Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Lãnh đạo Haiti làm gì mà bị Trung Quốc chỉ trích thẳng mặt “như tát nước” giữa Liên hợp quốc?

Tình hình tại Haiti đang trở thành tâm điểm quan tâm của thế giới khi Tổng thống nước này, ông Jovenel Moise, bất ngờ bị ám sát ngày 7/7/2021 (theo giờ địa phương).

Tại một hội nghị trực tuyến gần đây, bà Helen La Lime – Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ, Trưởng Văn phòng Phối hợp của Liên hợp quốc tại Haiti (BINUH) – chỉ trích gay gắt thực trạng tại đảo quốc Caribê.

Bà chỉ ra rằng Haiti cần phải cải tổ một cách nhanh chóng và kiên quyết để có thể “thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo kéo dài, đồng thời đưa đất nước trở lại con đường ổn định và phát triển”.

Phó đại diện thường trực phái đoàn Trung Quốc tại LHQ, ông Cảnh Sảng, hồi tháng 2 cũng lên án mạnh mẽ chính quyền và lãnh đạo của Haiti.

“Chính phủ Haiti và lãnh đạo Haiti phải chịu trách nhiệm chủ chốt đối với tình thế gây thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, hiện nay,” ông Cảnh tuyên bố trong phát biểu trước LHQ ngày 22/2/2021.

“Trong thời gian dài, các đảng phái chính trị ở Haiti cạnh tranh nhau không dứt, các nhân vật chính trị thì không làm được gì, tình trạng lạm quyền và tham nhũng tràn lan, quản trị quốc gia gần như thất bại.”

Ngoài Trung Quốc, hai ủy viên thường trực khác của Hội đồng bảo an LHQ là Mỹ và Pháp – những nước tham gia viện trợ Haiti trong thời gian dài – cũng đưa ra những chỉ trích nghiêm khắc đối với tình hình thực tế ở quốc gia này.

Vì sao Haiti bị nhiều “ông lớn” phê phán?

Báo Tân Kinh cho hay, trong hơn 10 năm qua, xã hội quốc tế – dưới sự dẫn dắt của LHQ và các cơ quan quốc tế – đã cung cấp tiền bạc, nhân lực cùng các hỗ trợ cho Haiti.

Trung Quốc tuyên bố là một trong những nước ngay từ đầu đã tích cực tham gia nghĩa vụ quốc tế và viện trợ mạnh mẽ cho Haiti trong khuôn khổ kế hoạch của LHQ. Bắc Kinh cho biết có 8 cảnh sát gìn giữ hòa bình của họ thiệt mạng trong trận động đất nghiêm trọng ở Haiti ngày 13/1/2010.

Tuy nhiên, những “tâm huyết” của xã hội quốc tế đã không hề mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho quốc đảo Haiti.

Những biến động chính trị tại Haiti làm thất thoát lượng lớn tài sản viện trợ mà nước này nhận được. Trong vòng hai năm trở lại đây, cục diện căng thẳng leo thang trong nước không được hòa dịu mà ngày càng diễn biến gay gắt.

Tờ Tân Kinh nói rằng cố Tổng thống Haiti vừa bị ám sát Jovenel Moise nhiều lần thoái thác trách nhiệm khi cho rằng tình hình đất nước lụn bại do “dịch bệnh Covid-19 hoành hành”, “phe đối lập không chịu hợp tác”, hay thậm chí là “xã hội quốc tế viện trợ bất lực”.

Bắc Kinh cho rằng các lãnh đạo của Haiti – bao gồm Tổng thống quá cố – có trách nhiệm không thể chối cãi với tình hình hiện nay.

“Điều đau lòng là tất cả những đầu tư [của xã hội quốc tế vào Haiti] không hề được trân trọng và sử dụng đúng đắn, không hề thu được thành quả đáng có,” trích phát biểu của ông Cảnh Sảng ngày 22/2.

Tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém được cho là nguyên nhân then chốt làm thất thoát lượng lớn viện trợ từ LHQ và cộng đồng quốc tế. Các quan chức bị cáo buộc tư túi tiền viện trợ, trong khi người dân lâm vào tình cảnh khó khăn.

Cơ chế cảnh sát của Haiti – được xây dựng và củng cố nhờ nỗ lực quốc tế – bị lên án là phớt lờ các băng đảng tội phạm, nhưng lại nhằm vào những người chống đối.

Trong 1 năm qua, 2/3 số thượng nghị sĩ, nhiều thẩm phán và dân thường đã bị bắt giữ, nhưng các băng đảng vẫn hoành hành. 76 nhóm tội phạm có vũ trang lớn nhỏ đã được ghi nhận ở quốc gia có diện tích vỏn vẹn gần 28.000 km2 và dân số hơn 11 triệu người này.

Từ tháng 1/2020, lưỡng viện Quốc hội Haiti đã phải ngừng hoạt động và bất đồng bùng lên liên quan đến nhiệm kỳ Tổng thống. Phe đối lập đòi ông Moise “mãn nhiệm và phải rời cương vị” vào ngày 2/7 vừa qua, nhưng ông khẳng định nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2022.

Cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra đã gần như một lần nữa làm tê liệt quốc đảo này.

Tờ báo Trung Quốc cảnh báo, nếu khủng hoảng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Haiti thì những thành quả hỗ trợ của quốc tế trong hai thập kỷ qua có nguy cơ “đổ sông đổ bể”.

Related posts

Bắc Kinh thừa nhận phong cách ‘ngoại giao chiến lang’ trong chiến tranh chính trị chống lại phương Tây

Nếu quân đội Mỹ gặp quân đội Trung Quốc, bên nào sẽ thắng?

Mỹ: Phe thiên tả ‘chế’ luật mới cho phép Đảng Dân chủ nắm quyền vĩnh viễn

Leave a Comment