triều đình bè đảng hỗn loạn, trộm cướp lộng hành ngang tàng, đại sự vậy là xong, không lâu nữa lại sẽ có cách mạng”.
Hai vị tiều phu nghe đến đây cảm thấy hứng thú, họ hỏi thêm: Hiện giờ thủ hạ của Lý Tự Thành đang rải khắp nơi, quân số lên đến hơn 100.000 người, ít cũng không dưới 40.000, 50.000 người. Hiện họ đã công chiếm Hà Nam, Thiểm Tây và các nơi khác. Nghe nói ông ta còn có tham vọng muốn chiếm Bắc Kinh tự xưng hoàng đế nữa! Hiện tại lòng dân không yên, nghe nói có một số đại quan còn bí mật tìm đến Lý Tự Thành nương nhờ ông ta, làm nội ứng cho ông ta. Liệu Lý Tự Thành có phải là người sẽ thay thế nhà Minh trong tương lai và thiết lập vương triều mới không?
Sau khi nghe điều này, hòa thượng Thập Lực nói: Không phải là Lý Tự Thành. Bây giờ tai họa từ trên trời rơi xuống, dân chúng lầm than, vì vậy Lý Tự Thành mới có thể hoành hành trong một thời gian. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc chúng ta sau cùng phải đi theo vị vua cai trị Trung Quốc theo Thiên ý. “Nhật nguyệt đã không còn nữa, tuy rằng có tước hỏa (ngọn lửa nhỏ), nhưng chúng không thể tự tồn tại bằng ánh sáng yếu ớt của mình” Về phần Lý Tự Thành, ông ta càng không có mệnh đó!
Hai Người tiều phu càng cảm thấy hứng thú hơn và tiếp tục hỏi: “Vậy kết quả là ai có được thiên hạ?”
Hòa thượng Thập Lực đáp: “Người có thiên mệnh sẽ có được, lão tăng không kịp thấy được”, đến lúc đó các anh tự nhiên sẽ biết, ta không thể nói thêm.
Sau đó, vào tháng 8 năm Sùng Trinh thứ 16 (năm 1643), hòa thượng Thập Lực viên tịch tại La Phù, Quảng Đông. Qua năm sau, sự kiện lớn của triều đại nhà Minh và nhà Thanh xảy ra, Chu Do Tung, con trai của Phúc Vương nhà Minh, xưng đế ở Nam Kinh, niên hiệu “Hoằng Quang”. Tuy nhiên, chế độ Hoằng Quang không lâu sau đó cũng bị nhà Thanh tiêu diệt.
Lúc này mọi người mới nhận ra tất cả những lời của nhà sư Thập Lực đã ứng nghiệm: Niên hiệu của “Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích” (Thái Tổ Cao Hoàng đế) – người sáng lập triều đại nhà Thanh chính là “Thiên Mệnh”, ứng nghiệm câu “người có thiên mệnh thì có được (thiên hạ)”; Nhà sư Thập Lực viên tịch vào năm 1643, và câu “Lão tăng không kịp gặp” cũng ứng nghiệm.
Ngoài ra, “Tước hỏa” còn dùng để chỉ một ngọn lửa nhỏ, trong “Trang tử · tiêu diêu du” có nói, “mặt trời và mặt trăng sắp tắt, nhưng ngọn lửa nhỏ thì không ngừng cháy”, Nhà sư Thập Lực mượn câu này để nói “mặt trời và mặt trăng đã biến mất chỉ còn lại ‘tước hỏa’, không thể tự tồn tại chỉ với một ánh sáng nhạt”, điều này dự đoán rằng chế độ Nam Minh Hoằng Quang được định sẵn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn: Ở đây “mặt trời và mặt trăng” ám chỉ triều đại, còn “ánh sáng nhạt” thì chỉ chế độ Hoằng Quang nhà Minh.
Kỳ thực, sự hưng vong của thiên hạ là có định số, do ông trời sắp đặt, con người cũng không thể chống lại được, chính vì vậy hòa thượng Thập Lực mới có thể dự đoán trước và thông qua cách nói ẩn ý mà lưu lại cho hậu nhân câu chuyện thần kỳ này.
https://tinhhoa.net/