Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Làm người tử tế chẳng hề khó, chỉ cần bạn hiểu điều này

Có một xu hướng đang ngày càng nổi bật và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Một là sóng lan tỏa, truyền đi lời nhắn nhủ làm “Người tử tế”. Có một chút gì đó vui vui, ấm áp, nhưng cũng có một chút gì đó gờn gợn, tiếc nuối. Bởi cái điều ai lớn lên cũng phải làm được đầu tiên ấy lại đang trở thành một lời kêu gọi. Và khi cộng đồng phải ới nhau, rủ nhau tử tế hơn, thì đó là khi chúng ta đang ở dưới đáy của con dốc đạo đức.

“Theo anh thế nào là sự tử tế?”

– Chịu, thế nào là sự tử tế… bây giờ khó lắm đấy!

– … Chữ tử tế thường thì chỉ ở miệng những người có tuổi hoặc những người hơi xưa, bây giờ thì bận lắm, mấy ai có thời giờ để luận bàn những chuyện xa xôi ấy!

– Đây là một câu hỏi lẩm cẩm! Tử tế à, các ông thử nghĩ mà xem. Người cần sự cứu giúp thì gặp kẻ muốn ban ơn, là thành sự tử tế. Người sa cơ lỡ vận, gặp kẻ cần tiếng thơm để toan tính những việc xa hơn, cũng thành sự tử tế. Tử tế là cái gì đó tế nhị, có đi có lại”.

Đó là một đoạn phóng vấn nhiều nhân vật trong bộ phim tài liệu được sản xuất từ hơn 30 năm trước đây của đạo diễn Trần Văn Thủy. Không chỉ có những điều cực đoan như đoạn hội thoại trên, bộ phim cuối cùng cũng tìm được sự tử tế và truyền đi thông điệp tốt đẹp, chân chính của mình. Nhưng nó vẫn còn tính thời sự cho tới bây giờ bởi vẫn còn rất nhiều người chưa thể hiểu “tử tế” là gì và làm sao cần phải tử tế.

“Chuyện tử tế” đã được được đạo diễn người Mỹ John Gavito đề cử là một trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất thế giới mọi thời đại. Nó đang được thế hệ trẻ truyền nhau trên những trang mạng xã hội bởi tính thực tế cho đến tận bây giờ. Và điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn đang đi tìm sự tử tế trong suốt 30 năm qua.

Chính vị đạo diễn 76 tuổi cũng phải ngạc nhiên: “Điều này hoàn toàn bất ngờ với tôi. Vì khi làm phim này, tôi cứ nghĩ sau 30 năm xã hội sẽ tiến bộ lên, con người sẽ hạnh phúc hơn, được bù đắp chứ tôi không nghĩ bây giờ người ta khát khao sự tử tế hơn ngày xưa”.

Tử tế hóa ra lại đơn giản hơn bạn tưởng

Khi được hỏi “Thế nào là sự tử tế?”, những nhân vật trong phim đã đưa ra nhiều câu trả lời rất khác nhau. Không chỉ mang một mầu sắc xam xám như đoạn đã trích dẫn ở trên, cũng có những ý kiến tin tưởng rằng người tử tế còn rất nhiều ở xung quanh ta.

Một bậc lão niên giải thích rằng: “Tử tế, hai chữ đó là từ gốc Hán. Chữ ‘tử’ có nghĩa việc nhỏ nhất, mà ‘tế’ là điều nhỏ nhất. Hai chữ “tử tế” cộng chung lại nó có nghĩa rằng là cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất”.

Nghe qua thì thấy chẳng có chút gì liên quan, người ta còn cho rằng, từ gốc Hán sau thời gian dài mượn dùng đã bị hiểu sai đi, thành một từ tiếng Việt mới. Nhưng sau biết bao những định nghĩa về sự tử tế, cuối cùng, hóa ra chữ “tử tế” thật sự lại có mối liên hệ với những điều nhỏ nhất.

Bất kể là việc gì, chỉ cần làm cho đúng, cho chính từ những điều nhỏ nhất, thì tự khắc chúng ta đã làm được việc tốt. Ở vào bất kỳ hoàn cảnh, địa vị, chức phận nào, ta chỉ cần làm cho đủ, cho tròn việc của mình từ những điều nhỏ nhất, thì cũng đã là làm được việc tốt.

Xưa có người làm quan, tận tâm với chức vụ, cả năm không nghỉ ngày nào. Có người bảo: “Sao quan lớn không nghỉ một đôi ngày, tội gì mà nhọc thân vậy?”. Ông đáp lại rằng: “Tôi cũng muốn nghỉ, nhưng chỉ sợ nghỉ ngày nào, thì thiệt cho dân ngày ấy, vì công việc không thể đọng lại được”. Đó là sự tận tâm với chức phận của mình, là hiểu nghĩa vụ của mình đối với xã hội, tự khắc đó trở thành việc tử tế.

Người lao công chăm chỉ, tỉ mẩn quét, gom từng cái lá nhỏ nhất, không quét ào ào vào giờ cao điểm đầy người trên đường, tự khắc đó trở thành việc tử tế.

Người làm nông chăm chỉ chăm bón, nuôi trồng, dùng những cách chân chính nhất để làm nên sản phẩm sạch sẽ, an toàn, tận tụy với nghề nghiệp, chức trách của mình. Đó là sự tử tế.

Người đi bộ qua đường, thì phải đi vào vạch đi đường, đó là sự tử tế.

