Với nhu cầu lớn về tài nguyên khoáng sản thiếc và đất hiếm, cộng thêm tình hình hỗn loạn hiện nay ở Myanmar, Trung Quốc – với sản lượng lớn nhập khẩu từ Myanmar – liệu có chịu tác động?
Là nhà sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới, nhà sản xuất đồng lớn thứ 18 và nhà xuất khẩu đất hiếm quan trọng, Myanmar đã làm dấy lên lo ngại của thị trường thế giới khi quân đội nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 1 năm vào đầu tháng. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên khoáng sản của Myanmar, khiến các nhà đầu tư lo lắng về tác động của sự việc này đối với các lĩnh vực liên quan, theo Vision Times.
Đất hiếm là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Chúng bao gồm các chất như gadolinium, lanthanum, cerium và promethium, có vai trò thiết yếu trong sản xuất thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và các công nghệ năng lượng tái tạo. Các loại vật chất này đã được Hiệp hội Thăm dò địa chất Mỹ xếp hạng “cực kỳ quan trọng” cho các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất vũ khí, theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Thống kê cho thấy, Myanmar là một trong những khu vực sản xuất đất hiếm trên thế giới và cũng là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất cho Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhập khẩu trung bình duy trì ở mức khoảng 20.000 tấn đất hiếm từ hải ngoại.
Theo thống kê sơ bộ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), năm 2019, sản lượng mỏ đất hiếm toàn cầu là 210.000 tấn, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc là 132.000 tấn, chiếm 63%; Hoa Kỳ và Myanmar chiếm tỷ lệ lần lượt là 12 % và 10,5%. Những năm gần đây, nguồn cung đất hiếm ở Myanmar thường xuyên bất ổn do tình hình dịch bệnh cùng một số nguyên nhân khác.
Công ty chứng khoán Trung Quốc – Soochow Securities cho rằng, nếu Myanmar bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, sản lượng tại các mỏ khai thác bị giảm xuống, hoạt động sản xuất hoặc kiểm soát xuất khẩu bị đình trệ thì sẽ tác động lớn hơn đến nguồn cung cấp đất hiếm của Trung Quốc.
Với sự gia tăng liên tục các nguồn năng lượng mới, năng lượng gió và máy điều hòa không khí biến tần ở hạ nguồn đất hiếm, có thể thấy nhu cầu về đất hiếm sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.
Reuters báo cáo rằng, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thiếc nước ngoài chiếm khoảng 30% đến 35%. Năm 2020, khoảng 95% lượng thiếc cô đặc nhập khẩu là từ Myanmar. Nói cách khác, các mỏ thiếc ở Myanmar chiếm khoảng 28,5% đến 33,25% nhu cầu sử dụng thiếc của Trung Quốc.