Đây dường như là lời đe dọa công khai đầu tiên (và ở mức khá cao cấp) của Trung Quốc về hành động quân sự chống lại Australia, được đưa ra thông qua Thời báo Hoàn Cầu.
Tháng trước, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu – một tờ báo có quan điểm diều hâu của Trung Quốc – đã đưa ra lời đe dọa gây sửng sốt trên tài khoản Twitter: “Tôi tin rằng khi quân đội Australia đến eo biển Đài Loan nhằm chống lại PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc), thì khả năng cao tên lửa sẽ bay về phía các căn cứ quân sự và các cơ sở liên quan quan trọng trên đất Austrralia”.
Cảnh báo này được đưa ra sau một bài xã luận trước đó mà ông Hồ Tích Tiến – người được cho là có tư tưởng dân tộc cực đoan trong giới truyền thông Trung Quốc – đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu có tiêu đề “Trung Quốc cần lập kế hoạch ngăn chặn các lực lượng cực đoan của Australia”.
CÓ GÌ ĐÓ BẤT THƯỜNG
Đây dường như là lời đe dọa công khai đầu tiên (và ở mức khá cao cấp) của Trung Quốc về hành động quân sự chống lại Australia, do Thời báo Hoàn Cầu – ấn phẩm phụ của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra. Và cũng không đơn giản khi ông Hồ Tích Tiến lại có những phát ngôn công kích đe dọa Australia trên mạng xã hội Twitter – vốn phổ biến với người dùng phương Tây.
Những lời đe dọa của Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu luôn khiến giới truyền thông ở Australia và thế giới quan tâm nhưng sau đó thường bị gạt sang một bên vì với họ, không có gì bất ngờ với những tuyên bố của một kẻ “chuyên đi khiêu khích với những lời lẽ khoa trương ồn ào” vốn được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.
Tuy nhiên, những lời đe dọa mới nhất này của ông Hồ Tích Tiến cho thấy có gì đó bất thường và chính phủ Australia cần chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh bước sang một kỷ nguyên mới, đối đầu hơn và dễ “bốc hỏa” hơn.
Tạp chí Diplomat cho rằng, cũng giống như Đài Loan, Australia có khả năng trở thành mục tiêu răn đe ngày càng thường xuyên của Trung Quốc.
Trong một báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn RAND về tín hiệu răn đe quân sự của Trung Quốc, các chuyên gia quân sự đưa ra một khuôn khổ phân tích để giúp các nhà phân tích và hoạch định chính sách của Australia, Mỹ và các nước trong khu vực diễn giải chính xác những tuyên bố quân sự này, để phân biệt đâu là thông điệp cảnh báo, đâu là sự ồn ào khoa trương, và cần phải phản ứng như thế nào.
Động lực để RAND công bố báo cáo mới này là dấu ấn của kỷ nguyên mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: tham vọng mở rộng của Bắc Kinh, năng lực quân sự lớn hơn và các kênh truyền thông ngày càng phát triển để liên tục phát đi những tín hiệu này, đặc biệt là mạng truyền thông xã hội.
Nhìn chung, theo báo cáo, dù năng lực và các kênh liên lạc của Trung Quốc đã thay đổi, nhưng cách tiếp cận cơ bản của nước này trong tín hiệu răn đe quân sự theo kiểu “cưỡng bức chính trị” thì không hề thay đổi.
Báo cáo đưa ra khuôn khổ mới để đánh giá mức độ sẵn sàng sử dụng vũ lực của Trung Quốc dựa trên 5 yếu tố: (1) bối cảnh chiến lược, (2) nội dung của thông điệp, (3) đối tượng mục tiêu, (4) thẩm quyền và (5) phạm vi. Báo cáo này cũng đưa ra một danh sách đơn giản gồm 6 câu hỏi mang tính tham khảo, được xem như là một bảng hướng dẫn nhanh cho các nhà hoạch định chính sách:
Một là: Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chỉ trích hành động của một nước và cảnh báo chống lại các hành động khiêu khích tiếp theo ở cấp Bộ Ngoại giao (MFA) hoặc Bộ Quốc phòng (MND) trở lên?
Hai là: Trung Quốc có sử dụng cách chuyển tiếp các thông điệp nhất quán thông qua các trung gian đáng tin cậy, đặc biệt là các cựu quan chức cao cấp?
Ba là: Có phải Trung Quốc đã nhiều phát thông điệp phi quân sự thông qua cưỡng bức kinh tế, cùng các phương thức khác?
