Tác giả Pingping Yu đã có bài bình luận với tiêu đề “Đã đến lúc người Mỹ chống lại nạn trộm cắp công nghệ của Trung Quốc”, đăng tải trên Epochtimes ngày 15/4. Dưới đây là nội dung bài viết
30 năm trước, Hoa Kỳ bắt đầu mở cửa với Trung Quốc theo chính sách “can dự mang tính xây dựng”, với hy vọng giúp Trung Quốc tự do hóa và hướng nước này trở thành một quốc gia “ổn định, cởi mở và không hiếu chiến”, như cựu Tổng thống Bill Clinton đã hình dung.
Vào thời điểm đó, công nghệ của Trung Quốc tụt hậu so với Hoa Kỳ. Không thể tưởng tượng được, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh về công nghệ [với nước Mỹ]. Sau ba thập kỷ mở cửa thương mại, bây giờ Trung Quốc dường chỉ “cách gang tấc” là có thể thay thế nước Mỹ trở thành nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới.
Chuyện này xảy ra như thế nào?
Tất nhiên, một trong những lý do rõ ràng là sự cần cù và thông minh của người Trung Quốc. Tuy nhiên, điều thực sự thúc đẩy tăng trưởng công nghệ của Trung Quốc là việc nhà nước đã lãnh đạo và toàn lực mua lại công nghệ, sở hữu trí tuệ (IP) và bí quyết của Hoa Kỳ một cách có hệ thống. Trên thực tế, hành vi trộm cắp công nghệ từ Trung Quốc hiện khiến Mỹ thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm. Nói cách khác, con số này chiếm tới 38% tổng doanh thu của ngành công nghệ thông tin Hoa Kỳ.
Vì sao điều này có thể xảy ra? Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ khổng lồ này như thế nào? Chúng ta hãy đi sâu vào các chiến thuật mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để có được công nghệ của Hoa Kỳ.
Chiến thuật trộm cắp của Trung Quốc
Ngay từ đầu, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã bị cản trở bởi hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ. Từ ví tiền giả và đĩa VCD vi phạm bản quyền trong những ngày đầu cho đến [trộm] các phần mềm máy tính, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng ăn cắp.
Nhưng tham vọng của Trung Quốc đã vượt ra ngoài việc bắt chước các sản phẩm tiêu dùng. Một mục tiêu quan trọng trong “Giấc mơ Trung Hoa” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là đạt được thống trị thế giới về công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G, và thực hiện điều này với tốc độ cực nhanh. Như tuyên truyền mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thường khoe khoang, phương Tây mất vài trăm năm để thực hiện tiến bộ công nghệ thì ở Trung Quốc chỉ mất vài thập kỷ.
[Đương nhiên], tốc độ phi thường đòi hỏi cách tiếp cận phi thường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của ông Tập, ĐCSTQ đã phát triển nhiều chiến thuật khác nhau để tiếp cận những “viên ngọc quý” của công nghệ Mỹ. Một số chiến thuật này là bất chính hoặc bất hợp pháp, nhưng một số chiến thuật thực sự hợp pháp hoặc rơi vào các “vùng xám”, vốn được quản lý lỏng lẻo hơn. Các chiến thuật có thể được áp dụng hầu như ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tất nhiên, gián điệp trên mạng và ngoài đời của Trung Quốc là một phương pháp cũ rích mà nhiều người đã biết tới. Chỉ có điều, ngày nay, hoạt động này ngày càng lan rộng hơn: Khoảng 80% các vụ truy tố gián điệp kinh tế liên bang trong những năm gần đây được cho là có liên quan đến việc làm lợi cho ĐCSTQ và khoảng 60% các vụ trộm cắp bí mật thương mại đều có liên quan đến Trung Quốc.
Nhưng thiệt hại của hoạt động gián điệp vẫn không là gì khi so sánh với các biện pháp hợp pháp. Các công ty Mỹ cố gắng thâm nhập vào [thị trường] Trung Quốc thường phát hiện họ bị buộc phải chuyển giao toàn bộ bí quyết.
Trộm công nghệ trên lãnh thổ Trung Quốc
Theo báo cáo năm 2019 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung: “Trong nhiều ngành công nghiệp, các công ty nước ngoài phải liên doanh để đầu tư hoặc hoạt động tại Trung Quốc. Các liên doanh thường là nguồn cung cấp những sản phẩm và quy trình công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất cho các công ty Trung Quốc. Các sản phẩm và quy trình này có được thông qua chuyển giao công nghệ từ đối tác liên doanh nước ngoài”.
Các công ty liên doanh Trung Quốc này lại thường chia sẻ công nghệ của đối tác Hoa Kỳ với các công ty Trung Quốc khác cùng ngành. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ như vậy mang lại lợi ích cho tất cả các công ty Trung Quốc trong ngành đó.
Báo cáo cho biết: “Do đó, việc chuyển giao công nghệ làm cho tất cả các công ty Trung Quốc năng suất và cạnh tranh hơn, đặt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và lợi ích an ninh quốc gia vào rủi ro”.
Trung Quốc có được công nghệ đường sắt cao tốc như thế nào?
Năm 2004, Trung Quốc đã mời thầu các công ty nước ngoài để đóng 200 bộ tàu cao tốc. Đơn hàng trị giá 2,4 tỷ USD này chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc. Các điều khoản trong hợp đồng đường sắt này buộc các công ty lớn nhất thị trường đường sắt toàn cầu phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Các công ty nước ngoài không được phép đấu thầu trừ khi họ liên doanh với một công ty Trung Quốc và chỉ có hai công ty Trung Quốc được phép làm việc với các công ty nước ngoài.
Công ty nước ngoài được trao thầu trước tiên phải hoàn thành chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc và công ty này sẽ chỉ nhận được khoản thanh toán sau khi đối tác Trung Quốc đã thông qua “bản đánh giá thực hiện chuyển giao công nghệ”. Các sản phẩm cuối cùng cần phải có thương hiệu Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc sau đó đã hả hê về cách mà nước này đùa bỡn với bốn nhà thầu nước ngoài về dự án này để áp đặt các điều khoản khắc nghiệt. [Điều nực cười là] Trung Quốc cuối cùng đã làm việc với cả bốn nhà thầu này trong những năm tiếp theo và bởi vậy, đã “hấp thụ” công nghệ từ tất cả các công ty đầu ngành này.
Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Khi đã được trang bị đầy đủ công nghệ, Trung Quốc bắt đầu tích cực thúc đẩy các dự án đường sắt cao tốc ở nước ngoài như nền tảng của sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI). Nhật Bản và các nước khác khó cạnh tranh với Trung Quốc do chi phí thấp hơn, nguồn cung lao động cao và tốc độ xây dựng nhanh. Hiện tại, Trung Quốc là nhà sản xuất đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới, với 70% thị phần.