Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội, Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với khu vực có nguy cơ và đối tượng nguy cơ.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho 300.000 người, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Từ ngày 9/8 đến nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã lấy được 313.010 mẫu để xét nghiệm, phát hiện 29 ca dương tính.
Ông Tuấn cho biết: “Hiện Hà Nội có nhiều khu vực có ổ dịch trong cộng đồng, ngoài những khu vực phong tỏa, chúng tôi tiến hành lấy rộng các mẫu xét nghiệm tại những khu vực không phong tỏa để phát hiện F0. Nhiều trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, dù không liên quan dịch tễ nhưng chúng tôi cũng lấy mẫu xét nghiệm rộng cho những đối tượng này”, ông Tuấn nói.
Những đối tượng nguy cơ cao là người đi lại nhiều như: (1) shipper, (2) nhân viên vận chuyển hàng hóa của bưu điện, (3) đối tượng bán hàng ở chợ… Khu nguy cơ cao là khu có nhiều ca bệnh lẻ tẻ, không tập trung thành ổ dịch nhưng có diễn biến rất nhanh.
Dựa trên kết quả test cho khoảng 300.000 người vừa qua, ông Tuấn cho biết, ngay trong chiều 16/8, CDC Hà Nội tiếp tục xây dựng phương án mở rộng lấy mẫu xét nghiệm đợt 2 với khoảng 1 triệu mẫu.
Nhận định về diễn biến dịch tại Hà Nội, ông Tuấn cho biết, số lượng bệnh nhân trong khoảng một tuần đã giảm nhưng chưa giảm mạnh, chưa giảm bền vững vì cũng có những ngày lên cao.
“Hy vọng sau đợt 2 quét bằng mở rộng xét nghiệm, Hà Nội có thể “bắt” hết được F0 đang rải rác trong cộng đồng. Hy vọng trong đợt giãn cách lần 2 sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Tuấn nói.
Hà Nội nên có những bước nới lỏng thận trọng
Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, qua giám sát trường hợp ho, sốt và xét nghiệm hơn 300.000 mẫu trên diện rộng cho thấy số mắc tại Hà Nội có giảm, số ổ dịch mới có giảm. Số ca nhiễm cao chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa.
Theo ông Phu, Hà Nội có ưu điểm là đã có những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng phát lên trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như một số các địa phương khác.Tuy nhiên, Hà Nội có vấn đề xảy ra trong chuỗi cung ứng và điều này Hà Nội cần hết sức để ý vì đây là đối tượng tiếp xúc nhiều người, nguy cơ bùng dịch rất cao.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần thiết kế việc xét nghiệm trong đợt tới làm sao ưu tiên xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, đó là (1) người làm việc ở các bệnh viện, (2) nhân viên ngân hàng, (3) nhân viên bưu điện, (4) shipper…
Hà Nội đã bước qua nửa thời gian của đợt giãn cách xã hội thứ hai, theo PGS Trần Đắc Phu, nếu Hà Nội có dỡ bỏ giãn cách nên có những bước nới lỏng thận trọng.
“Dịch vẫn diễn biến phức tạp, nếu tháo bỏ các quyết định giãn cách để dịch xâm nhập sẽ rất nguy hiểm. Do đó, chúng ta sẽ nới lỏng dần dần, phải tính toán nới khu nào, nới hoạt động gì. Vùng nào đang phong tỏa do có nguy cơ cao thì cần tiếp tục phong tỏa chặt. TP Hà Nội phải lưu ý bảo vệ, nhân rộng vùng xanh. Nếu mất vùng xanh, dịch sẽ lại bùng phát lên”, ông Phu nói
Tận dụng thời gian giãn cách, ông Phu cho rằng, TP Hà Nội cần phải tăng tốc độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân.
“Theo tôi, việc tiêm này không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm”, ông Phu nói.