Theo Nikkei, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga sẽ nhóm họp tại Hội đồng Bắc Cực trong tuần này, trong bối cảnh Washington ngày càng báo động về hoạt động quân sự gia tăng của Moscow và việc Bắc Kinh theo đuổi các tuyến đường vận chuyển quan trọng chiến lược trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói với các phóng viên hôm thứ Ba tại thủ đô của Iceland: “Chúng tôi đã chứng kiến Nga đưa ra các yêu sách hàng hải trái pháp luật, đặc biệt là quy định của họ đối với các tàu nước ngoài đi qua Tuyến đường Biển Bắc”.
Cuộc họp ngoại trưởng kéo dài 2 ngày bắt đầu vào thứ Tư, quy tụ 8 quốc gia có lãnh thổ mở rộng ra ngoài Vòng Bắc Cực, bao gồm Mỹ và Nga chứ không phải Trung Quốc, quốc gia tự coi mình là một cường quốc “gần Bắc Cực”.
Các nhà quan sát đang theo dõi xem liệu rằng cuộc họp song phương bên lề của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov diễn ra vào thứ Năm có thể xoa dịu căng thẳng quân sự hay không.
Cảnh báo của ông Blinken được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi một chỉ huy Hạm đội phương Bắc nói về sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ và NATO gần biên giới của Nga ở Bắc Cực.
Moscow đã viện dẫn hành vi của NATO là lý do cho các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn liên quan đến tàu ngầm và tàu chiến đã tiến hành ở Bắc Cực từ giữa tháng Tư. Nga thông báo rằng 3 tàu ngầm hạt nhân của họ đồng thời nổi lên từ dưới lớp băng của Bắc Cực và 2 máy bay chiến đấu Mig-31 đã tiến hành các cuộc tập trận tiếp nhiên liệu. Đầu tháng 4, một đội máy bay ném bom đã tổ chức một cuộc tập trận trên không phận Bắc Cực, cách miền trung nước Nga 1.500 km.
CNN hồi đầu tháng 4 đưa tin rằng Nga đang tích lũy “sức mạnh quân sự chưa từng có” ở Bắc Cực. Điều đáng quan tâm đặc biệt là ngư lôi Poseidon mới, có thể cung cấp một trọng tải hạt nhân có thể đe dọa các thành phố ven biển của Hoa Kỳ bằng phóng xạ.
Trong một kế hoạch chi tiết chiến lược cho khu vực được công bố hồi tháng 1, Hải quân Mỹ cảnh báo: Nếu không duy trì sự hiện diện và quan hệ đối tác của Hải quân Mỹ ở khu vực Bắc Cực, hòa bình và thịnh vượng sẽ ngày càng bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc”.
Trong khi Trung Quốc không can dự vào quân sự ở Bắc Cực, họ lại thể hiện rõ ràng lợi ích kinh tế của mình.
Bắc Kinh đã đề xuất chung tay với Moscow về một “Con đường Tơ lụa trên Băng”, liên kết với cơ sở hạ tầng Vành đai Con đường Trung Quốc trải dài từ Á sang Âu. Các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực có thể cắt giảm 30% thời gian vận chuyển so với các tuyến đường hiện tại chạy từ Ấn Độ Dương qua Kênh đào Suez.
Trung Quốc dự kiến sẽ phóng vệ tinh hình ảnh đầu tiên để giám sát các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực vào năm tới và cũng đang tiến hành kế hoạch đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu vào sự giàu có tài nguyên của Bắc Cực khi đang tìm cách giành quyền sử dụng đất hiếm trên lãnh thổ Greeanland, Đan Mạch, nơi có trữ lượng kim loại có giá trị chiến lược lớn thứ 7 thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai với truyền thông Đan Mạch, khi được hỏi về đầu tư của Trung Quốc vào Greeanland, ông nói: “Hãy chơi theo luật”.