Người đi ngang qua, thấy cái vòi nước mở chảy ào ào, dừng lại vặn nó lại, đó cũng là việc tử tế. Bởi ở vào hoàn cảnh thấy điều gây thiệt hại, tổn thất, việc đương nhiên của người bình thường là phải làm cho nó chính lại. Vậy thôi, làm đúng, làm chính lại từ những việc nhỏ nhất, đó là sự tử tế.

“Bất cứ làm nghề gì, đi cày hay đi buôn, làm quan hay dạy học, ta cũng phải dốc lòng làm cho hết cái chức trách của ta” – (Trích Luân Lý Giáo khoa thư).

Vì sao phải tử tế?

Kinh Thánh Tân Ước có câu: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”.

Cổ nhân từng nói: “Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi”, nghĩa là, đừng tưởng việc thiện nhỏ mà không làm, đừng tưởng việc ác nhỏ mà làm.

Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên tự cho mình bất phàm, vậy nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn. Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy tiểu Trần sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Nho tử sao không quét dọn để tiếp đãi khách?”. Trần Phiên trả lời: “Đại trưởng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo một nhà?”. Tiết Cần liền lập tức đáp lại : “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”. Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào (trích trong “Hậu Hán Thư”).

Lão Tử xưa cũng có câu: “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”, tức đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân.

Không để ý tiểu tiết mà làm cho tròn trịa, cho ngay ngắn, chỉn chu thì cái con người đó còn chưa nên người, sao có thể nên việc lớn.

“Từ rất xa xưa, cha tôi có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế – trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm” – (Trích phim: Chuyện tử tế).

Nếu bạn còn hỏi vì sao phải tử tế, thì đó là câu trả lời. Làm người trước tiên phải tử tế, nếu không thì không ra dáng hình người. Bởi con người cũng như vạn vật của tự nhiên, được trao cho địa vị gì thì phải làm tốt nhất với những gì mình có được.

Như hoa thì phải tỏa hương, khoe sắc cho đời. Cây thì phải vươn cao, tỏa bóng, thanh lọc không khí. Nước thì phải chảy về chỗ trũng, gột rửa mọi ô uế trên đường mình đi. Mặt trời thì tỏa nắng, duy trì sự sống cho muôn loài… Và tất cả đều không đòi hỏi một sự đền đáp, ghi nhận nào hết.

Vậy thì con người cũng phải làm tròn trức phận của mình trước khi mong muốn cải tạo thế giới, đó là làm người tử tế mà không cần điều kiện gì cả.

Người ta cứ bảo làm điều tốt cho người khác thì trước tiên mình cũng phải có điều kiện thì mới làm được chứ. Đó là quan niệm sai lầm. Bởi cứ làm cho tốt những gì trong phạm vi mình phải làm thì bạn đã đang là người tử tế, người tử tế thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho những người xung quanh mình mà không cần phải cố gắng đi tìm việc tốt để làm.

Người trồng rau tử tế sẽ mang tới cho xã hội những sản phẩm lành mạnh.

Người thầy giáo tử tế sẽ đào tạo nên những con người tử tế cho xã hội.

Nhà báo tử tế sẽ đưa tin trung thực và thúc đẩy những thông điệp tốt đẹp, tin tưởng trong cộng đồng.

Người làm quan tử tế sẽ chăm lo đời sống của dân, tạo niềm tin vào công bằng và lẽ phải cho người dân…

Hơn nữa, tử tế chính là sự đầu tư mang lại lợi ích lớn trong tương lai. Người tử tế, họ hiểu rằng, khi làm một việc tốt hay việc xấu, nó sẽ đều quay trở lại với mình trong tương lai, không gần thì xa.

Walter Salles, đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil, trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Trong khi đang đứng tại quảng trưởng, một cậu bé tới gần ông và nói: “Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?”.

Walter lắc đầu từ chối. Cậu bé van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”.

Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.

Walter nghĩ rằng cậu này cũng chỉ như những đứa trẻ nghèo khổ sành sỏi khác mà thôi. Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua khu vực này. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”.

Cậu bé đánh giày ngày nào mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu và hổn hển nói: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”.

Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”.

Hôm sau, nhân viên nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi. Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter, chạy lại và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”.

Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Vì vậy ông đã trao vai diễn cho cậu và nói: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”.

Và đó là cách những chuyện tử tế cứ lan đi và quay trở lại với những người tử tế. Nếu bạn thiếu niềm tin và điều đó, thì bạn thật bất hạnh. Bởi nếu thiếu niềm tin, bạn sẽ chỉ luôn nghi ngờ, cảnh giác trước việc tốt của người khác, nhưng lại tiết kiệm hoặc cần có điều kiện mới làm việc tốt của mình. Nhưng việc tốt là để làm, không phải để tính toán.

Tử tế là điều tối thiểu để làm người chứ không phải là thứ cao sang mà chúng ta chỉ làm khi đã đầy đủ những điều kiện vất chất hay tinh thần khác.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Chị đại 3 lần bị phạt vẫn chưa sợ, lần thứ 4 vẫn không đeo khẩu trang còn dẫn con gái lượn lờ trên phố

Tin Tức Đa Chiều

Vì sao ngày càng nhiều tỷ phú đô la không để lại của cải cho con cái?

Tin Tức Đa Chiều

Sau lời đề nghị xin 10 triệu đô của nữ CEO Đại Nam để nuôi 23 người con NS Phi Nhung, tỷ phú Hoàng Kiều có động thái lạ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment