Phiên tòa luận tội của Thượng viện Hoa Kỳ đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu vào thứ Ba (ngày 9/2). Một nhà phân tích truyền thông Mỹ chỉ ra rằng kết quả luận tội lần thứ hai chưa từng có đối với cựu Tổng thống Trump dường như đã được định trước, nhưng Đảng Dân chủ vẫn kiên quyết đến cùng vì vụ việc này có ý nghĩa sâu rộng.
Biên tập viên phân tích chính trị của trang Associated Press, Steven Sloan, nói trong bài viết của mình rằng, hiện các thành viên Đảng Dân chủ nếu muốn kết tội thành công cựu Tổng thống Trump và cấm ông tranh cử trong tương lai đó là điều không dễ, vì ít nhất họ phải thuyết phục được 17 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa quay lưng với ông. Tuy nhiên, trong một cuộc bỏ phiếu thăm dò tại Thượng viện vào tháng trước, 45 trong số 50 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã ủng hộ việc hủy bỏ phiên tòa luận tội.
Ông Steven Sloan cho biết cuộc bỏ phiếu thăm dò tại Thượng viện về cơ bản báo trước rằng cuộc luận tội cuối cùng sẽ thất bại. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu rộng của bản thân quá trình luận tội sẽ là bài kiểm tra then chốt đối với các chính trị gia và người dân Mỹ. Ông nói:
“Thượng nghị sĩ sẽ buộc phải ngồi yên để nghe lời khai và đưa ra những đánh giá và lựa chọn về các vấn đề cơ bản quan hệ đến nền dân chủ Mỹ (liên quan đến việc luận tội cựu tổng thống và định nghĩa về vụ bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1). Người dân Mỹ cũng sẽ theo dõi và đưa ra phán quyết theo cách riêng của họ. Phán quyết và thủ tục của phiên tòa luận tội này cũng sẽ chịu sự phán xét của các thế hệ tương lai”.
Ông Carol Anderson, Giáo sư Đại học Emory, cho biết:
“Đối với các nhà sử học mà nói, phiên tòa đó sẽ cung cấp thêm nhiều bằng chứng và tài liệu sau khi tuyên thệ. Nó cũng sẽ cho chúng ta thấy sức mạnh, hoặc cho chúng ta thấy sự yếu nhược của nền dân chủ Mỹ khi các Thượng nghị sĩ đối mặt với những bằng chứng được trưng ra trước tòa”.
Ông Sloan cũng chỉ ra rằng phiên tòa luận tội có ý nghĩa lịch sử cũng như thực tiễn to lớn. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đang quan sát những gì đang xảy ra ở Washington để đánh giá liệu Hoa Kỳ có còn cam kết thực thi các nguyên tắc dân chủ hay không. Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người chứng kiến.
“Giờ đây, một số quốc gia đã nói rằng Hoa Kỳ không có quyền dạy người khác về tính thần thánh của nền dân chủ. Như người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Quốc hội Nga, Konstantin Kosachev, đã viết sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội: ‘Nền dân chủ Mỹ rõ ràng đang đứng khập khiễng bằng cả hai chân. Mỹ không còn đóng vai trò là hình mẫu, do đó đã mất quyền thiết lập các tiêu chuẩn, chứ chưa nói đến việc áp đặt nó lên người khác’”.
Trong bối cảnh xoay quanh phiên tòa luận tội, Đảng Dân chủ lên án cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công của người biểu tình vào Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1, nhưng ông Trump nói rằng vụ việc này hoàn toàn bị giới truyền thông và các chính trị gia bóp méo, và bài phát biểu của ông ngày hôm đó không tạo nên nên bất kỳ nhân tố gây kích động nào. Dự kiến, tại hiện trường phiên tòa luận tội, hai bên sẽ thảo luận về vấn đề này.
Đảng Cộng hòa nhận định ông Trump không nên bị luận tội một khi rời cương vị tổng thống. Đảng Dân chủ thì tuyên bố hiến pháp không đề cập đến những trường hợp ngoại lệ như vậy. Các luật sư bào chữa của ông Trump tuyên bố rằng nhóm sẽ tập trung vào điểm chính rằng tổng thống sắp mãn nhiệm không nên bị luận tội, lên án các tuyên bố của Đảng Dân chủ về việc kích động bạo lực và đưa ngược lại các bằng chứng video kích động bạo lực của chính các thành viên Đảng Dân chủ trong các sự kiện khác nhau.
Dân biểu Val Demings, quản lý luận tội trong phiên tòa đầu tiên của Trump, thừa nhận rằng ông Trump cuối cùng có thể sẽ trắng án.
“Bồi thẩm đoàn không kết tội luôn là một khả năng xảy ra, nhưng quyết định không bao giờ được đưa ra chỉ dựa trên điều đó”, bà cho biết, dựa trên kinh nghiệm từng làm cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Orlando.
Ông Sloan cũng đề cập rằng, Quốc hội có nhiều việc ý nghĩa cần phải làm hơn là luận tội cựu Tổng thống. Trong những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy một gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để ứng phó với đại dịch Covid-19, cũng như các vấn đề như nhập cư, chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu.