Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Điểm mấu chốt khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, phân loại F0 thuộc tầng điều trị nào là điều rất quan trọng. Bởi nếu xếp sai, chúng ta có thể bị quá tải hệ thống hoặc không kịp cứu chữa người bệnh.

Chiều 10/8, trong khuôn khổ chương trình Telehealth do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19, dựa trên kinh nghiệm tại tâm dịch Bình Dương.

PGS.TS Hiếu cho biết tình hình dịch Covid-19 tại Bình Dương vẫn rất căng thẳng. Những kinh nghiệm điều trị gần 32.000 F0 tại địa phương này sẽ giúp ích cho những tỉnh, thành phố khác khi tình huống số ca bệnh nặng tăng nhanh bất ngờ ập đến.

Khó khăn khi phân loại F0

Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn về tháp 3 tầng trong điều trị. Nhiều địa phương cải tiến thành tháp 5 tầng (TP.HCM), 4 tầng (Hà Nội).

Tuy nhiên, bản chất vẫn là tháp 3 tầng dựa trên 3 nhóm bệnh nhân: Không triệu chứng, triệu chứng nhẹ (tầng 1); có triệu chứng đến vừa (tầng 2); nặng đến nguy kịch (tầng 3). Ở đa số địa phương, tầng 3 thường chỉ có thiết bị thở máy, lọc máu.

Vị chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định việc quan trọng nhất trong điều trị Covid-19 là phân loại bệnh nhân. F0 thuộc tầng nào sẽ có những phương án, phác độ điều trị tương xứng. Đây không phải là điều dễ dàng, thậm chí rất khó khăn. Bởi số lượng F0 rất lớn, việc phân loại dựa trên những triệu chứng khá ít ỏi.

“Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi vẫn nói chuyện bình thường, nhưng chỉ số SpO2 đo được ở ngón tay chỉ còn 84-85%. Chính vì vậy chúng ta phải nắm vững các tiêu chuẩn chẩn đoán, phân tầng bệnh nhân”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Việc khó khăn thứ 2 là xác định những F0 cần được đưa lên tầng điều trị cao hơn. PGS Hiếu cho hay ngành y tế hiện gặp phải vấn đề đó là đưa bệnh nhân muộn, một số trường hợp đã tử vong trước khi được điều trị ở tầng cao hơn.

Vấn đề thứ 3 được vị chuyên gia lưu ý đến trong buổi chia sẻ đó là nhiều ca bệnh chưa ở mức độ nặng nhưng đã chuyển lên tầng trên quá sớm, gây áp lực, dồn ứ cho tuyến điều trị cuối cùng. Điều này khiến số giường ICU (hồi sức tích cực) vốn đã ít ỏi lại càng trở nên khan hiếm.

Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng yếu tố then chốt nhất trong tháp điều trị 3 tầng ở bệnh nhân Covid-19 là củng cố tầng 2. Nếu làm tốt điều này, ngành y tế sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nhất.

Khi nào nên cho bệnh nhân Covid-19 lên tầng điều trị?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng đưa ra một số khuyến cáo về cách xếp loại F0 cho phù hợp với tầng điều trị.

Với tầng 1, đa phần bệnh nhân không có bệnh nền, không béo phí, tuổi chưa cao, không triệu chứng khi mắc Covid-19 đều nên được xếp vào điều trị ở tầng này.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Các thầy thuốc cần theo dõi sát dấu hiệu của F0, điển hình là chỉ số SpO2. Nếu bệnh nhân vẫn có biểu hiện bên ngoài nhẹ nhưng SpO2 dưới 94%, họ cần được đưa lên tầng 2 càng sớm càng tốt để theo dõi. Con số 94% cũng được xem là khá chung chung. Người điều trị cần theo dõi kỹ.

Trong trường hợp bệnh nhân có hiện tượng giảm trên 3 đơn vị bão hòa oxy khi hoạt động gắng sức (ví dụ bình thường 99%, lúc đi lại tụt xuống 96%), bác sĩ cần lưu ý để đưa bệnh nhân lên tầng điều trị cao hơn.

Tại những nơi có dịch Covid-19 bùng phát mạnh, số lượng bệnh nhân lớn, tầng 1 cần chú ý lọc những F0 không triệu chứng đã đủ ngày cách ly, test nhanh âm tính để cho ra viện, giảm tải cho hệ thống điều trị.

Dấu hiệu nhận biết F0 trở nặng để phân loại vào đúng tầng điều trị. Nguồn: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tầng 2 nên dành cho các trường hợp không triệu chứng nhưng bị cao huyết áp, béo phì, mắc bệnh nền, tiểu đường, tai biến mạch máu não. Bởi tỷ lệ diễn biến nhanh ở nhóm này rất cao.

