Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống Góc Nhìn

Con dâu ăn không mời mẹ chồng: Thiếu văn hóa hay giới trẻ là thế?

“Ăn không mời thì đó là do sự giáo dục, gia phong của nhà cô dâu chứ không phải là thời nay người trẻ không mời người lớn”, một độc giả viết.Chuyện mẹ chồng – nàng dâu muôn đời không dứt những vênh lệch. Nhưng cô nàng trong câu chuyện “Tức nghẹn vì con dâu ăn uống không mời, sáng ngủ 8h mới dậy” của độc giả Lê Thị Thanh lại khiến nhiều người bức xúc và gửi bình luận về tòa soạn.

“Ăn uống không biết mời người lớn là thiếu giáo dục”

Đây là nhận xét của rất nhiều độc giả VietNamNet. “Ăn không mời thì đó là do sự giáo dục, gia phong của nhà cô dâu chứ không phải là thời nay người trẻ không mời người lớn. Đó là sự thiếu văn hoá, sống bừa. Lần sau bác hãy nói với con trai bác hiểu rõ về điều đó, xem con bác xử lý thế nào”, một độc giả viết.

Bình luận này nhanh chóng nhận được nhiều tương tác từ các độc giả khác. Độc giả Uyen Diem đặt câu hỏi: “Ngồi vào bàn không mời 1 tiếng là do bố mẹ cô ấy không dạy, thử hỏi đi ăn với công ty có lãnh đạo, cô ấy có lao vào gắp trước không?”.

Độc giả Thu Hoài, Trần Văn Lục, Trần Trọng… cũng có nhận xét tương tự khi bình luận: “Đây là vô ý thức. Dâu con ăn không mời sao chấp nhận được”; ” Như vậy là ” hỗn”…”; “Thiếu giáo dưỡng từ bé”.

Khẳng định chuyện ngủ muộn dậy muộn là bình thường nhưng bạn Bình Trần không tán đồng việc ăn uống mà không mời bố mẹ: “Con cái ăn uống mà không mời bố mẹ thì đúng là kiểu người thiếu giáo dục”.

Độc giả Tuấn cũng tán đồng: “Có khách sang nhà mà lấy bát cơm ra ăn không mời mẹ và bà hàng xóm là thiếu giáo dục. Đấy là phép lịch sự tối thiểu, nước mình hay nước người, châu Âu hay châu Mỹ đều có tiêu chuẩn giống nhau”.

Bạn Lily tâm sự: “Con dâu bác đúng là không được giáo dục đến nơi đến chốn. Con dâu bác đang nhầm lẫn giữa cái tân tiến và cái văn hóa. Hai điều đó hoàn toàn khác nhau nhưng đang bị nhiều người quy vào làm một. Việc ăn uống có mời mọc, người trẻ mời người già là thể hiện của con người có văn hóa. Nếp văn hóa này cần được giữ gìn và phát huy”.

Bạn Phúc Chương lại nói về trách nhiệm của chính bố mẹ người con dâu: “Cái này bố mẹ cũng có trách nhiệm, không dạy dỗ con những điều tối thiểu trước khi con đi lấy chồng”.

Nhắc lại câu tục ngữ “Ăn có mời, làm có khiến”, Mẹ Nhùn tư vấn cho độc giả Lê Thị Thanh: “Theo em, bác chỉ cần nói một câu thôi: Sau này con có con, sẽ dạy bé không biết mời ông bà, bố mẹ khi ăn đâu nhỉ?”.

“Mẹ chồng cứ sống thoáng hơn đi”

Trái ngược những ý kiến chê trách người con dâu, không ít độc giả lại cho rằng mẹ chồng thời hiện đại cần sống khác, bớt soi mói con cháu.

Điển hình là bình luận của bạn đọc Trần Quang Thịnh: “Cuộc sống giờ khác xưa nhiều. Mình cũng phải thích nghi dần. Sống được bao lâu nữa mà để ý từng chút, khó sống với con cháu lắm.

