Sao mạng Mỹ lan truyền tin giả khiến nhiều người chống vaccine. Do lượng thông tin sai lệch đến từ những sao mạng đang tăng mức báo động, chúng đã khiến nhiều người hâm mộ chần chừ hoặc từ chối tiêm vaccine.
Lướt qua trang cá nhân của Jessica Alix Hesser, người xem tưởng như vừa mở một cuốn sách nhỏ về khóa tu thiền.
Trang web của cô cũng có một số bài đăng giới thiệu về chỉ nha khoa tự nhiên và những bài tụng kinh Gregorian, theo The Washington Post.
Tuy nhiên, rải rác khắp những nền tảng này là nhiều bài viết mà Hesser kêu gọi 37.500 người theo dõi hãy đặt câu hỏi về sự an toàn của vaccine Covid-19.
“Liệu bạn có sẵn sàng đăng ký cho con cái mình tham gia một cuộc thử nghiệm dược phẩm và đưa chúng đến phòng thí nghiệm để tiêm vài loại thuốc do công ty tội phạm sáng chế?”, trích bài viết hồi tháng 6 của Hesser.
Tương tự Hesser, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – những sao mạng tập trung vào phương pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên, toàn diện và tâm linh thời đại mới – đang chia sẻ các bài đăng và video đặt câu hỏi rằng liệu chọn tiêm vaccine Covid-19 có khôn ngoan hay không.
Theo đó, số lượng “thông tin sai lệch” tiếp cận nhóm khán giả mảng chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở mức báo động. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết việc chần chừ tiêm chủng trên diện rộng có thể làm tăng nguy cơ gây đột biến virus và khiến đại dịch tiếp tục kéo dài.
Lan truyền tin giả
Từ trước thời đại Covid-19, những người theo đuổi lối sống chăm sóc sức khỏe tự nhiên đã có khúc mắc với việc tiêm chủng nói chung.
Suốt nhiều năm, phong trào chống vaccine đã phát triển trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội khác nhau, lan truyền các thuyết âm mưu cho rằng tiêm vaccine gây ra chứng tự kỷ và các bệnh khác.
Tất nhiên, không phải mọi giáo viên yoga và người trị liệu theo phương pháp tự nhiên đều chống vaccine. Thậm chí, nhiều người còn tích cực quảng bá vaccine và ủng hộ khoa học y tế.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 2 từ Viện Dữ liệu, Dân chủ & Chính trị của ĐH George Washington, khi vaccine Covid-19 xuất hiện, hàng triệu người sử dụng Internet để tìm hiểu thêm thông tin.
Trong đó, nhiều người tìm câu trả lời trong các nhóm chăm sóc sức khỏe và mạng lưới những influencer vốn tác động đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của họ trong thời gian qua.
Neil Johnson, tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện rằng Facebook có thể xác định và đóng cửa các nhóm khởi xướng thông tin sai lệch về Covid-19 chứa hàng triệu thành viên. Song, những bài đăng này đã kịp được chia sẻ vào nhiều nhóm khác mà hầu như chưa kiểm duyệt.
Trong khi có thể dễ dàng gỡ bài, xóa bỏ thông tin chống vaccine ở các tài khoản lớn, các nền tảng mạng xã hội gặp khó khăn hơn trong việc xử lý hàng chục nghìn tài khoản nhỏ “trộn lẫn” 1-2 thông điệp bài trừ vaccine Covid-19 trong vô số bài đăng khác của họ.
Finn là một trong số 12 nhân vật chịu trách nhiệm trong việc phát tán 65% lượng tin giả về Covid-19.
Chẳng hạn, Evie Kevish, một huấn luyện viên môn crossfit và “chuyên gia trị liệu sức khỏe bằng nước trái cây được cấp chứng nhận”, đã mặc chiếc áo có dòng chữ “Vaccine là thuốc độc” trong một video đăng ngày 27/6.
Tania Khazaal, một phụ nữ từ chối ăn bất kỳ sản phẩm nào có chứa florua, cồn và nhôm, khuyến khích 50.000 người theo dõi của mình “đừng uống thuốc và hãy tìm đến thực vật”. Cô cũng đăng tải các nội dung hoài nghi về vaccine Covid-19 từ tháng 4/2020.
