Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà bộ VH,TT&DL có nội dung yêu cầu nghệ sĩ không phát ngôn phản cảm, phải minh bạch từ thiện… Vậy người trong cuộc nói gì?
Trước những ồn ào, bất ổn của nhiều nghệ sĩ thời gian qua, bộ VH,TT&DL đang tổ chức soạn thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ.
Văn bản này đã được gửi các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để để nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Bộ sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, lấy ý kiến rộng rãi tiến tới hoàn chỉnh bộ quy tắc và ra quyết định ban hành.
Nội dung bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội , quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Ở quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về dự thảo này, ông Trần Hướng Dương – Cục phó cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) cho hay: “Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ có hành xử không đúng mực khiến khán giả thất vọng.
Bộ quy tắc ứng xử sẽ như một sự định hướng cho họ là nên làm gì, không nên làm gì. Quy tắc này không chỉ dành cho các nghệ sĩ đang công tác tại các nhà hát thuộc Bộ mà dành cho cả các nghệ sĩ đang hoạt động tự do mà gần đây, các nghệ sĩ hoạt động tự do bị dư luận phản ứng khá nhiều.
Bộ quy tắc ứng xử không có các thiết chế, quy định việc “cấm sóng, cẩm biểu diễn” nhưng nó cũng như một “kim chỉ nam” khiến cho nghệ sĩ đi “đúng đường”. Nghệ sĩ quan trọng nhất là việc giữ hình ảnh, danh dự, vì thế cần sống và làm việc theo Pháp luật , mọi việc minh bạch thì mới được yêu mến”.
Nói về việc từ thiện của nghệ sĩ, đạo diễn Vượng râu cho hay: “Đây không phải lần đầu tôi lên tiếng về việc từ thiện của nghệ sĩ. Làm từ thiện khó lắm, làm thế nào mà vừa lòng tất cả mọi người được?
Tôi nhớ vào đợt miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng năm ngoái, tôi có nhắc khéo Thuỷ Tiên nên đưa tiền vào một tổ chức Nhà nước thì sẽ tốt hơn, sau đó tôi bị ném đá giữa hai phe, một phe fan của Thuỷ Tiên và một phe cơ hội muốn hạ uy tín của tôi. Nhưng tôi kệ, mình thấy gì chưa hợp lý thì lên tiếng thôi. Và đến hôm nay, thì việc lùm xùm này vẫn chưa được dừng lại.
Nhiều năm nay, người ta cứ hỏi: Vượng râu là nghệ sĩ nổi tiếng, vì sao không đứng lên để kêu gọi quyên góp? Tôi đã nhìn thấy những ồn ào này từ trước nên tôi hạn chế đôi co với dư luận, sống thiện lành đã là rất thiện rồi.
Hoặc nếu tôi đứng ra quyên góp từ thiện, tôi sẽ thành lập một ê-kip, trích tiền quyên góp ra trả lương cho kế toán, thủ quỹ…. Số tiền chắc chắn rất nhỏ so với số nhận được quyên góp. Việc này lúc đầu có thể bị ném đá vì nhiều người sẽ nói đã từ thiện còn trả lương cho ê-kip? Sao không bỏ tiền túi ra trả?
Nhưng về lâu dài, với số tiền lớn đó là việc làm chuyên nghiệp mà khi cần công khai, sao kê, mình sẽ có một ê-kíp làm việc đó cho mình bằng sự minh bạch sổ sách, con số.
Ngày trước tôi thi thoảng có đi diễn cho một số nhóm quyên góp để họ xin từ thiện, nhưng sau tôi không biết quỹ ấy đi đâu thế là tôi không diễn nữa! Vì không minh bạch nên tôi không tiếp tay cho họ kiểu ấy. Tôi ủng hộ việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử của bộ VH,TT&DL, nó sẽ giúp nghệ sĩ sống văn minh hơn”.
Nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay: “Bộ quy tắc ứng xử sẽ là “tiếng chuông” cảnh tỉnh một số nghệ sĩ ở showbiz Việt sống chưa chuẩn mực. Các nước gần chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc.. họ có nền nghệ thuật phát triển nhưng cũng có cuộc thanh lọc cũng rất mạnh mẽ. Có những nghệ sĩ dù nổi tiếng nhưng vướng ồn ào, vi phạm pháp luật cũng bị tẩy chay.
Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ như Hồng Vân, Quyền Linh, Vân Dung… bị nói nhiều khi tham gia quảng cáo mà không xem xét kỹ chất lượng sản phẩm nên bị “ném đá”, hay các nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thuỷ Tiên, Trấn Thành… cũng bị gọi tên khi đi từ thiện, liệu họ đã minh bạch chưa? Cho đến nay câu hỏi này chưa trả lời được.
Từ thiện, quảng cáo, hành xử trên mạng xã hội… là con dao 2 lưỡi khiến cho nhiều nghệ sĩ lao đao. Có đáng để đánh mất danh tiếng vậy không khi họ không minh bạch, không giải thích được những việc mình đã làm?
Có lẽ chính lương tâm của họ sẽ trả lời. Đừng vì từ thiện và lòng tham mà nghệ sĩ mất cả chì lẫn chài. Đau xót lắm!”.
Bàn về hành xử của nghệ sĩ thời gian qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng viện Văn hoá – Nghệ thuật Quốc gia, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho hay: “Một số nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn vì họ “chưa biết sợ”, người nổi tiếng có nhiều khán giả hâm mộ nên hành vi của họ cũng ảnh hưởng đến đám động và Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là cần thiết.
Quy tắc này sẽ không có những thiết chế về pháp luật nhưng nó như một sự cảnh báo với nghệ sĩ, rằng họ nhìn vào đó mà hành xử tốt hơn, văn minh hơn. Những quy định dành cho nghệ sĩ không chỉ ở mạng xã hội mà ở ngoài đời thật, nghệ sĩ cũng phải sống sao cho có tâm, có tình để được mọi người yêu mến”.