Tôi nay cũng ngót 70 rồi, tôi dễ chịu, con cháu, dâu rể sao cũng được, miễn là chúng sống với nhau yên ấm. Tôi có mấy người bạn, cho con đi du học từ năm lớp 11, giờ về nước, không biết nấu cơm, không biết luộc rau, nấu canh, các cháu cũng không có bạn gần, chỉ có bạn xa tận nước ngoài. Thậm chí có cháu không chịu lập gia đình, sống độc thân cho tự do tự tại. Tôi thấy cũng bình thường và bạn bè tôi họ cũng chấp nhận. Mình già rồi bà à, đừng suy nghĩ nhiều làm gì. Vài năm nữa, ăn không được, đi lại không được rồi cũng theo quy luật thôi. Để con cháu thoải mái một chút”.

Bạn Thu An thì phân tích: “Mấy điểm bác trao đổi chỉ là thói quen của người trẻ, không phản ánh tính cách hay bản chất. Cơ bản các bạn giờ giấc sinh hoạt hơi khác các bác, lại đang son rỗi chưa con cái nên vẫn thanh niên tính. Đúng là nên nghĩ thoáng, sống thoáng đi cho nhẹ người. Chồng sống cả đời không kêu thôi thì bố mẹ cứ để chúng tự sửa. Thường người thẳng tính vậy là người biết điều đấy bác ạ. Chỉ cần biết nghĩ, biết sống cho gia đình, có sức khỏe, chăm chỉ làm việc là tốt lắm rồi, mấy cái vụn vặt kia coi như bỏ qua cho vui vẻ cả nhà”.

Bạn Phan Hương Bình cùng chung tư tưởng: “Bớt xét nét đi cho cuộc sống nhẹ nhàng, cho mọi người vui vẻ, cho thế giới bình yên”. Hay “gắt” hơn là ý kiến của độc giả Long Phung Viet: “Có mấy việc vặt thế mà bà cũng tâm tư thì bà dọn ở riêng đi”. Còn bạn Thach Ton lại coi chuyện mời nhau ăn uống là “rất cổ hủ, rườm rà”.

Độc giả Lili chia sẻ cùng người mẹ chồng trong câu chuyện: “Cô thấy nếp sống của con dâu không hợp nên thấy khó chịu. Nếu ai yêu cầu cô sống như vậy, chắc càng khó chịu nữa. Con dâu cô cũng cảm thấy như vậy khi bị ép sống theo cách của cô. Quan trọng cô con dâu là người chịu làm việc, đạo đức tốt, biết giữ hạnh phúc gia đình và làm con trai cô hạnh phúc. Vậy là ổn rồi. Đừng vì ý mình mà gây mất đoàn kết, làm gia đình lớn gia đình nhỏ mất vui, sau này gặp mặt cũng khó và khoảng thời gian cô ở nhà con trở thành ác mộng”.

Trong khi đó, độc giả Nguyễn Doanh Hoà kể câu chuyện của chính mình: “Tôi lấy vợ người Nam bộ, các con tôi lớn rồi tôi mới đưa được vợ con về thăm quê. Tôi cũng phải dặn kỹ vợ, con cách ứng xử. Đến bữa cơm, vợ tôi vừa ngượng nghịu “con mời bố…”, chị tôi lập tức lên tiếng: cô N. người miền Nam, không quen mời đâu, cô cậu về thăm bố có mấy hôm, thôi miễn cho cô, sau này có thời gian ở lâu, sẽ tập mời”. Bố tôi cũng nói: thôi con ăn đi, cứ tự nhiên như ở với ba, má”.

Suy nghĩ “miễn là ai cũng có thiện ý, đừng căng thẳng đối đầu nhau, rồi sẽ hiểu nhau và tìm được cách ứng xử tốt nhất” của bạn Hoà cũng là điều các bà mẹ chồng nên cân nhắc để gia đình lớn, gia đình nhỏ luôn hoà hợp, đầm ấm.

Related posts

Xót xa hình ảnh bố ruột đi dự giờ lớp học của bé 8 tuổi

Tin Tức Đa Chiều

Bí mật của Hà Lan: Phố ‘đèn đỏ’, và hơn thế nữa…

Tin Tức Đa Chiều

Bão lũ quét qua nhưng không ai dám làm từ thiện…

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment