Thay vì mua Vaccine kịp thời chích ngừa cho dân chúng ngăn dịch lây lan, Ba Đình lại dùng tiền dân đóng góp mua Vaccine gởi vào ngân hàng lấy lời… Giải pháp “đóng cửa đi ăn mày vaccine” đưa đến thảm cảnh trên 12 ngàn người tử vong theo thống kê, trên nửa triệu người nhiễm bệnh, con số này tăng trung bình trên 12 ngàn ca lây nhiễm mỗi ngày. Khi tình thế nguy cấp, hàng ngũ Ba Đình lục đục, đưa ra nhiều quyết định ảnh hưởng xấu đến dân sinh, “bẻ gẫy” chuỗi sản xuất khiến hàng trăm ngàn công ty đóng cửa…
Sợ có “biến” Ba Đình vội đẩy quân đội vào vùng đại dịch “ngụy trang” dưới nhiệm vụ “vụng về”giúp dân việc “chợ búa”. Nếu sang quý IV, Ba Đình còn lúng túng, vật vã trong vô vọng như 4 tháng vừa qua, thì tăng trưởng GDP năm nay giỏi lắm cũng chỉ loanh quanh ở mức 4.0-4.2%.
Mới mấy tháng trước, Phó Thủ Tướng Vũ đức Đam còn là “ngôi sao sáng” với thành tích diệt CoVid, đến hôm 24/8 đã trở thành người “thất sủng” trong mắt 15 quan đỏ chóp bu của chế độ. Ông Đam bị “lột chức” ngay trong lúc đang loay hoay chống con Delta ở Miền Nam.
Chủ Tịch Thành phố Saigon, Nguyễn thành Phong, người được giới doanh nghiệp FDI ca tụng là “biết lắng nghe” nhưng trước ông Đam có vài ngày, ông Phong cũng cầm tờ “Pink slip” lủi thủi ra Hà Nội ngồi chờ… Cũng tại “nơi này”, Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn văn Bình, từng giữ chức Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước trên 4 năm, được “điều” về “ngồi đây” một thời… rồi cũng bị đảng “kỷ luật” vào tháng 11 năm 2020.
Thủ Tướng Chính nay trở thành người quyền thế nhất, với 4 Phụ tá và khoảng 10 thành viên gồm những đảng viên cao cấp của CSVN trong Ban Chỉ Đạo sắp xếp trong 8 Tiểu Ban để chống lại “con Delta vô hình” đang nhởn nhơ tại 62/63 Tỉnh, Thành Việt Nam. Từ ngày đợt 4 lây lan cho đến hôm 03/9, đã đưa mầm bệnh vào 501.649 người, nhiều nhất ở Saigon (241.080 ca) và Bình Dương (126.408 ca). Theo thống kê, cả nước có 12.476 người tử vong vì CoVid.
Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn được xếp hạng thấp nhất ở Đông Nam Á về tỷ lệ dân số được chích đủ 2 mũi Vaccine chống dịch CoVid. Bộ Y Tế công bố, đến 26 tháng 8, Việt Nam đã có 2,2 triệu người chích đủ 2 mũi Vaccine, chỉ mới tương đương với 2,3% dân số. Theo thông kê chính thức, hiện Việt Nam có 96,5 triệu dân.
Về tỷ lệ dân số được chích 2 mũi Vaccine chống CoVid, Việt Nam còn đứng sau Miến Điện 3,28%; Lào 13,36%; Cao Miên 47,87%. [1]
Tình trạng này giải thích rõ nhất về nguồn cơn đưa đến “đứt gẫy” chuỗi cung ứng, sản xuất, xí nghiệp đóng cửa hàng loạt. Ngành vận chuyển như hàng không, hỏa xa và vận tải đường bộ đang “dọn mình sinh thì” vào lúc số người nhiễm CoVid vẫn đi lên; đưa đến thất nghiệp tăng cao, thuế phí thất thu, nợ xấu ngân hàng sẽ thêm rất xấu…
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới chiều 24/8, quỹ đã nhận được hơn 8.635 tỷ đồng yểm trợ từ trên 526.000 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ đã chi tổng cộng 282 tỷ đồng. Số tiền chưa mua Vaccine còn lại là 8.353 tỷ đồng tiếp tục được gửi tại các ngân hàng thương mại sinh lời. [2]
Báo Nhà Nước nói là, tiền dư từ Quỹ Vaccine chuyển vào các ngân hàng thương mại để lấy lời, nhưng đến cuối ngày 27/8 được loan báo chuyển hết về Ngân hàng Nhà nước. Biện pháp này theo Ban quản lý Quỹ Vaccine sẽ giúp quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền của dân chúng ủng hộ.
Sự việc này khiến dư luận rất ngạc nhiên, khi Quỹ Vaccine còn dư trên 8.353 ty đồng, mà ngày 17/8 Nhà Nước lại “đánh tiếng” qua Quốc Hội để mượn Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội số tiền 89.141 tỷ đồng nói là cho các địa phương tiêm vắc xin Covid-19 hoặc hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống cho công nhân lao động. Đề nghị này đã bị Chủ Tịch Quốc Hội Vương đinh Huệ chống đối.
Các diễn tiến “quanh co” như vừa nói, khiền người lao động lo rằng, Nhà Nước do thiếu tiêu đang mưu kế “mượn” Quỹ BHXH như đã từng mượn 324 ngàn tỷ cũng từ Quỹ BHXH vào năm 2015 [3]
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/8 thông báo, hoạt động sản xuất kinh doanh cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 với gần 80 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong vòng 7 tháng đầu năm 2021, chia ra: 45% công ty có vốn từ 20-50 tỷ đồng; 23% vốn từ 50-100 tỷ đồng; 32% vốn lớn trên 100 tỷ đồng. [4]
Các khó khăn dẫn đến phá sản toàn những công ty từ vừa đến lớn là: thiếu hụt dòng tiền; chi phí đầu vào cao, chi phí vận chuyển tăng; lưu thông hàng hóa bị cản trở; tạm dừng sản xuất; khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Trong lúc phía Ngân hàng Thương Mại (NHTM) lượng định, chưa đầy 3 tháng gần đây đã có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nếu tính trên toàn hệ thống thì số dư nợ còn lớn hơn rất nhiều, không những thế nhiều khoản nợ giải ngân từ thời điểm 10/6/2020 đến nay có thể chuyển thành nợ xấu.
Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay phá sản đương nhiên không có nguồn thu, nhưng lại mắc nợ không thể trả nổi. Khối doanh nghiệp còn sản xuất cầm chừng thì thiếu tiền trả lương, bảo hiểm, vốn vay, chi phí thuê mặt bằng và vận chuyển tăng… trong lúc thu vào giảm.
World Bank dẫn số liệu sau đây trong tháng 7, so với cùng kỳ năm trước: tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% trong tháng 6 xuống còn 2,2% trong tháng 7. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 8/2021, theo IHS Markit cũng giảm xuống 40,2 mức thấp nhất trong 15 tháng kể từ tháng 5/2020.
Chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài từng nhận định: “Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024″.
Nhìn viễn ảnh màu xám trong khu vực dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt. Trong 7 tháng năm 2021 Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ Mỹ kim. Như vậy, đây là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam ghi nhận nhập siêu.
Về dự báo tăng trưởng, World Bank cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021.
Dự báo này được World Bank đưa ra trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
World Bank nhấn mạnh thêm rằng dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vaccine ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) công bố cuối tháng 7, nhiều khả năng xảy ra nhất là tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1% với điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý III năm nay (cuối tháng 9).
Thận trọng hơn, mới đây, Công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 3,7%, trong khi Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo GDP Việt Nam xuống còn 4%.
Tiến Sỹ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ tùy thuộc vào tiến độ đẩy lùi dịch COVID-19. Do bức tranh kinh tế Quý III rất ảm đạm, không loại trừ tăng trưởng âm, nhưng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đã đạt 5,6%, nên nếu kiểm soát được dịch vào cuối tháng 9, tăng trưởng GDP cả năm vẫn có thể đạt mức 4,5-5%”.
Kiểm soát dịch CoVid không tùy vào “hô khẩu hiệu” hay chỉ thị “phong thành”, ngăn sông cách chợ, thiết quân luật. Cũng không thể đưa các quân nhân chuyên lãnh sứ vụ cao cả bảo vệ Tổ Quốc để suốt ngày “lo chuyện chợ búa” phải “lộn tùng phèo” với ngôn ngữ thực phẩm khác biệt Vùng, Miền: ngò với mùi, đậu với đỗ, dưa leo với dưa chuột, heo với lợn, ký với cân… Cuối cùng rồi cũng phải gọi 25 ngàn “shipper” trở lại với chuyên ngành của họ.[7] Vì Quân đội không thể giải quyết xong hàng trăm ngàn đơn đặt hàng của dân chúng.
Sau khi không thể áp dụng được vào thực tế, nhiều mệnh lệnh chính trị đã bị “đào thải”. Giải pháp “3 tại chỗ”, “một cung đường” hai địa điểm nằm trong chủ trương “chống dịch như chống giặt” nay không còn được nhắc đến nữa.
Mới mấy ngày trước Nhà Nước còn hô hào “chống dịch như chống giặc”. Nay cũng chính Nhà Nước lại hô hào chuẩn bị sống chung với “giặc CoVid”, Thủ Tướng Pham minh Chính đưa ra phương châm mới, [8] từ ngày 29/8 trở đi Việt Nam sẽ lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm “pháo đài”, mỗi người dân đều là “chiến sĩ” phòng chống dịch. Nghe cứ như sắp “tiêu thổ” kháng chiến chống dịch đến nơi.
Do hầu bao cạn đang kể, hôm mùng 03/9 Thành phố Saigon đề nghị chuyển từ chiến lược “khống chế tuyệt đối” sang sống chung với con Delta để mở cửa kinh tế trở lại từ ngày 15 tháng 9 sau nhiều tuần phong toả.
Chỉ khi nào tỷ lệ dân Việt Nam được chích 2 mũi vaccine phòng đại dịch CoVid cao như các nước, ít ra cũng 70% dân số trưởng thành, thì mới đẩy lùi dần con CoVid, sản xuất mới quay lại, tăng trưởng Kinh Tế mới nhích lên.
Hiện tại tỷ lệ chích 2 mũi ngừa Covid của Việt Nam còn thua cả hai nước Miên, Lào!
“Đóng cửa đi ăn mày” cũng có cái giá phải trả.