Sau một thời gian phong tỏa và số ca nhiễm Covid-19 mới giảm, một số nước như Đông Nam Á đang dần mở cửa nhưng giới chuyên gia y tế đã đưa ra những cảnh báo.
Indonesia và Thái Lan, hai nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các quy định đối với nhà hàng và cơ sở công nghiệp không thiết yếu sẽ được nới lỏng. Chính quyền sẽ gia tăng sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để truy vết lây nhiễm.
Nguy cơ tiềm ẩn
Tại thủ đô Jakarta và một số khu vực đông dân trên đảo Java của Indonesia, nhà hàng trong các trung tâm thương mại được phép phục phụ khách ăn tại chỗ với 50% sức chứa, cao hơn so với mức 25% hiện nay. Trung tâm thương mại được mở cửa đến 21 giờ thay vì 20 giờ. Toàn bộ xí nghiệp được hoạt động với 100% lao động, chia theo ca.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác bị coi là vùng dịch nặng nhất cũng cho phép nhà hàng phục vụ khách tại chỗ với 50-75% sức chứa tùy vào chỗ ngồi trong phòng máy lạnh hay bên ngoài, đóng cửa vào 20 giờ.
Các chuyên gia y tế nhận định việc nới lỏng này tiềm ẩn những nguy hiểm khi tỷ lệ tiêm chủng của hai nước còn thấp và còn thiếu xét nghiệm Covid-19. Indonesia ngày 1.9 ghi nhận thêm 10.534 ca nhiễm Covid-19, thấp hơn 5 lần so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 7. Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 14.802 ca nhiễm, giảm 37% so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 8, theo Reuters.Indonesia và Thái Lan đã tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên cho khoảng 30% dân số. Indonesia có 17% dân số được tiêm đủ liều trong khi Thái Lan chỉ là 11%.
Điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, ông Abhishek Rimal bày tỏ lo ngại về việc tái mở cửa của các nước dù chưa đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn do WHO đề xuất.
Indonesia có tỷ lệ xét nghiệm dương tính là 12% trong khi Thái Lan là 34%, cao hơn nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 5%. “Với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp, chúng tôi có thể thấy rất rõ sự bùng phát ca nhiễm Covid-19 trong những ngày sắp tới”, ông Rimal cảnh báo.
Chuyên gia dịch tễ Tri Yunis Miko Wahyono tại Đại học Indonesia cho rằng việc giám sát là chưa thật tốt và các nước vẫn cần thận trọng. Trong khi đó, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dale Fisher tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng những lợi ích kinh tế của việc nới lỏng phong tỏa là không thể đánh giá thấp nhưng ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải tiêm vắc xin nhanh chóng cho người dân.
Điểm sáng Singapore, Campuchia
Trái với Indonesia và Thái Lan, Singapore tái mở cửa thận trọng khi tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt đến 80% dân số. Người dân vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, việc tụ tập bị giới hạn số người và người dân phải dùng các ứng dụng truy vết trên điện thoại như yêu cầu. Từ tuần sau, Singapore sẽ cho phép người từ Đức và Brunei nhập cảnh nếu đã tiêm đủ liều vắc xin Coivd-19 và không cần cách ly, dù vẫn phải làm xét nghiệm PCR nhiều lần.
Thủ tướng Lý Hiển Long hôm cuối tuần nói Singapore sẽ làm từng bước và không mở toang cửa như một số nước. Ông nhấn mạnh không thể nào giảm số ca nhiễm mới xuống mức 0 ngay cả khi phong tỏa lâu dài.
Tương tự Singapore, chương trình tiêm chủng ngăn ngừa Covid-19 của Campuchia đã tăng tốc rất nhanh. Tính đến cuối tháng 8, 67,5% dân số Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, 53,2% đã được tiêm đủ liều.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath mới đây cho biết chính phủ đã gần như kiểm soát đại dịch nhờ sự tham gia của toàn bộ thành phần xã hội, theo tờ Khmer Times. Campuchia là nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai tại Đông Nam Á sau Singapore.
Đại sứ Nhật Bản Masahiro Mikami và đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cũng đã đánh giá cao cách chống dịch của chính phủ nước này.
Số ca nhiễm mới tại Campuchia đã giảm dần và Bộ Y tế nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch tái mở cửa, học cách sống với dịch. Trước mắt, một số trường học tại nước này dự kiến mở cửa đón học sinh trong tháng này.