Gần đây, có một đoạn video, trong đó có một người đàn ông cầm 1 chai chứa đầy chất lỏng màu vàng, được cho là nước tiểu bò, đổ vào miệng bệnh nhân Covid-19, khiến một số người dân đã đến trại bò mỗi tuần một lần để tắm sữa bò, bôi hỗn hợp nước tiểu và phân bò lên người với hy vọng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp họ tránh nhiễm Covid-19 hoặc chữa bệnh Covid-19.
Thời gian qua, mạng xã hội Ấn Độ ồ ạt chia sẻ các nội dung cho rằng người dân đang sử dụng phân bò, nước tiểu bò như thuốc thánh để chữa trị bệnh Covid-19. Trước tình trạng này, bác sĩ đã có chia sẻ liên quan.
Hồi tuần trước, 1 đoạn video gây sốc được đăng trên Twitter bởi 1 nhà chức trách của Đảng Bharatiya Janata (Ấn Độ). Video này ngay lập tức đã bị xóa sau khi thu được gần 80.000 lượt xem, nhưng sau đó, thông tin này lại một lần nữa được chia sẻ lại bởi Reddit.
Trong video, một người đàn ông cầm 1 chai chứa đầy chất lỏng màu vàng, được cho là nước tiểu bò, đổ vào miệng bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, vào ngày 9/5, một hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, tại bang Gujarat, một số người dân đã đến trại bò mỗi tuần một lần để tắm sữa bò, bôi hỗn hợp nước tiểu và phân bò lên người với hy vọng tăng cường khả năng miễn dịch, giúp họ tránh nhiễm Covid-19 hoặc chữa bệnh Covid-19.
Trước làn sóng chữa bệnh bằng “thuốc thánh” này, tiến sĩ JA Jayalal, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ nhận định: “Không có bằng chứng khoa học cụ thể nào cho thấy phân bò hoặc nước tiểu bò có tác dụng tăng cường miễn dịch chống Covid-19. Điều này hoàn toàn chỉ dựa trên tín ngưỡng”. Đồng thời, ông khẳng định, có những rủi ro sức khỏe liên quan việc bôi hoặc dùng những sản phẩm từ nước tiểu hoặc phân bò, gồm các bệnh có thể lây từ động vật sang người.
Hiện nay, bò được xem là biểu tượng thiêng liêng của người dân trong đạo Hindu. Suốt nhiều thế kỷ qua, người theo đạo Hindu đã sử dụng phân bò để khử trùng nhà cửa và cho các nghi lễ cầu nguyện, họ tin rằng nó có đặc tính trị liệu và sát trùng.
“Chúng tôi thấy ngay cả các bác sĩ cũng đến đây. Niềm tin của họ là liệu pháp này cải thiện khả năng miễn dịch để họ có thể ở gần bệnh nhân mà không sợ hãi”, Gautam Manilal Borisa, phó giám đốc một công ty dược phẩm, cho biết thêm rằng, liệu pháp này đã giúp ông hồi phục sau khi mắc Covid-19 năm ngoái.
Cho đến nay, các bác sĩ, nhà khoa học ở Ấn Độ và thế giới đã nhiều lần cảnh báo không nên sử dụng các phương pháp điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, bởi việc này có thể làm phức tạp thêm các vấn đề sức khỏe. Cũng có những lo ngại rằng, hoạt động này có thể góp phần lây lan virus vì nó liên quan tụ tập đông người.