Tài khoản của sao mạng Erin Elizabeth Finn cũng đã bị cấm trên nhiều nền tảng mạng xã hội sau khi phát tán thông tin sai lệch.
Đầu năm 2021, một nghiên cứu của Trung tâm Chống Thù ghét Kỹ thuật số (CCDH) đã chỉ ra Finn là một trong 12 nhân vật công chúng cần chịu trách nhiệm cho lượng lớn thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 trên Internet.
Khó xoay chuyển niềm tin
Đáng nói, nhiều người hâm mộ có xu hướng thực hiện hành vi được khuyến khích bởi sao mạng.
Trong phần lớn cuộc đời, Ginger Sweeney (47 tuổi), giáo viên yoga và trợ giảng nghiên cứu truyền thông ở SUNY Canton, cảnh giác với các loại vaccine bắt buộc.
Đứa thứ 4 trong tổng số 6 đứa con của cô gặp phản ứng bất lợi với một loại vaccine vào năm 1 tuổi. Kể từ đó, Sweeney hủy bỏ các cuộc hẹn tiêm chủng còn lại của đứa thứ 4, đồng thời không cho hai đứa út tiêm vaccine nữa.
Do đó, Sweeney không quan tâm khi vaccine Covid-19 ra đời. Tốc độ nghiên cứu và phát triển loại vaccine này nhanh chóng cũng khiến người phụ nữ hoài nghi. Sweeney cũng thường xuyên chia sẻ các nội dung chống vaccine từ những người có ảnh hưởng trên mạng.
Mary Lai (40 tuổi), sống ở Hillsboro (bang Oregon), cũng có một số niềm tin như Sweeney, nhưng dần trở nên lo lắng khi những sao mạng chăm sóc sức khỏe cô yêu thích tán thành việc trì hoãn tiêm chủng.
Ngay từ nhỏ, cô được dạy nên tránh xa các gốc tự do và uống trà lá đắng để hạ đường huyết. Lai, freelancer trong ngành hoạt hình và mẹ của một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi, hiện vẫn cố gắng duy trì “lối sống không độc hại”.
Ban đầu, Lai lo ngại về tác dụng phụ lâu dài của vaccine và dự định sẽ đợi một năm rồi mới tiêm.
“Nhưng đó là trước khi tôi biết về cách công nghệ đứng sau vaccine hoạt động”, cô nói với The Washington Post. Lai bắt đầu nghiên cứu sâu hơn và cuối cùng đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 vào cuối mùa xuân.
Khi bị trễ kinh nguyệt – một tác dụng phụ thường gặp, Lai tìm kiếm câu trả lời trên Internet và bấm vào nhóm các bà mẹ ở khu vực vịnh San Francisco (bang California). Tại đây, cô tình cờ gặp được một hội y tế truyền bá đang thông tin sai lệch.
“Những người phụ nữ này sợ rằng những người đã tiêm vaccine sẽ truyền độc tố vào cơ thể con cái họ. Một thành viên cho biết thậm chí cô không cho bố mẹ ôm ấp các cháu của mình. Những thông tin sai lệch truyền bá trong nhóm đó thật đáng kinh ngạc, dù chẳng có điều nào là dựa trên khoa học”, cô kể lại.
Hiện giới chức cố gắng hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19 trên Internet. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Johnson cho biết một khi ai đó bắt đầu tin vào các thông điệp bài trừ vaccine, rất khó để xoay chuyển họ.
Trong nghiên cứu của ĐH George Washington, các hội nhóm ủng hộ vaccine không có nhiều sự giao thoa với những cộng đồng chăm sóc sức khỏe.
Sweeney thu thập nhiều thông tin do influencer và bạn bè cô tuyên bố nhiều hơn là những nguồn thông tin chính thức. Cô không tin tưởng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ Anthony S. Fauci hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Ngay cả khi vaccine Covid-19 nhận được sự chấp thuận đầy đủ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Sweeney khẳng định cô vẫn sẽ không tiêm chủng.
“Ồ, không bao giờ. Tôi và các bạn của mình chắc chắn không tiêm”, cô nói với The Washington Post.