Trung Quốc đang đối mặt với việc dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm mạnh. Trong bối cảnh này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) đã gửi đi tín hiệu kêu gọi khuyến khích người dân sinh đẻ. Tuy nhiên một số chuyên gia chỉ ra rằng, ngoài việc chuẩn bị về kinh tế và chuẩn bị toàn diện cho chiến tranh, Tập Cận Bình có thể một lần nữa đi theo đường lối của Mao Trạch Đông và hoàn toàn tự do hóa sinh sản.
Ngày 14/4, tài khoản chính thức WeChat của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã xuất bản một bài báo với nội dung về “Nhận thức và các biện pháp đối phó với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học”.
Bài báo nhấn mạnh rằng so với các nước phát triển, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn và tỷ lệ sinh giảm nghiêm trọng hơn. Tình hình nhân khẩu học ở Trung Quốc đã thay đổi. Giáo dục và tiến bộ của khoa học công nghệ cũng không thể bù đắp cho sự suy giảm dân số. Vì vậy, cần toàn diện giải phóng, kích thích tỷ lệ sinh sản.
Tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ lão hóa của Trung Quốc vượt xa châu Âu và châu Mỹ
Theo định nghĩa của WHO, khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% tổng dân số thì được gọi là “xã hội già hóa” (aging society); khi chiếm 14% tổng dân số thì được gọi là “xã hội già” (aged society); khi chiếm 20% được gọi là “xã hội siêu già” (super- aged society).
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ ra, dân số già của Trung Quốc đứng đầu thế giới trong một thời gian dài, tốc độ già hóa nhanh, vượt xa các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ.
Số liệu do bài báo cung cấp cho thấy năm 2000, dân số Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên là 88,27 triệu người, chiếm 7% tổng dân số. Trong giai đoạn này, Trung Quốc bước vào giai đoạn xã hội già hóa. Năm 2019, dân số từ 65 tuổi trở lên tăng lên 176 triệu người, chiếm cho 12,6% tổng dân số. Người ta ước tính rằng tỷ lệ này sẽ vượt quá 14% vào năm 2022 và nước này sẽ bước vào giai đoạn xã hội già.
Một so sánh cho thấy Trung Quốc chỉ mất 22 năm để đi từ xã hội già hóa bước vào xã hội già, nhanh hơn nhiều so với Pháp (140 năm) Thụy Điển (85 năm), và Hoa Kỳ (72 năm).
Hiện tượng giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Từ năm 1950 đến năm 2019, Trung Quốc nhanh chóng chuyển từ nước có mức sinh cao thành nước có mức sinh thấp, mức sinh toàn diện giảm từ 6,71 con/ phụ nữ xuống 1,70 con/ phụ nữ, giảm 5,01 so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và Pháp chỉ giảm lần lượt 1,28; 2,08; 0,33 và 1,00.
Sau khi bài báo của Ngân hàng Trung ương được công bố, ngày 16/4, Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping), nhà kinh tế trưởng của công ty Soochow Securities, đã ra mắt một báo cáo với tựa đề “Tỷ lệ sinh giảm và lão hóa đang tăng tốc, tự do hóa hoàn toàn là cấp thiết”. Báo cáo khuyến nghị nới lỏng hoàn toàn chính sách về sinh sản và khuyến khích sinh con.
Cả bài báo của Ngân hàng Trung ương và báo cáo của Nhậm Trạch Bình đều thừa nhận rằng việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong thời gian dài của ĐCSTQ đã đẩy nhanh tốc độ giảm sinh, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh và mức độ sẵn sàng có con giảm mạnh. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ đạt đỉnh đang giảm xuống, dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm gia tăng.
ĐCSTQ làm “kế hoạch hóa gia đình”, khiến dân số Trung Quốc giảm đi 400 triệu
ĐCSTQ bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế dân số vào năm 1971, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh ít hơn và thực hiện nghiêm túc chính sách một con từ cuối những năm 1970. Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế ĐCSTQ (nay là Ủy ban Y tế Quốc gia), từ năm 1971 đến tháng 3/2013, Trung Quốc đã thực hiện 336 triệu ca phá thai và 196 triệu ca triệt sản. Kể từ những năm 1990, mỗi năm Trung Quốc có 7 triệu phụ nữ đã phá thai trong Trung Quốc mỗi năm. Gần 2 triệu người đàn ông và phụ nữ trải qua các cuộc phẫu thuật triệt sản.
Năm 2015, Địch Chấn Vũ (Zhai Zhenwu), viện trưởng Viện Nghiên cứu Dân số và Xã hội tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, dự đoán chính sách kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ đã làm giảm 400 triệu dân số của Trung Quốc.
