Chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh tác dụng của cổng chào đối với du lịch và kinh tế địa phương. Thế nhưng những công trình loại này đã gây biết bao nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiêu tốn ngân sách, tạo lỗ hổng trong tham nhũng v.v.. Cơn bão số 9 quét qua, hàng loạt cổng chào ở miền Trung đã gãy đổ.
Cơn bão số 9 đã làm quật đổ hàng loạt cổng chào ở Quảng Ngãi. Rất may mắn là không có thiệt hại về người, chưa có thống kê riêng về thiệt hại tài sản.
Đây không phải là những cổng chào đầu tiên bị đổ trong năm nay. Hôm 4/6, nhiều cổng chào ở Dĩ An bị đổ trong mưa lớn ngay sau khi xây xong. Hôm 12/2, gió mạnh khiến cổng chào bằng thép tại giao lộ Hậu Giang – Minh Phụng, phường 5, quận 6, TP.HCM đổ sập khiến nhiều người bị thương. Trước đó nữa, cổng chào Long An trị giá 80 tỷ đồng cũng có số phận tương tự.
Nếu kể ra nữa thì nhiều không xiết được. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh tác dụng của cổng chào đối với du lịch và kinh tế địa phương, các quốc gia phát triển cũng không thấy làm cổng chào hoành tráng như nước ta, thế nhưng việc xây dựng cổng chào đã trở thành một việc mà nếu không làm thì “thiệt thòi”.
Những tiếng nói lên án việc xây cổng chào không phải ít, từ mạng xã hội, báo chí cho đến cả Đại biểu Quốc hội. Thế nhưng vì lý do nào đó, các tỉnh vẫn nô nức đua nhau làm cổng chào như một nét văn hóa… hủ bại.
Cơn bão số 9 quét qua miền Trung vừa qua hẳn là một lời cảnh tỉnh trọng lượng. Trong bối cảnh mà khí hậu khắc nghiệt đang dần trở thành “trạng thái bình thường mới” của Việt Nam, chấm dứt xây cổng chào hẳn là một việc cấp bách cần làm, thậm chí phải dỡ bỏ những cổng chào không an toàn, không đảm bảo chất lượng ngay, nhất là ở miền Trung.
https://tinhhoa.net/