Chuyên gia quân sự tiết lộ điểm yếu lớn của xe tăng Nga. Đó là lỗ hổng trong thiết kế của xe tăng Nga, chúng có thể gây ra vấn đề không nhỏ cho quân đội của của Tổng thống Vladimir Putin
Theo các chuyên gia quân sự, những hình ảnh chụp từ chiến trường Ukraine cho thấy xe tăng Nga mắc phải một vấn đề mà phương Tây gọi là lỗi “kích nổ (Jack-in-the-box effect).
Các chuyên gia cho rằng xe tăng Nga mang theo quá nhiều đạn trong tháp pháo, điều này khiến xe dễ bị nổ hơn và tạo thành phản ứng dây chuyền.
Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ kho đạn có thể phát nổ, trong đó bao gồm tới 40 quả đạn.
Theo CNN, sóng xung kích thậm chí có thể khiến tháp pháo của xe tăng nổ tung, bay lên không trung với khoảng cách bằng một tòa nhà hai tầng.
Sam Bendett, cố vấn của Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho biết: “Xe tăng Nga có một sai sót lớn trong thiết kế. Nếu những xe tăng này bị trúng đạn, đạn pháo của chúng sẽ bị đốt cháy gây ra một vụ nổ lớn, và tháp pháo sẽ bị thổi tung theo đúng nghĩa đen”.
Cựu sĩ quan Quân đội Anh Nicholas Drummond nói thêm: “Nếu không thoát ra trong vòng một giây đầu tiên, bạn sẽ cầm chắc cái chết”.
Lỗi này được biết đến kể từ năm 1991, khi các xe tăng của Iraq do Nga sản xuất cũng gặp tình trạng tương tự.
Phát biểu hôm 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các nghị sĩ khác rằng hơn 2.000 phương tiện bọc thép của Nga đã bị phá hủy hoặc bị bắt giữ, trong đó có tới 580 xe tăng. Ông cũng cho biết khoảng 15.000 quân Nga đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Thông tin tình báo từ Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho thấy Nga dường như đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chiến dịch ở Ukraine.
MoD tuyên bố: “Ukraine vẫn giữ quyền kiểm soát đối với phần lớn không phận của mình. Nga đã thất bại trong việc tiêu diệt Lực lượng Không quân Ukraine hay trấn áp các hệ thống phòng không của Ukraine”.
Bộ nói thêm: “Hoạt động không quân của Nga chủ yếu tập trung vào miền nam và miền đông Ukraine, cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất. Moscow gần như không thể tiếp cận không phận phía bắc và phía tây của Ukraine, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng vũ khí tầm xa”.
“Phần lớn các cuộc không kích của Nga ở Mariupol được thực hiện bằng cách thả bom rơi tự do không điều khiển. Những vũ khí như vậy làm giảm khả năng hiệu quả không kích, đồng thời làm tăng nguy cơ thương vong dân sự”.