Ai mới là người thắng?
Khi Nga và Ukraine rơi vào cuộc xung đột khó đoán định, giới quan sát tin rằng dù bất kể Kiev hay Moscow chiến thắng sau cùng, người chiến thắng lớn nhất lại chính là những quốc gia khác đang quan sát và thao túng chiến dịch quân sự này từ bên lề.
Họ là những quốc gia đang đổ lượng vũ khí khổng lồ vào vùng chiến sự và tất nhiên được hưởng lợi từ điều này, tờ India Today nhận định.
Mỹ mới đây tuyên bố sẽ gửi thêm 800 triệu USD vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ an ninh khác cho Ukraine. “Nguồn cung vũ khí ổn định mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác cung cấp cho Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc chiến chống lại Nga”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Mỹ đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 2,4 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Nguồn cung cấp bao gồm tên lửa phòng không Stinger, Javelin, máy bay không người lái Switchblade, radar giám sát đường không, trực thăng Mi17, pháo 155mm, v.v.
Nhưng không chỉ có Mỹ. Canada, Anh, Đức, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong số 30 quốc gia cung cấp cho Ukraine vũ khí và hệ thống phòng thủ do các công ty tư nhân hoặc nhà nước hậu thuẫn sản xuất.
Một số nước láng giềng của Ukraine, chẳng hạn như Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng đang gửi khí tài quân sự trong biên chế đến giúp đối đầu với Nga.
Ngoài hiện vật, còn có hỗ trợ tài chính cho Ukraine mua vũ khí và đạn dược. Vào ngày 7/4, Liên minh châu Âu hứa sẽ cung cấp thêm 543 triệu USD, đưa khoản viện trợ quân sự của 27 thành viên cho Kiev lên 1,63 tỷ USD.
Nhưng nguồn cung cấp vũ khí nói trên đến từ đâu?
Ở Mỹ và châu Âu, sản xuất quốc phòng chủ yếu nằm trong tay các công ty tư nhân. Khi một chính phủ thông báo viện trợ quân sự, các nhà thầu quốc phòng sẽ được trả tiền để cung cấp thiết bị cho quốc gia đang cần.
Quốc gia này trả nợ theo lãi suất tiêu chuẩn toàn cầu, có thể là 1% số tiền gốc, trong vòng 25-30 năm. Nếu không trả được nợ, chính phủ cho vay có thể hứng chịu sự phẫn nộ của các đối thủ chính trị trong nước. Người đóng thuế có thể đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta phải trả tiền để trang bị và bảo vệ một quốc gia khác?
Nhiều người đang chỉ trích việc Mỹ do dự khi đóng góp cho Liên Hợp Quốc, nhưng viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine lại nhiệt tình và nhanh chóng.
Lợi ích chiến lược là một lý do quan trọng được đưa ra. Mỹ cho rằng nếu không đẩy lùi Nga, viễn cảnh tương tự Ukraine có thể sẽ không dừng lại.
Nhưng không thể phủ nhận rằng chiến tranh là công việc kinh doanh tốt cho các nhà thầu và nhà sản xuất quốc phòng. Và Mỹ là nhà thầu quốc phòng và xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ là nơi có 5 trong số 10 nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Lockheed Martin cho đến nay là công ty lớn nhất trong lĩnh vực này.
Ngòi nổ đằng sau
Tình hình hiện tại thể hiện rằng vũ khí đã đổ vào sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Nhưng thực tế vũ khí đã đổ vào Ukraine từ trước đó, có thể với số lượng ít hơn, nhưng đây cũng là một phần lý do khiến Moscow phải hành động, theo India Today.
Cuối năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt cho Ukraine mua vũ khí trị giá 47 triệu USD. Lockheed Martin đã được ký hợp đồng vào năm 2018 để cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng Javelin.
Các nhà quan sát cảnh báo rằng động thái này có thể khiến Nga leo thang tình hình. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Ukraine ngay cả sau khi Tổng thống Joe Biden ngồi vào chiếc ghế Nhà Trắng.
Chính sách viện trợ quân sự vẫn tiếp tục. Việc vận chuyển vũ khí từ Mỹ đến Ukraine được xúc tiến từ năm 2019. Máy bay chở hàng của Mỹ liên tục hạ cánh xuống Kiev. Sau cùng, những lời cảnh báo đã trở thành sự thật khi Tổng thống Putin ra lệnh mở chiến dịch.
Và những gì đang xảy ra ở Ukraine cũng đã từng xảy ra trước đây.
Trước cuộc chiến Gruzia-Nga năm 2008, Tổng thống Mỹ George W Bush đã cung cấp vũ khí trị giá hàng triệu USD cho Gruzia trong khi Nga cảnh báo sẽ trả đũa.
Chính quyền Bush rõ ràng đã thuyết phục Gruzia rằng NATO sẽ tham chiến nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự. Giống như Ukraine, Georgia cũng không phải là thành viên của NATO.
“Ở Mỹ và châu Âu, sản xuất quốc phòng chủ yếu nằm trong tay các công ty tư nhân”, Thiếu tướng nghỉ hưu GD Bakshi nói với IndiaToday.
“Vẫn chưa rõ những thỏa thuận nào đã được thực hiện trong bối cảnh hiện tại của xung đột Nga-Ukraine. Nhưng thông thường, các khoản thanh toán kèm theo lãi suất phải được thực hiện bởi quốc gia nhận viện trợ quân sự. Đây là cách mọi thứ hoạt động”.
“Đó cũng là những gì mà các quốc gia như Mỹ vẫn làm. Họ kiếm được lợi nhuận từ chiến tranh. Giống như thời Thế chiến II khi Nga và Đức đối đầu nhau. 25 triệu người Nga đã chết. Số người chết phía quân Đức là 7 triệu người. Trong khi đó những người cung cấp vũ khí và đạn dược lại cười tươi khi đến ngân hàng”, ông Bakshi nói thêm.
Trong khi Nga một lần nữa cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang gây hại cho bất kỳ triển vọng kết thúc chiến tranh nào, Mỹ vẫn tâm niệm nguồn cung vũ khí ổn định sẽ đảm bảo ngăn bước tiến của Nga.
“Chúng tôi không thể ngơi nghỉ lúc này”, ông Biden mô tả.