Bộ Ngoại giao Cuba (Minrex) hôm thứ Hai (5/4) xác nhận rằng họ đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại nước này, Đại sứ Timothy Zúñiga-Brown, để phản đối “những hành vi vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và có hệ thống ở Hoa Kỳ”.
Cáo buộc này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo năm 2020 về tình hình nhân quyền quốc tế, trong đó nêu chi tiết tình hình ở mọi quốc gia trên thế giới.
Báo cáo năm 2020 về Cuba đã chỉ ra việc nhà nước này đã sử dụng bạo lực một cách nhất quán để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, cũng như nước này vẫn thiếu các điều khoản về tự do ngôn luận và hội họp. Mỹ cũng cáo buộc lực lượng an ninh nhà nước Cuba lạm dụng quyền lực.
Phản ứng của Đảng Cộng sản Cuba diễn ra sau khi “chế độ anh em” của họ – Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã công khai chỉ trích Mỹ trong cuộc gặp gỡ cấp cao tại Alaska vào tháng trước, nơi ông Dương Khiết Trì tuyên bố Hoa Kỳ “không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc ở vị thế cao hơn” vì chính họ cũng có những vấn đề về phân biệt chủng tộc và nhân quyền.
Người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề với Mỹ của Cuba, ông Carlos Fernández de Cossío, nói với nhà ngoại giao Mỹ rằng “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống diễn ra ở Hoa Kỳ cũng như bên trong chính phủ Hoa Kỳ rất phổ biến và đã được báo cáo,” theo một thông cáo báo chí của Bộ.
“Điều này bao gồm phân biệt chủng tộc, bài ngoại, sự tàn bạo của cảnh sát, tra tấn tù nhân, kéo dài thời gian giam giữ, sử dụng nhà tù bí mật, chủ nghĩa chống bài Do Thái, chủ nghĩa McCarthy, và các hình thức trấn áp tôn giáo và ý thức hệ khác,” Bộ Ngoại giao Cuba (Minrex) giải thích. Tuy nhiên, Bộ đã không trích dẫn bất kỳ ví dụ nào về các trường hợp bị cáo buộc này.
Ông Fernández de Cossío được cho là đã đề cập đến thực tế rằng Cuba – cùng với các nước nổi tiếng về vi phạm nhân quyền khác như Trung Quốc, Venezuela và Pakistan – hiện đang ngồi trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Điều đó cho thấy Cuba “có uy tín quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền,” ông nói. Ông cũng bác bỏ các bằng chứng được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra về các vi phạm nhân quyền tại Cuba.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez, sếp của ông Fernández de Cossío, cũng đã lên Twitter lên án Hoa Kỳ.
Ông Rodríguez viết: “Chúng tôi bác bỏ những cáo buộc lừa dối và chính trị hóa về Cuba trong báo cáo về nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bản báo cáo mang tính cơ hội, độc đoán và đơn phương này đã không nói đúng sự thật. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ ngừng chiến dịch gây mất uy tín và ngừng can thiệp [vào Cuba].”
Việc triệu tập đặc phái viên Hoa Kỳ để phản đối được xem như một thắng lợi đối với ĐCS Cuba. Hôm thứ Ba, tờ báo nhà nước chính thức của ĐCS Cuba là Granma đã viết: “Uy tín của Cuba trong vấn đề nhân quyền đã bác bỏ những lời cáo buộc của Hoa Kỳ.”
Đáng chú ý, chính phủ Cuba đã không bác bỏ trường hợp nào được ghi trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, chẳng hạn như cái chết của nhà bất đồng chính kiến Sandi Fernandez Ortiz khi bị cảnh sát giam giữ; việc bỏ tù nhà lãnh đạo đối lập José Daniel Ferrer; và cuộc đột kích của cảnh sát vào trụ sở của Phong trào San Isidro – một tập thể nghệ sĩ bất đồng chính kiến vào tháng 11.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt kê nhà nước cộng sản Cuba “giết người bất hợp pháp, tùy tiện giết người; thủ tiêu; tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và nhục mạ những người bất đồng chính kiến, những người bị bắt và tù nhân; điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng; bắt bớ và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; các vấn đề nghiêm trọng về tính độc lập của cơ quan tư pháp; và can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc ĐCS Cuba hạn chế quyền tự do tôn giáo, từ chối các cuộc bầu cử tự do và công bằng của công dân, tham nhũng và buôn người.