Ukraine kêu gọi các nước NATO “đóng cửa bầu trời” nước này giữa bối cảnh căng thẳng với Nga. Mỹ đã từng 3 lần thành công với vùng cấm bay trong quá khứ, nhưng lần này thì sao?
Vì sao Mỹ-NATO chưa hành động?
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã vấp phải sự chỉ trích ở các cường quốc phương Tây. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga và viện trợ cho Ukraine được đưa ra từ nhiều hướng.
Tuy nhiên, việc bố trí quân đội tại Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO, là ranh giới mà Mỹ và các đồng minh phương Tây không sẵn sàng vượt qua.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cuối tuần trước khẳng định rõ người Mỹ sẽ “không đặt chân lên mặt đất”.
“Chúng tôi sẽ không khiến quân đội Mỹ gặp nguy hiểm”, bà nói.
Nhưng không hẳn vì nguy cơ xảy ra xung đột với Nga là ly do duy nhất. Còn những nguyên nhân khác đang ngăn cản quân đội Mỹ đến Ukraine.
Trung tướng nghỉ hưu Mark Hertling, một nhà phân tích quân sự và an ninh quốc gia của CNN cho biết: “Chìa khóa của ngoại giao là hạn chế khả năng xảy ra chiến tranh. Trong khi chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine hiện nay đang được coi là cuộc xung đột khu vực”.
“Nếu NATO hoặc Mỹ cử binh sĩ đến Ukraine để giúp chống lại người Nga, động lực sẽ chuyển sang một cuộc xung đột đa quốc gia với những tác động tiềm tàng trên toàn cầu khi tính đến sức mạnh hạt nhân của cả Mỹ và Nga”.
“Vì vậy, Mỹ và NATO – và các quốc gia khác trên thế giới – đang cố gắng tác động đến sự thành công của Ukraine và sự thất bại của Nga bằng cách cung cấp các hình thức hỗ trợ khác”, Hertling nói.
Mỹ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ ở khắp châu Âu, cả trước và trong khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự.
Theo CNN, 4.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tạm thời đến châu Âu hiện sẽ được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ – rất có thể trong vài tuần – như một phần trong nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu trong thời gian cuộc khủng hoảng hiện tại.
Nhưng những đội quân đó không phải ở lại để chiến đấu với người Nga mà chỉ hành động trong trường hợp các thành viên liên minh bị xâm phạm.
Ukraine có biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những nước này, Mỹ – cùng với Pháp, Đức, Anh và phần còn lại của liên minh NATO gồm 30 thành viên – sẽ phải đáp trả theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Điều 5 đảm bảo rằng các nguồn lực của toàn liên minh có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào. Lần đầu tiên và duy nhất nó được sử dụng là sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ; kết quả là các đồng minh NATO tham gia cuộc xâm lược Afghanistan.
Mỹ có nên lập vùng cấm bay?
Đại sứ Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẽ không triển khai không lực để tạo vùng cấm bay ở Ukraine.
Bà nói rằng quan điểm của chính quyền Biden là giữ các lực lượng Mỹ ở ngoài Ukraine, đồng nghĩa với việc “chúng tôi sẽ không đưa lính Mỹ lên không trung, nhưng chúng tôi sẽ làm việc với người Ukraine để giúp họ có khả năng tự vệ”.
Trong khi một số quan chức Ukraine kêu gọi các nước NATO “đóng cửa không phận” Ukraine, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ khiến Mỹ can dự trực tiếp với quân đội Nga, điều mà Nhà Trắng tuyên bố không muốn tiến hành.
Theo các chuyên gia, Mỹ đã lựa chọn đúng đắn, vì đây là một ý tưởng thảm khốc. Việc Mỹ công bố vùng cấm bay ở Ukraine không khác gì lời tuyên chiến với Nga – cuộc xung đột lớn đầu tiên giữa hai quốc gia cùng nhau kiểm soát 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.
“Vùng cấm bay không phải là một chiếc ô thần kỳ ngăn cản máy bay trong một khu vực nhất định mà là ra lệnh bắn vào những chiếc máy bay trong khu vực đó”, Olga Oliker, giám đốc International Crisis Group phụ trách khu vực Châu Âu và Trung Á, giải thích.
“Lập vùng cấm bay là tiến hành chiến tranh”.
Mỹ và các đồng minh đã sử dụng vùng cấm bay ba lần trong quá khứ: Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh, Bosnia trong cuộc xung đột giữa những năm 90 và Libya trong cuộc can thiệp năm 2011. Trong mỗi trường hợp đó, Mỹ và các đối tác phải đối mặt với lực lượng quân sự thua kém hơn họ rất nhiều, khả năng kiểm soát bầu trời không bị trở ngại.
Nhưng Nga là một câu chuyện hoàn toàn khác. Lực lượng không quân nước này lấn át Ukraine; có quy mô đứng thứ hai chỉ sau không quân Mỹ. Nỗ lực áp đặt một khu cấm bay ở Ukraine sẽ không giống như những cam kết trước đây và thậm chí không rõ là có thực hiện được không.
Rachel Rizzo, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, viết: “Một vùng cấm bay không thể chỉ lập nên rồi để không mà nó phải được thực thi. Điều đó có nghĩa là các đồng minh NATO sẽ phải cam kết bắn hạ máy bay Nga”.