Theo như hơn 20 trong số 31 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã áp dụng chính sách cắt điện luân phiên để đối phó với giá than và nhu cầu điện tăng chóng mặt, khiến thay vì đại tu ngành điện, giới chức nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc lại sử dụng những chiêu cũ để đạt mục tiêu giảm khí thải carbon theo yêu cầu của trung ương: Cắt điện luân phiên.
Hệ quả của tình trạng trên là gây gián đoạn nguồn cung cấp điện, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và các doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến một “cú sốc” lớn cho đất nước.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng sau khi hơn một nửa tỉnh thành ở nước này phải chịu đựng tình trạng cắt điện luân phiên.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hơn 20 trong số 31 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã áp dụng chính sách cắt điện luân phiên để đối phó với giá than và nhu cầu điện tăng chóng mặt. Các nhà máy được yêu cầu đóng cửa và các hộ gia đình được cảnh báo rằng, nguồn cung cấp điện có thể không ổn định.
Trung ương “đánh xuôi”, địa phương “thổi ngược”
Một nguyên nhân khác nữa là do các tỉnh thành không đạt mục tiêu này giảm phát thải khí carbon hàng năm mà chính phủ trung ương đưa ra.
Một năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình gây bất ngờ khi đưa ra cam kết Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia không còn phát thải carbon vào năm 2060. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã vạch ra những chiến lược nhằm tăng cường nỗ lực kiểm soát việc sử dụng năng lượng quốc gia bằng cách cắt giảm 3% mức tiêu thụ điện trên mức tương ứng với GDP.
Và mục tiêu đó được áp lên cho các chính quyền địa phương. Sau khi không đạt mục tiêu này vào hồi đầu năm, vào những tháng cuối năm, sức ép đè nặng lên vai các tỉnh thành ở Trung Quốc. Đây thực sự là thách thức lớn vì các tỉnh thành sẽ không còn nhiều thời gian khi “thời hạn chót” đang đến gần.
Các chuyên gia khí hậu cho rằng, để đạt được các mục tiêu đó, Bắc Kinh muốn chính quyền địa phương có chiến lược hành động tích cực để nâng cấp các nhà máy và làm sao để người dân tiết kiệm điện hơn. Nhưng thay vì thay đổi và có chiến lược hiệu quả, các chính quyền địa phương quay trở lại kịch cũ thời bao cấp: Cắt điện luân phiên.
“Để đạt mục tiêu về khí hậu, chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu hạn chế sản xuất than đá và hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Để làm được điều này, các chính quyền địa phương cần chuyển đổi cơ cấu năng lượng và công nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng điện”, ông Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công-Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
“Nhưng ở cấp địa phương, các quan chức chậm hành động. Và khi thời hạn chót ngay trước mắt, họ quay trở lại cách cũ”, ông nhấn mạnh thêm
Vấn đề gây tranh cãi đến mức trong một bài bình luận hôm 26/9, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đã có bài viết chỉ trích các quan chức địa phương sử dụng các biện pháp “cưỡng bức” để đạt được các mục tiêu hàng năm về môi trường khiến sản xuất bị gián đoạn và các hộ gia đình chìm trong bóng tối.
Theo tờ báo này, chính quyền các tỉnh thành không nên áp dụng cách tiếp cận quá máy móc như vậy.
“Các mục tiêu của chính phủ là nhằm hạn chế tiêu thụ điện đã được thực hiện trong gần 6 năm và các yêu cầu là nhất quán và rõ ràng.”
Tăng trưởng không bền vững của Trung Quốc là nguyên nhân?
Động lực khiến Trung Quốc làm như vậy là do sau hơn 3 thập kỷ tăng trưởng bằng mọi giá, nước này đã trở thành một cường quốc kinh tế nhưng hệ quả cùng với tiến trình cũng không ít, nhất là những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và sự không bền vững về tài nguyên.
Vì vậy, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã coi việc khôi phục “sức khỏe môi trường” của Trung Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ở các cấp chính quyền địa phương.
