Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TPHCM thống nhất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. (Ảnh: VGP/Đình Nam).
Sáng 10/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã giao ban trực tuyến với TPHCM để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Đầu cầu TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn,…
Tuyệt đối không để tập trung đông người
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên cũng xuất hiện những vướng mắc phát sinh, Thành phố đã tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân để kịp thời có giải pháp khắc phục như: Hỗ trợ những người không thể nấu ăn tại nhà, tăng lượng thực phẩm đã chế biến tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích thiết yếu được hoạt động; hướng dẫn người dân mua hàng online; cử người đi chợ giúp; đồng thời thực hiện các giải pháp chăm lo, hỗ trợ cho người lao động;…
Thực hiện Nghị quyết về chế độ đặc thù để phục vụ công tác chống dịch, từ ngày 6/7 đến nay, Thành phố đã triển khai hỗ trợ 31.525 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số, so với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ này còn thấp, chỉ khoảng 14%. Thành phố đã đề nghị các quận, huyện triển khai nhanh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, Quận 7, Quận 1, TP. Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách thay vì chờ đợi ngân sách thành phố đưa về, kịp thời hỗ trợ người dân.
Về giao thông, Thành phố cũng đã tái lập 12 chốt chính tại các cửa ngõ để kiểm soát người, phương tiện ra, vào. Các quận, huyện cũng thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh theo quy định,… Ngày 9/7 xảy ra ùn tắc tại một số cửa ngõ do quy định người dân ra, vào thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính. TPHCM đã phối hợp với Bộ GTVT tạo “luồng xanh” cho các phương tiện chở chuyên gia, hàng hóa,… các địa phương lân cận cần chủ động phối hợp, lập danh sách phương tiện để cấp giấy, mã QR nhận diện.
Thành phố cũng đã thiết lập Sở Chỉ huy đặt tại trụ sở UBND TPHCM, thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý các vấn đề phát sinh; phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”; tổ chức lại để tối ưu hóa công tác xét nghiệm; tăng cường kiểm tra tại các quận huyện để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc; thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, tăng cường tuần tra để xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị sau ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, các quận, huyện, lực lượng chống dịch cần tiếp tục tổ chức chấn chỉnh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tình huống phối hợp chưa đồng bộ.
Bên cạnh việc thiết lập các chốt cửa ngõ của thành phố và các quận, huyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tinh thần của Chỉ thị 16 là “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố…”, do đó, phải thực hiện thật nghiêm, chốt thật chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn. Việc quản lý người ở ngoài đường phải rất chặt chẽ, trong mọi trường hợp tuyệt đối không để tập trung đông người.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TPHCM đồng thuận phương châm phòng, chống dịch trước hết phải rõ ràng để người dân biết và giám sát. TPHCM đã kịp thời xử lý một số kiến nghị và tiếp tục kêu gọi người dân tham gia giám sát, công khai tiến độ, kết quả xử lý cụ thể.
Không “dàn hàng ngang” lấy mẫu, xét nghiệm
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và TPHCM phối hợp chặt chẽ trong tổ chức điều hành công tác lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm,… để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng để giữ vững “vùng xanh”, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, xuống “vùng vàng” và nhanh về an toàn.
Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng lấy mẫu về mà để tồn mẫu, tính toán hài hòa giữa tốc độ lấy mẫu và năng lực xét nghiệm. Lấy mẫu đến đâu phải xét nghiệm và trả kết quả đến đấy; phải đảm bảo đầy đủ thông tin, phân tích dịch tễ để “chỉ điểm” trở lại cho công tác truy vết, lấy mẫu nơi nào trước, nơi nào sau, phương thức xét nghiệm ra sao theo mức độ nguy cơ, “không dàn hàng ngang”.
Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố tổ chức hệ thống tổng đài gọi điện tự động để nắm bắt thông tin sức khỏe người dân, đến tận nhà lấy mẫu những người có triệu chứng, sau đó ưu tiên xét nghiệm người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, các F1 có nguy cơ cao…
Khu vực sản xuất phải thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc “sản xuất phải tuyệt đối an toàn”, tất cả các nhà máy đều phải “xanh” mới được hoạt động. Doanh nghiệp phải lập danh sách toàn bộ công nhân thực hiện khai báo y tế điện tử, có số điện thoại, địa chỉ liên hệ, …
Đến nay, TPHCM thực hiện xét nghiệm định kỳ cho: Các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 mẫu đơn trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu xét nghiệm nhanh dương tính sẽ thực hiện xét nghiệm ngay mẫu đơn bằng phương pháp RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, xét nghiệm sớm.
Lãnh đạo Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo đề nghị lãnh đạo TPHCM, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế và lực lượng lấy mẫu thực hiện nghiêm ngặt quy định về ghi thông tin người lấy mẫu (điện thoại, địa chỉ,…) trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, để khi có kết quả xét nghiệm, sớm công bố F0, truy vết F1,… tránh tình trạng có kết quả xét nghiệm dương tính rồi nhưng không biết bệnh nhân ở đâu để thông báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Để đáp ứng diễn biến tình hình, Thành phố sẽ tăng thêm 6.000 giường điều trị (hiện là 20.000 giường), chuẩn bị thêm xe cứu thương, xe y tế để vận chuyển người bệnh,…
Bộ Y tế cũng tiếp tục điều động nhân lực gồm các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ điều trị, điều dưỡng, truy vết lấy mẫu theo đúng số lượng thành phố yêu cầu. Bộ cũng đã điều 25 đồng chí lãnh đạo các cục, vụ vào phối hợp trực tiếp với các quận huyện để chống dịch.
Hiệu quả là trên hết
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tính hiệu quả trong thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với thực tiễn ở TPHCM. Trong đó, Thành phố cần phát huy sáng tạo, bằng kinh nghiệm thực tế, mạnh dạn thực hiện, vừa làm, vừa điều chỉnh như cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm theo phân nhóm hộ gia đình hộ gia đình, thành viên gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau, phương án cách ly mới đối với những ca F0 đã đủ điều kiện ra viện…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ báo cáo “Bộ Chỉ huy chiến dịch” nếu các hướng dẫn phòng, chống dịch chưa phù hợp với thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TPHCM thống nhất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết.
Dự kiến những ngày tới số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực nhưng với việc thực hiện nghiêm các quy định theo Chỉ thị 16, điều chỉnh chiến lược chống dịch từ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, đến khoanh vùng, cách ly, điều trị thì TPHCM sẽ kiểm soát được tình hình.