Bốn là: Trung Quốc có tái triển khai các động thái quân sự hay điều động quân đến gần khu vực căng thẳng?
Năm là: Trung Quốc có liên tiếp tập trận, đặc biệt là các cuộc tập trận chung, gần khu vực căng thẳng để chứng tỏ năng lực?
Sáu là: Trung Quốc có tiến hành bất kỳ cuộc tập trận thử nghiệm năng lực quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh hay không?
THÔNG ĐIỆP THỰC HAY SỰ KHOA TRƯƠNG?
Nhìn nhận từ bảng hướng dẫn này và phân tích những cảnh báo đe dọa của ông Hồ Tích Tiến, tạp chí Diplomat cho rằng, Trung Quốc hiện không thực sự tính toán đến việc sử dụng vũ lực chống lại Australia.
Đối với yếu tố 1 (bối cảnh chiến lược), Bắc Kinh không cho thấy họ thật sự sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để đáp trả các quốc gia chỉ đơn giản thảo luận về việc bảo vệ Đài Loan, như Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton và Thủ tướng Scott Morrison đã làm.
Thật vậy, các mối đe dọa của ông Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu chỉ là viễn cảnh về một kịch bản giả định trong tương lai, chứ không phải thực tế hiện nay.
Với yếu tố 2 (nội dung của thông điệp), những lời đe dọa của ông Hồ Tích Tiến không kèm theo các tuyên bố khác của chính phủ Trung Quốc hoặc các hành động quân sự thực sự để củng cố cho thông điệp này.
Hôm 27/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc có chỉ trích loạt phát biểu của Australia về Đài Loan: “Gần đây, phía Australia đã có hàng loạt hành động khiêu khích và một số nhân vật thậm chí còn kích động đối đầu và phóng đại mối đe dọa chiến tranh liên quan tới các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Những hành động như vậy là vô trách nhiệm. Chúng tôi bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích gần đây của Australia về các vấn đề liên quan đến Đài Loan”.
Với yếu tố 3 (đối tượng mục tiêu), bài xã luận và dòng tweet mới nhất của ông Hồ Tích Tiến rõ ràng là nhắm mục tiêu đến Australia, vì chúng được viết bằng tiếng Anh và không được truyền thông ở nước này dẫn lại bằng tiếng Trung.
Với yếu tố 4 (thẩm quyền), trong khi ông Hồ Tích Tiến là cái tên khá nổi tiếng ở ngoài Trung Quốc với những tuyên bố mang tính diều hâu dồn dập trên Twitter, ông và Thời báo Hoàn Cầu không thực sự đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Với yếu tố 5 (phạm vi), những lời đe dọa rõ ràng của ông Hồ Tích Tiến không bị các cơ quan truyền thông và chính phủ Trung Quốc khác khuếch đại. Điều này củng cố đánh giá rằng, những tuyên bố của ông mang tính chất ồn ào khoa trương hơn là một thông điệp răn đe trên thực tế của chính phủ Trung Quốc.
Với bảng hướng dẫn nhanh gồm 6 câu hỏi, câu trả lời “có” cho một phần duy nhất là: Trung Quốc đã nhiều lần phát thông điệp phi quân sự, đặc biệt là thông qua cưỡng bức kinh tế, chống lại Australia kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, điều đó là hệ quả của căng thẳng ngoại giao ngày càng tăng giữa hai nước, nhất là sau khi Australia ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ hơn về nguồn gốc của Covid-19, trong đó tập trung vào giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán của Trung Quốc. Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm của Bắc Kinh.
Nói chung, những lời đe dọa của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến không phải là thông điệp của răn đe của Trung Quốc đối với Australia trong bối cảnh hiện nay.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội gần đây, bất chấp những lời đe dọa mạnh mẽ của Bắc Kinh xung quanh vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã nhấn mạnh: “Trung Quốc thực sự không đủ khả năng và cũng có lý do gì để xâm chiếm Đài Loan trong tương lai gần”.
Nhưng trong tương lai xa, Australia nên chú trọng vào cách sẽ phản ứng như thế nào trước các tín hiệu răn đe quân sự đáng tin cậy hơn của Trung Quốc. Vai trò quân sự tích cực hơn của Canberra trong khu vực, quan hệ xấu đi với Trung Quốc và việc bắt tay hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ – bao gồm các cuộc nói chuyện công khai về hợp tác quân sự trong vấn đề Đài Loan – chắc chắn sẽ khiến căng thẳng hai bên tiếp tục leo thang trong những năm tới.