Theo kế hoạch 5 năm cho giai đoạn 2016 – 2020, Trung Quốc đưa ra chính sách “kiểm soát kép” yêu cầu các tỉnh giới hạn mức sử dụng năng lượng và cắt giảm mức độ tiêu thụ điện. Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu này vào năm 2020, và một số tỉnh đã phải cắt điện vào tháng 12/2020 trong khi thời hạn chót để đạt được các mục tiêu này đến gần.
Một phần của vấn đề là chính phủ trung ương đã ủy quyền phê duyệt một số dự án sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như nhà máy nhiệt điện than, cho chính quyền cấp tỉnh, dẫn đến việc một số lượng lớn các dự án như vậy được đưa vào vận hành.
“Một số quan chức cấp địa phương không nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm khí thải carbon đối với nền kinh tế, hoặc một số chỉ muốn xây dựng các dự án sử dụng nhiều năng lượng đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, SCMP dẫn lời một chuyên gia của một viện nghiên cứu liên kết với chính phủ cho biết.
Theo chuyên gia này, những dự án này có thể không vi phạm pháp luật nhưng một số dự án lớn đến mức chúng cần tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo lượng khí thải đáng kể khi chúng đi vào hoạt động.
Thực tế là lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay – mức tăng lớn nhất trong hơn một thập kỷ, theo chuyên gia phân tích Lauri Myllyvirta tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki.
Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 3% mức tiêu thụ năng lượng trong năm nay. Nhưng theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, 20 trong số 31 tỉnh thành của nước này đã không đáp ứng được mục tiêu trong nửa đầu năm.
Bắc Kinh sẽ phải “muối mặt” nâng giá điện?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện nay ở Trung Quốc không chỉ là do mục tiêu giảm khí thải carbon mà còn do tình trạng thiếu than đá trầm trọng khiến giá cả tăng vọt.
Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang lao đao vì giá than cao kỷ lục, khiến việc sản xuất điện không có lãi, dẫn đến mất điện trên toàn quốc và bùng lên mối lo về việc thiếu điện kéo dài nhất là khi mùa đông lạnh giá đang đến.
Kể từ tháng 1, giá than nhiệt – được sử dụng để sản xuất điện – đã tăng gần 2/3, từ khoảng 670 nhân dân tệ (104 USD)/tấn lên khoảng 1.100 nhân dân tệ (170 USD), trong bối cảnh nhu cầu mạnh và nguồn cung hạn chế. Các công ty sản xuất điện lớn của Trung Quốc chỉ đơn giản là không đủ khả năng mua than với giá đó, vì vậy họ đã cắt giảm mạnh sản lượng điện.
Hôm 29/9, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tăng nhập khẩu than và để giá điện phản ánh cung và điều chỉnh giá điện dựa theo cung – cầu của thị trường. Dù giới chức nước này chưa xác nhận liệu họ có nâng trần giá điện hay không, giới phân tích cho rằng động thái điều chỉnh này là một bước đi cần thiết mà chính phủ Trung Quốc cần phải làm.
NDRC ngày 29/9 thông báo họ sẽ “thực hiện nhiều biện pháp tăng cường điều chỉnh cung và cầu” nhưng không tiết lộ chi tiết. “Giá điện và khí đốt phục vụ sinh hoạt của người dân về cơ bản vẫn ổn định, theo đúng chính sách giá”, NDRC tuyên bố.
Nhưng theo các chuyên gia, việc chính phủ Trung Quốc nâng trần giá điện có thể là làm bùng lên tranh cãi vì phần lớn giá điện lâu nay đều do chính phủ ấn định trong khi giá than ở Trung Quốc lại được thị trường hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua đợt khủng hoảng thiếu điện tồi tệ, chính phủ có thể buộc phải can thiệp và điều chỉnh mức giá.
Điện ở Trung Quốc thường được bán theo tỷ giá quy định và các tỉnh thành được phép tăng hoặc giảm 10%, do đó sắp tới các tỉnh thành có thể tăng giá đáng kể để bù vào mức giá than cao ngất ngưởng.