Sau khi thực hiện chính sách sinh con thứ hai, số ca sinh giảm thay vì tăng
Báo cáo của Nhậm Trạch Bình chỉ ra, sau khi ĐCSTQ thực hiện chính sách hai con toàn diện năm 2016, đỉnh sinh không những không xuất hiện mà thay vào đó xuất hiện sự đứt đoạn về sinh sản. Mặc dù khi bắt đầu thực hiện chính sách này, dân số đã tăng lên 17,86 triệu người năm 2016, nhưng sau đó tỷ lệ sinh đã giảm mạnh, xuống còn 17,25 triệu trẻ vào năm 2017, 15,23 triệu trẻ năm 2018 và 14,65 triệu trẻ năm 2019.
Số trẻ sinh năm 2020 chưa được công bố, nhưng số liệu của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy, số trẻ sơ sinh đăng ký năm 2020 chỉ là 10,035 triệu trẻ, giảm mạnh khoảng 15% so với năm 2019. Năm 2019, số trẻ sơ sinh được đăng ký với Bộ Công an Trung Quốc chiếm 80,5% so với tỷ lệ dân số sinh của Tổng cục Thống kê. Theo tỷ lệ này, số trẻ sơ sinh năm 2020 có thể giảm hơn 2 triệu trẻ so với với năm 2019.
Đổng Ngọc Chỉnh (Dong Yuzheng), chuyên gia dân số kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Dân số tỉnh Quảng Đông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với China Business News ngày 18/4 rằng theo xu hướng hiện nay, dân số sinh hàng năm trong thời kỳ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” có thể giảm xuống dưới mốc 10 triệu. Kết quả là, trong vài năm tới, tổng dân số Trung Quốc có thể tăng trưởng âm.
Sự chậm trễ của ĐCSTQ trong việc công bố kết quả của cuộc điều tra dân số lần thứ bảy năm ngoái đã làm dấy lên sự nghi ngờ trong ngoại giới. Ban đầu chính quyền dự định công bố kết quả điều tra dân số vào đầu tháng 4, nhưng vào 16/4, Cục Thống kê Quốc gia đã tuyên bố rằng sự chậm trễ này là do nhu cầu “công bố nhiều thông tin hơn nhiều và chi tiết hơn,” nhưng không cho biết ngày công bố cụ thể.
Để tăng tỷ lệ sinh, năm 2018, các đại biểu Quốc hội từng đề nghị thực hiện toàn diện chính sách sinh 3 con. Gần đây, Nhậm Trạch Bình đã đăng trên Weibo rằng không [nên] chỉ cho sinh ba con, việc sinh 4-5 con có thể được thưởng. Ông dự đoán rằng chính sách mức sinh có thể được điều chỉnh trong thời kỳ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”.
Phân tích: Khuyến khích sinh sản hay chuẩn bị cho chiến tranh
Lữ Mỹ (Li Yanming), một nhà bình luận chính trị ở Hoa Kỳ và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đã phân tích rằng lợi ích nhân khẩu học của Trung Quốc đang biến mất. Tuyên bố chính thức mới nhất của ĐCSTQ cho thấy rằng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra, có tác động lớn đến xã hội, nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Mặt khác, chính quyền của ĐCSTQ đã mở rộng ra toàn cầu. Tham vọng bá quyền quân sự ngày càng rõ ràng, và đường lối của Mao Trạch Đông có thể sẽ được áp dụng ở Trung Quốc. Do đó, ĐCSTQ có khả năng sẽ làm theo cách tiếp cận của Mao trong những ngày đầu ĐCSTQ thành lập chế độ, và thực hiện các chính sách khuyến khích và thậm chí bắt buộc sinh con, để cung cấp lực lượng mới cho tham vọng đạt được chuẩn bị toàn diện cho chiến tranh và thống trị thế giới.
Trước khi thành lập ĐCSTQ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Acheson từng tuyên bố, dân số Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong thế kỷ 18 và 19, và không chính phủ nào ở Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề lương thực.
Vào tháng 9 năm 1949, Mao Trạch Đông, lãnh đạo đảng đầu tiên của ĐCSTQ, đã phản bác lại quan điểm của ông Acheson trong bài báo “Sự phá sản của chủ nghĩa duy tâm lịch sử”. Trong đó Mao nói “Dân số đông của Trung Quốc là điều tốt, và có một biện pháp để tăng lên gấp nhiều lần nữa. Biện pháp ấy chính là sinh đẻ [thêm]”.