Hôm thứ Hai (7/12), Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với 14 phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì có các hành vi vi phạm nhân quyền và làm tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông, theo Epoch Times.
Tuyên bố này căn cứ theo sắc lệnh hành pháp số 13936 đã được Tổng thống Trump ký ban hành.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào 14 quan chức này bao gồm việc đóng băng tài sản và trừng phạt tài chính.
Những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ vì làm xói mòn quyền tự chủ của Hồng Kông hiện đã được nâng lên nhắm vào các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Tuy nhiên, chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ là Lật Chiến Thư, thành viên Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, vẫn chưa bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt.
Theo Epoch Times, Đại hội đại biểu nhân dân của ĐCSTQ được cho là một cơ quan bù nhìn, thực tế, đây là một thể chế do ĐCSTQ thành lập để hoạt động với dáng vẻ của một cơ quan dân cử. ĐCSTQ tổ chức cái gọi là hai phiên họp thường kỳ mỗi năm cho cơ quan này để mượn việc giơ tay biểu quyết của “đại biểu quốc hội” nhằm hợp pháp hóa các chính sách của thế lực cầm quyền ở Trung Quốc. Thực chất, những người được gọi là “đại biểu quốc hội” ở Trung Quốc không phải do nhân dân bầu ra mà do ĐCSTQ chỉ định.
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của ĐCSTQ đã thông qua Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông vào hồi cuối tháng 6 năm nay, cho phép chính quyền Hồng Kông không cần tuân theo hệ thống 1 quốc gia 2 chế độ, trấn áp những người bất đồng chính kiến, làm tổn hại chính sách tự trị của Hồng Kông, cũng như tiến thêm một bước trong việc kìm hãm quyền tự do và quyền lợi của người dân Hồng Kông.
Ngày 3/12, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra thông cáo báo chí, lên án cuộc đàn áp chính trị mới nhất của chính quyền Hồng Kông đối với các nhà hoạt động dân chủ như Hoàng Chí Phong, Châu Đình, Lâm Lãm Ngạn, Lê Trí Anh. Tuyên bố nêu rõ, cuộc đàn áp chính trị của chính quyền Hồng Kông đối với những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã gây chấn động nước Mỹ.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới để bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hồng Kông và tất cả các nạn nhân dưới sự thống trị áp bức của ĐCSTQ”, tuyên bố viết.
Chính quyền Hồng Kông được sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh đã trục xuất 4 nhà lập pháp đối lập khỏi cơ quan lập pháp vào tháng 11 năm nay. Động thái này khiến các thành viên dân chủ Hồng Kông từ chức trên quy mô lớn.
Ngày 18/11, Liên minh Ngũ nhãn bao gồm Úc, Vương quốc Anh, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ ra thông cáo chung, lên án ĐCSTQ đưa ra các quy định mới, tước đoạt ghế trong nghị viện của các nghị viên theo chủ nghĩa tự do ở Hồng Kông, đây được cho là một làn sóng hành động mới của ĐCSTQ nhằm đàn áp quyền tự chủ của Hồng Kông. Đồng thời, Liên minh Ngũ nhãn cũng kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các cam kết quốc tế và không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người dân Hồng Kông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien hồi tháng 11 năm nay nói rằng, việc trục xuất các nghị viên dân chủ cho thấy hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” chỉ là một “tấm màn che”. Ông cam kết rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động thêm nữa.
Ngày 9/11, Ngoại trưởng Pompeo công bố lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hồng Kông, cấm những quan chức này nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời phong tỏa mọi tài sản liên quan đến Hoa Kỳ mà họ có thể sở hữu.
Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế không được giao dịch kinh doanh với những cá nhân đàn áp các hoạt động dân chủ của Hồng Kông, nếu không họ có thể sớm phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ.
Cùng ngày, theo phần 5 (a) của “Dự luật tự trị Hồng Kông”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo trình lên Quốc hội, xác định 10 quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông bị xử phạt.
Hồi tháng 8 năm nay, chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam, các cảnh sát trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm của Hồng Kông, cùng các quan chức cấp cao khác với lý do đàn áp phong trào dân chủ và kiềm chế tự do của người dân Hồng Kông.
Bà Carrie Lam cho biết, sau khi bị Mỹ trừng phạt, không có ngân hàng nào dám mở tài khoản cho bà khiến bà phải tiêu tiền mặt hàng ngày, thậm chí lương hàng tháng của bà cũng được trả bằng tiền mặt.
https://www.dkn.tv/