Điểm yếu của quân đội Trung Quốc bất chấp nỗ lực hiện đại hóa. Trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã bổ sung các trang thiết bị và vũ khí hiện đại nhưng giới phân tích vẫn chỉ ra những điểm yếu của lực lượng này.
Theo Nikkei, Trung Quốc đã vô tình để lộ những điểm yếu của quân đội nước này qua một số dấu hiệu.
Một dấu hiệu được đưa ra là việc xây dựng các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở một vùng sa mạc nội địa.
Một dấu hiệu khác là một loạt nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ sinh, bao gồm các biện pháp giúp giảm gánh nặng chi phí trong việc nuôi dạy con cái.
Đằng sau những động thái này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang giải quyết những lo ngại liên quan đến tinh thần binh sĩ cũng như năng lực của quân đội.
Trong gần một thập niên qua, Trung Quốc bận rộn với các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, đầu tiên là xây dựng các đảo nhân tạo pháp, sau đó triển khai thiết bị radar và tên lửa, cuối cùng là triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, còn được gọi là SLBM, là vũ khí tối tân. Vũ khí này cho phép các quốc gia tránh bị đặt vào những vị trí bất lợi vì tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể nằm tại vùng nước sâu.
Vậy tại sao Trung Quốc lại gấp rút xây dựng các căn cứ tên lửa xuyên lục địa (ICBM) mới ở các vùng sa mạc nội địa? Các chuyên gia tin rằng lý do nằm ở chỗ, có thể họ không tự tin nếu xảy ra xung đột.
Vào tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã bị lộ khả năng hoạt động kém hiệu quả. Khi đó, tàu ngầm này đang di chuyển trong lòng biển ở khu vực tiếp giáp quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông và nhanh chóng bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện.
Con tàu đã nhanh chóng nổi lên và giương cờ Trung Quốc. Trong tình huống này, thủy thủ đoàn Trung Quốc dường như lo sợ tàu của họ có thể bị phía Nhật Bản tấn công.
Theo luật pháp quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có thể coi tàu Trung Quốc như một “tàu ngầm không xác định” đã xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản khi đang di chuyển dưới nước.
Trung Quốc đã dành 1/4 thế kỷ qua để tăng chi tiêu quân sự và tổ chức các cuộc duyệt binh. Nhưng những thứ có thể nhìn thấy được như tên lửa và xe tăng chỉ là một phần của sức mạnh quân sự. Ngoài ra còn có những yếu tố vô hình như tinh thần của binh lính.
Hải quân Trung Quốc đang triển khai chương trình đóng tàu sân bay, nhưng một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán các tàu sân bay Trung Quốc sẽ không rời quân cảng của họ trong các cuộc xung đột vì lo sợ nguy cơ bị tấn công và đánh chìm.
Chính sách một con
Một số người tin rằng, tinh thần chiến đấu thấp của binh lính Trung Quốc là do chính sách một con lâu nay của nước này, khiến quân đội Trung Quốc trở thành một trong những “đội quân con một” lớn nhất thế giới.
Kinichi Nishimura, cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và từng có nhiều năm nghiên cứu cán cân quân sự Đông Á cho cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết “hơn 70% binh lính Trung Quốc là “con một”, phần còn lại là con thứ hai hoặc thứ ba mà cha mẹ họ đã phải chịu nộp phạt để sinh ra họ”.
Trung Quốc đang nỗ lực để cải thiện chế độ thu nhập và lương hưu cho các binh lính. Ngày 1/8, chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích của quân nhân. Động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã không thể cải thiện được các nỗ lực tuyển quân của mình, đặc biệt là trước tình hình tỷ lệ sinh đang giảm tại nước này.
Ngoài ra, một điểm yếu nữa là, theo cựu sĩ quan Nhật Bản Nishimura, quân đội Trung Quốc đã tăng cường triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu từ vài năm trước, nhưng hoạt động không đạt hiệu quả chính xác cao. Có vẻ như họ không thể đào tạo đủ binh lính để bảo trì và sửa chữa đúng cách các thiết bị công nghệ cao.
Để tự bảo vệ mình, Nhật Bản và các quốc gia khác bắt đầu nghĩ đến việc tăng cường các biện pháp đề phòng trước Trung Quốc, bao gồm phát triển và triển khai vũ khí thế hệ tiếp theo, bao gồm vũ khí laser và súng điện.