Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ 31/3 bắt đầu nghiệm thu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông để bàn giao cho Hà Nội vào tháng 5 để đưa vào khai thác.
Trên báo VnExpress, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quá trình bàn giao diễn ra giữa Tổng thầu Trung Quốc, Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) và công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Hà Nội).
Ba bên sẽ kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản của dự án với thời gian dự kiến từ 3 đến 4 tuần. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải và TP. Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm ký kết bàn giao chính thức, đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác.
“Đây là dự án quy mô lớn, bàn giao ba bên nên các đơn vị cần có thời gian thực hiện những phần việc liên quan. Tới ngày cuối cùng của quá trình này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ký kết, chính thức bàn giao dự án cho Hà Nội”, ông Đông nói.
Trả lời việc “nếu dự án Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể về đích vào tháng 5 thì sao”, Thứ trưởng Đông cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đang nỗ lực để bàn giao dự án cho Hà Nội theo đúng kế hoạch.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội nói, sau khi bàn giao, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử, phục vụ người dân đi lại miễn phí trong 15 ngày, sau đó khai thác thương mại.
Đoàn tàu có công suất chở 960 người, chạy từ ga đầu đến ga cuối trong 23 phút, dừng lại khoảng 30 giây mỗi nhà ga. Giai đoạn đầu, tàu sẽ có tần suất 10-15 phút/chuyến, tần suất dày hơn vào giờ cao điểm.
Sau 10 năm, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông với tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức vốn đã vọt lên 891,9 triệu USD.
Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.