Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống Thế Giới

Chiến sự Ukraine: Vì 1 thứ không thể “thắng”, Nga sẽ rút quân ra về?

Với việc tổn thất xung đột cả về người và của đang tăng lên đối với cả Nga và Ukraine, thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow đã đến?

Nga-Ukraine đã đến giới hạn?

Khi thương vong và thiệt hại trong chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày càng gia tăng, Moscow và Kiev dường như sẽ phải tìm đến điểm kết thúc cho cuộc xung đột. Câu hỏi đặt ra là khi nào chiến sự sẽ chấm dứt?

Cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo đã liên tiếp nhận được điện thoại từ các nhà lãnh đạo thế giới thúc giục ông xem xét một lệnh ngừng bắn.

Các chuyên gia nhận định, với việc tổn thất xung đột cả về người và của đang tăng lên đối với Nga và Ukraine, cũng như tác động lan toả ra thế giới, việc đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt sẽ là lợi ích cho cả hai bên.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số kịch bản đã được đưa ra để dự đoán kết quả của hành động. Hiện tại, tình hình thay đổi trên thực tế đã dẫn đến những biến số khác so với ban đầu.

Trận đánh chớp nhoáng có thể khiến quân đội và chính phủ Ukraine mất đi sức chống cự mà Moscow tính toán trong những ngày đầu tiên đã không thành hiện thực.

Tương tự như vậy, lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra sau khi Tổng thống Putin ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân đặt trong tình trạng báo động cao vào ngày 28/2 cũng đã phần nào giảm bớt.

Khẳng định của NATO về việc sẽ không tham gia vào chiến sự, bao gồm cả triển khai quân đội và thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, cũng đã khiến một kịch bản khác khó có thể xảy ra: Một thất bại quân sự hoàn toàn đối với Nga.

Do đó, cuộc chiến dường như đang hướng tới hai kết quả dễ xuất hiện hơn: Sẽ có một số phương án tiến tới hòa bình hoặc bước vào cuộc xung đột kéo dài.

Các báo cáo gần đây đã cho thấy lập trường của cả hai nước đã phần nào giảm bớt. Vào ngày 15/3, Tổng thống Zelenskyy cho biết ông sẽ không quá nhấn mạnh mục tiêu gia nhập NATO, nhưng sẽ thúc giục sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine từ phương Tây.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Ukraine cũng tỏ ra cởi mở trong việc đàm phán giải trừ quân bị và các bảo đảm cho cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine, vốn nằm trong yêu cầu của Moscow.

Tuy nhiên, thỏa thuận về một điểm nóng khác – tình trạng Crimea (Nga sáp nhập vào năm 2014) và khu vực Donbas, nơi các lực lượng vũ trang Ukraine và lực lượng ly khai đã mâu thuẫn trong 8 năm – dường như vẫn còn nhiều thách thức.

Đối với cả hai nhà lãnh đạo Putin và Zelensky, nhượng bộ về vấn đề này sẽ phải gánh chịu tổn hại về chính trị nghiêm trọng cũng như những bất lợi khác mà họ muốn tránh.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cuộc gặp giữa hai tổng thống cho đến khi có tiền thỏa thuận về tất cả các vấn đề.
Không có kịch bản Syria

Theo Tatiana Stanovaya, học giả không thường trú tại Trung tâm Carnegie Moscow và là người sáng lập R.Politik, ngay cả khi có bước đột phá và một số hình thức thỏa thuận được ký kết, việc thực thi vẫn không được đảm bảo.

“Nga sẽ khó đồng ý rút quân cho đến khi tất cả các điều kiện được đáp ứng. Câu hỏi nữa là ông Zelenskyy sẽ có thể hoàn thành mọi việc nhanh đến mức nào, giới tinh hoa Ukraine sẽ sẵn sàng chấp nhận điều đó ở mức độ ra sao, khi đất nước đang tin rằng họ thắng thế trong tình hình hiện tại”, Stanovaya nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, chừng nào một thỏa thuận không được ký kết và thực hiện đầy đủ, Nga sẽ tiếp tục leo thang quân sự để gây sức ép với Ukraine.

Mark Galeotti, giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence nhận định, việc không đạt được một thỏa thuận khả thi trong ngắn hạn có thể mở ra một cuộc chiến kéo dài. “Đó sẽ là một cuộc chiến diễn ra với nhịp độ thấp hơn nhiều so với hiện tại”, ông nói với Al Jazeera.

Tuy nhiên, cả Galeotti và Stanovaya đều đồng ý rằng một “kịch bản Syria”, trong đó xung đột tiếp diễn trong nhiều năm, khó có thể xảy ra do một số yếu tố.

Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm xói mòn khả năng duy trì sự hiện diện quân sự kéo dài ở Ukraine, vốn đã dẫn đến tổn thất quân sự đáng kể và chi phí tài chính ước tính hàng chục triệu USD mỗi ngày.

Thứ hai, Nga sẽ gặp khó khăn khi duy trì quyền kiểm soát đối với các khu vực bên trong lãnh thổ Ukraine. Và thứ ba, sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của phương Tây cho quân đội Ukraine có thể củng cố sức chống cự của Ukraine, khiến bất kỳ bước tiến nào của Nga trong tương lai trở nên khá khó khăn.

Bất kể Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận sớm hay không, cả hai nước đều hứng chịu những tổn thất đáng kể – ngay cả trong những kịch bản lạc quan nhất.

Nền kinh tế Ukraine đã chịu thiệt hại nặng nề do xung đột. Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko, khoảng 30% hoạt động kinh tế nước này đã ngừng hoạt động, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế Ukraine có thể giảm tới 35% trong năm nay.

Nền kinh tế và xã hội của Nga cũng đang phải đối mặt với những hậu quả đáng kể. Theo ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể giảm từ 8% đến 15% trong năm nay, trong khi lạm phát có thể đạt 20%.

“Phải mất nhiều năm nữa Nga mới có thể phục hồi. Sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại quân đội Nga”, chuyên gia Galeotti cho biết, lưu ý rằng sẽ mất nhiều hơn thế để Nga tái thiết nền kinh tế.

Related posts

Trong cuộc chiến ở Ukraine, kẻ ‘đáng sợ nhất’ lại là lãnh đạo Chechnya Kadyrov

Science

Phân tích: 3 nhóm người Hồng Kông sẽ thành mục tiêu thanh trừng của ĐCSTQ

Tin Tức Đa Chiều

TQ hoan nghênh cao ủy LHQ thăm Tân Cương, miễn không “điều tra tội ác chưa được chứng minh”

Leave a Comment