Hiện quốc gia này đang đối mặt với 2 sự lựa chọn. Tùy vào quyết định của họ mà tình hình có thể đảo chiều hoặc xấu đi một cách khủng khiếp ở Afghanistan.
VAI TRÒ CỦA IRAN Ở AFGHANISTAN
Taliban đã một lần nữa chiếm quyền kiểm soát Afghanistan. Tương lai của đất nước này rồi sẽ đi về đâu? Đây là điều mà mọi người đều muốn biết.
Công bằng mà nói, với những khoảng trống Mỹ đang để lại thì điều này cũng phụ thuộc nhiều vào vị trí mà Iran sẽ đảm nhận. Theo trang tin TFI, với vị trí địa lý giáp ranh Afghanistan, Iran có thể đẩy lùi và loại bỏ Taliban, nhưng cũng có thể chính thức hóa và hợp pháp hóa tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Hiện không có nhiều cơ sở rõ ràng về vị trí mà Iran sẽ đảm nhận. Trên thực tế, Tehran đang ở ngã ba đường dựa trên chính sách đối ngoại của họ.
Theo truyền thống, Nga và Iran là đồng minh tốt. Tuy nhiên, cuối cùng, Tehran đã rời xa Nga và trở nên thân thiện với Trung Quốc. Iran làm điều đó vì quan hệ thương mại của nước này [đặc biệt là về dầu mỏ] đang gắn bó chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đang tìm cách tác động đến chính sách đối ngoại của Iran bằng cách ném hàng tỷ USD vào quốc gia này. Họ gần đây đã đồng ý chi 400 tỷ USD cho Iran như một phần của thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm giữa hai nước.
Trong nội bộ Bắc Kinh đang có một kỳ vọng mạnh mẽ rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran sẽ buộc Tehran phải điều chỉnh các chính sách của họ theo lợi ích của Trung Quốc.
Mỹ tất nhiên không có cơ hội kết bạn với Iran hoặc phối hợp chiến lược trong bối cảnh Taliban tiếp quản Afghanistan. Vì vậy, Nga và Trung Quốc là những nước duy nhất đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng ở Iran.
Lợi ích của Trung Quốc nằm ở việc hợp pháp hóa Taliban. Bắc Kinh đang thực hiện một canh bạc lớn bằng cách đặt cược vào tổ chức này. Trung Quốc muốn công nhận Taliban và họ cũng muốn Iran làm điều tương tự. Phản ứng đầu tiên của Iran sau khi Mỹ rút quân và Taliban trỗi dậy là ăn mừng “sự đầu hàng của Mỹ”.
THEO NGA HAY TRUNG QUỐC? LỰA CHỌN ĐAU ĐẦU VỚI IRAN
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cố gắng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với một số phe phái Taliban và cũng đã làm dịu lập trường của mình đối với nhóm Sunni.
Một số người theo đường lối cứng rắn của Iran có liên hệ với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Ebrahim Raisi đã cố gắng vẽ nên bức tranh về một “Taliban đã thay đổi”, được cho là không tàn bạo như thế lực đã chiếm Afghanistan năm 1996.
Hồi tháng 6, Hessam Razavi, biên tập viên tin tức nước ngoài của Hãng thông tấn Tasnim, cơ quan có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho hay: “Taliban ngày nay khác với Taliban đã chặt đầu người dân” và “không có cuộc chiến nào giữa người Shiite và Taliban ở Afghanistan”.
Tuy nhiên, nhiều người ở Iran không thể không nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa tộc Shi’ite và Taliban. Iran được cai trị bởi các giáo sĩ Shi’ite, trong khi Taliban là một mạng lưới khủng bố có lịch sử lâu đời càn quét người Hazara và các dân tộc thiểu số Shia khác ở Afghanistan.
Ali Khorram, một cựu quan chức ngoại giao Iran, cho biết: “Nghĩ về việc Taliban sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Tehran cũng tương tự như việc nuôi rắn trong tay áo. Xét về lợi ích quốc gia của Iran, chính phủ tự do của Ashraf Ghani tốt hơn gấp trăm lần so với một chính phủ ISIS-Taliban cực đoan “.
Những người Iran ủng hộ cải cách cũng không ủng hộ kế hoạch bắt tay với Taliban. Trên trang web ủng hộ cải cách Fararu, cựu quan chức ngoại giao Iran Fereidoun Majlesi cho biết, “các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào những tỉnh khác nhau ở Afghanistan là một phần của âm mưu chống lại Iran”.
Một số người thậm chí đang nhắc nhở Iran nhớ về cách Taliban đã săn lùng người thiểu số Shia và cho rằng tổ chức cực đoan này rồi sẽ tiếp tục làm điều đó.
Trong khi đó, Taliban muốn đưa Iran vào cuộc vì họ hiểu rằng sự đồng thuận của Tehran sẽ giúp tổ chức này trở thành một thế lực chính thống. Taliban đã gặp gỡ và vận động hành lang với các nhà lãnh đạo Iran trong vài tháng qua. Taliban đang cố gắng chứng tỏ rằng họ không thực sự ác cảm với các nhóm thiểu số tôn giáo và không tàn bạo như trước đây.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Iran không nên tin tưởng những gì tổ chức cực đoan này nói bởi họ là một mạng lưới khủng bố thuần túy không có uy tín chính trị.
Gần đây, Iran đã thể hiện sự hoan nghênh đối với vai trò an ninh của Ấn Độ ở Afghanistan. Nga cũng thông báo rằng họ quan tâm đến việc hợp tác với Ấn Độ và Iran để mang lại hòa bình ở Afghanistan.
Vì vậy, sự can thiệp của bộ ba New Delhi, Tehran và Moscow để đẩy lùi Taliban không phải là một khả năng quá xa vời.
Nga đang tìm cách xây dựng Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC) kết nối Moscow của Nga với Mumbai, Ấn Độ bằng một mạng lưới tàu bè, đường bộ và đường sắt.
Hành lang này sẽ đi qua Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Azerbaijan, Trung Á, Nga và Châu Âu. Dự án cũng sẽ trao cho Iran và cảng Chabahar của họ một vai trò trung tâm.
Hiện Iran đang phải đối mặt với hai sự lựa chọn rất khác nhau đối với tình hình Afghanistan. Nếu đồng hành cùng với Ấn Độ và Nga, họ sẽ có một lực cản chiến lược chống lại Taliban. Tuy nhiên, nếu Iran chọn Trung Quốc và Taliban, tình hình có thể xấu đi một cách khủng khiếp ở quốc gia này.