“Các ca bệnh ở tầng 2 phải được điều trị rất bài bản, đúng phác đồ. Nếu không đáp ứng mới đưa bệnh nhân lên tầng 3. Tuyệt đối không được đưa lên tầng 3 những trường hợp F0 còn khả năng điều trị nội khoa, không phải can thiệp. Cũng không đưa nên tầng 3 các ca đã quá nặng “, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, điều kiện thiết bị của tầng 2 là phải có máy thở không xâm nhập (HFNC), máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), monitor, oxy lỏng/bồn oxy để điều trị các ca F0 trước khi họ phải can thiệp thở ống.

Tầng này phải được trang bị đầy đủ thuốc, trong đó, tối thiểu là thuốc chống đông (như enoxaparin, heparin không phân đoạn), chống viêm, thuốc dạ dày dự trữ. Khi đại dịch xảy ra, các loại thuốc rất khan hiếm, điều này có thể gây chậm trễ trong điều trị. Nếu không đủ để điều trị cho F0 ở tầng 2, họ diễn biến nặng và phải lên tầng 3, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

Tầng 3 dành cho các trường hợp thở HFNC, CPAP nhưng hô hấp không cải thiện; người bệnh mệt, có nguy cơ ngừng hô hấp; bị suy đa tạng.

Từ kinh nghiệm của Bình Dương, vị chuyên gia cho biết trong thời gian đầu, nhiều bệnh viện huyện đưa các F0 chưa nặng hoặc thậm chí các ca đã tử vong, không bắt được mạch, huyết áp lên tuyến tỉnh, gây quá tải cho tầng điều trị trên.

Hạ nhiệt cho tầng điều trị

Trong buổi chia sẻ, ông Hiếu cho hay điều quan trọng khác nhưng tất cả bệnh viện tại Việt Nam trước đây không chú ý tới đó là cho F0 xuống tầng.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói: “Nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu lớn thường cho bệnh nhân ra viện tại trung tâm. Đây là điều thất bại trong đại dịch. Không bác sĩ nào muốn bệnh nhân rời trung tâm hồi sức tích cực và chuyển sang bệnh viện khác, sau đó ra viện. Nhưng trong đại dịch, chúng ta phải chấp nhận điều này. Chỉ cần bệnh nhân ổn, rút được ống thở, ngừng lọc máu, các chức năng tạm ổn định, bác sĩ nên cho họ xuống tầng 2 để điều trị tiếp. Từ tầng 2, chúng ta sẽ cố gắng đưa bệnh nhân xuống tầng 1 và cuối cùng là xuất viện”.

Cách nhận biết F0 tiến triển tốt, có thể xuống tầng điều trị. Nguồn: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cho phép các F0 âm tính, không triệu chứng ra viện, cách ly 7 ngày tại nhà được PGS Hiếu đánh giá là phương pháp hữu hiệu giúp “xì bóng” cho hệ thống điều trị. Bởi nó làm giảm áp lực điều trị và hạn chế lây nhiễm cho các bệnh nhân.

Qua nghiên cứu, các trường hợp sau 7 ngày không có yếu tố nguy cơ hầu như không có diễn biến nặng. Bởi phản ứng cơ thể ở những người trẻ thường xảy ra rất sớm. Khi test nhanh, bệnh nhân âm tính nên khả năng lây nhiễm virus ra cộng đồng cũng rất thấp.

Sau thời gian chống chọi với Covid-19, giành giật sự sống cho các bệnh nhân ở tâm dịch lớn thứ 2 cả nước – Bình Dương, bác sĩ Hiếu cho hay 3 tiêu chuẩn quan trọng cần tuân thủ khi điều trị đó là: Không được chuyển bệnh nhân quá sớm/quá muộn; không cho bệnh nhân tử vong ở tầng thấp; không để bệnh nhân ra viện ở tầng cao.

Nhờ áp dụng 3 nguyên tắc này, theo bác sĩ Hiếu, hiện tại các bệnh viện tầng 2 ở Bình Dương rất thành thục, hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong, giảm áp lực cho tuyến điều trị bên trên. Trước đó, các cơ sở y tế ở tầng 3 trung bình nhập viện 40-50 ca tới ICU. Đến ngày 9/8, số lượng F0 cần phải lên ICU chỉ còn 8 ca. Trong ngày 10/8, tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận F0 diễn biến nặng.

Related posts

Hàn Quốc: Nữ cảnh sát bị 16 đồng nghiệp quấy rối tình dục tập thể suốt 2 năm, chi tiết vụ việc gây phẫn nộ

Anh em sinh đôi bị chia cắt ở Thụy Điển và Na Uy, mỗi tuần gặp nhau ở biên giới

Thông tin mới nhất vụ Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ 27 tỷ vụ ‘thổi giá’ kit Việt Á

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment