Cám ơn bác Phạm Đình Trọng đã lên tiếng cảnh báo về hành vi vi hiến của chính quyền Việt Nam trong các biện pháp phòng chống bịnh dịch COVID-19 qua bài viết “Chống dịch Covid-19 bằng biện pháp chống Hiến pháp và chống dân“, đăng trên báo Tiếng Dân. Chuyện này không gây ngạc nhiên cho mọi người, vì đây không phải là lần đầu tiên chính quyền vi hiến mà còn vô số các trường hợp khác trong quá khứ, mà gần đây nhất là việc soạn thảo luật đặc khu và lưu nhiệm cho Tổng Bí thư đảng CSVN trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13.
Ai cũng biết là chính quyền vi phạm hiến pháp, nhưng ai sẽ làm gì để chống lại sự vi hiến này? Khi Việt Nam không có Toà Bảo Hiến, ai là người xác định một hành vi vi hiến của chính quyền? Không một ai khi chỉ đạo của Bộ Chính trị là tối thượng. Thế là xong, miễn bàn tiếp. Dân chúng đã quen chịu cảnh này. Lần này cũng không thể khác hơn khi biết rằng Đảng đứng trên và ngoài Hiến pháp và luật pháp.
Nhìn chung, khi xét đến vấn đề thành quả chính trị trong việc phòng chống đại dịch, không phải vai trò của Hiến pháp. Thật ra, có ba khía cạnh khác quan trọng hơn mà dân chúng và chính quyền cần quan tâm thảo luận, đó là năng lực của nhà nước, niềm tin nơi xã hội và giới lãnh đạo.
Hiện nay, vấn đề là gì? Cụ thể là dân chúng đổ lỗi cho chính quyền bất tài và kiêu ngạo, trong khi chính quyền đổ lỗi cho dân chúng, rằng dân không triệt để thi hành các chính sách đưa ra. Nhưng nội dung của chính sách lại là “chống dịch như chống giặc“, mà về bản chất dịch và giặc không đồng nghĩa, một sai lầm sơ đẳng và nghiêm trọng.
Trầm trọng nhất là chính phủ không hỗ trợ tài chính cho người dân trong suốt 4 tháng qua như các quốc gia khác. Vi phạm quyền tự do đi lại của dân, đó là quyền hiến định, khi dùng hàng rào kẽm gai ngăn chặn. Bây giờ, lực lượng vũ trang lại ra chốt chặn, giằng co, thoá mạ dân chúng.
Dân chúng và chính quyền có ý thức được gì về tinh thần tự do hiến định để có thể áp dụng trong hoàn cảnh hiện nay không? Hầu như là không.
Dân chúng còn quỳ lạy cảnh sát ở các trạm kiểm soát giao thông để xin về quê tránh dịch, đó không phải là sử dụng quyền tự do hiến định, mà cầu xin ân huệ trong nghi thức sơ khai theo tôn giáo; nhân viên y tế thoá mạ tay đôi với các gia đình nạn nhân trên đường phố không phải là đối thoại bình đẳng trong tinh thần dân chủ; công an phá nhà đập cửa bệnh nhân không phải là một biện pháp hợp hiến và hữu hiệu để trị được dịch bệnh.
Bất hạnh cho Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đem lại một hình ảnh khác bi thương hơn. Dân chúng không còn sức khoẻ, kinh tế không còn sản xuất và ngoại quốc không còn đầu tư mới và tháo chạy.
Nhìn chung, một tương lai không còn toả sáng như giới lãnh đạo Việt Nam hằng tự hào tuyên bố, trong khi cơ chế vận hành đang lâm nguy hơn bao giờ hết, không phải vì ngoại xâm mà là nội loạn. Trong chế độ độc tài, Hiến pháp chỉ là một khía cạnh trong nhiều khía cạnh và các thách thức cho đất nước càng mới lạ và đa dạng hơn Hiến pháp.