Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm

Chiến dịch đốt lò của Nguyễn Phú Trong năm 2021, cái kết là gì?

Hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong năm 2021. Trong năm 2021, hàng loạt cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật, trong đó một Ủy viên Trung ương Đảng, 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển.

Đầu tháng 7, Ban chấp hành Trung ương quyết định kỷ luật ông Trần Văn Nam (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương) bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025.


Ông Trần Văn Nam. Ảnh: PV

Cuối tháng 7, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Giữa tháng 6, Ban Bí thư đã kỷ luật bốn lãnh đạo khác của tỉnh Bình Dương. Trong đó, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Phạm Văn Cành (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) và ông Trần Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh).

Ban Bí thư cũng cách tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, 2020-2025 đối với ông Nguyễn Thanh Trúc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Trần Xuân Lâm (Chánh Thanh tra tỉnh).


Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Hoàng Phong

Ba cựu Ủy viên Trung ương bị kỷ luật trong năm nay là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Vũ Huy Hoàng và ông Tất Thành Cang.

Ngày 19/11, Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên Bộ trưởng Y tế.

Bà Tiến nhận án kỷ luật do chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu trong những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có việc cấp phép nhập khẩu thuốc, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế…

Bà Tiến cũng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hồi tháng 7, sau hơn 3 tháng nhận mức án 11 năm tù trong vụ sai phạm liên quan chuyển nhượng “đất vàng” ở Sabeco, Ban chấp hành Trung ương đã khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, bị khai trừ ra khỏi Đảng vào tháng 4. Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM, ông Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước.

Ông Cang đã bị cách chức hơn 2 năm trước và bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.


Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: TTX

Tháng 10, chín tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam nhận án kỷ luật, bao gồm cả tư lệnh của lực lượng này. Đây là lần đầu tiên chín tướng lĩnh trong một lực lượng cùng lúc bị kỷ luật.

Ban Bí thư xác định Ban Thường vụ Đảng uỷ Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã “vi phạm rất nghiêm trọng” Quy chế làm việc, Quy định của Quân ủy Trung ương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng…

Sau khi xác định trách nhiệm cá nhân, Ban Bí thư quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh (Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) và Thiếu tướng Lê Văn Minh (Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4).

Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển); Trung tướng Hoàng Văn Đồng (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Cảnh sát biển); Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết (Phó Chính uỷ Cảnh sát biển); Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát biển); Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Cảnh sát biển); Thiếu tướng Trần Văn Nam (Phó Tư lệnh Cảnh sát biển); Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp (Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2).

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Một cựu lãnh đạo của Hải quân tiếp tục nhận án kỷ luật hồi tháng 7 là ông Nguyễn Văn Hiến. Quyết định của Thủ tướng ban hành ngày 20/7 nêu, ông Nguyễn Văn Hiến bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Quốc phòng do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian công tác; và đã bị Ban chấp hành Trung ương khai trừ Đảng (tháng 5/2020).

Trước đó, tháng 6/2019, ông Hiến bị Bộ Chính trị cách các chức vụ: Ủy viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng uỷ, Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010). Ba tháng sau, ông bị Thủ tướng xóa tư cách nguyên Tư lệnh Hải quân.

Theo thông báo của Bộ Chính trị, ông Hiến chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm như: Thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân chủng Hải quân; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng…

Cũng trong năm 2021, Ban bí thư đã cách tất cả chức vụ trong Đảng của 2 nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 đối với Thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó tư lệnh Quân khu 9. Ông Tài sau đó bị Thủ tướng cách chức Phó tư lệnh quân khu 9.

Trong thời gian làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Thiếu tướng Trần Văn Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định…

Trong lĩnh vực y tế, hai thứ trưởng đương nhiệm và một cựu thứ trưởng đã bị kỷ luật.

Tháng 11, Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng đối với Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường. Ông Cường cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngoài ra, ông còn vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ lưu hành, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.

Ngày 11/11, ông Cường bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọngtheo điều 360 Bộ luật Hình sự. Một tháng sau đó, ngày 10/12, Vụ 3 VKSND Tối cao thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Cường, từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang bắt tạm giam với lý do “đảm bảo thực hiện công tác truy tố và xét xử”.

Tháng 12, Ban Bí thư quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang, do buông lỏng lãnh đạo, để lưu hành thuốc giả. Ông Quang là người tiền nhiệm của cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường ở Cục Quản lý Dược Bộ Y tế.

Trong diễn biến khác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khiển trách ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Y tế. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Nhiều cựu lãnh đạo của TP Hà Nội và TP HCM cũng bị kỷ luật trong năm nay.

Đầu tháng 8, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo Đảng uỷ Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo các ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó chủ tịch thành phố; Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội; khiển trách các ông Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch thành phố; Hà Minh Hải, Phó chủ tịch thành phố.

Kết luận của cơ quan kiểm tra nêu, Ban cán sự đảng UBND thành phố, Đảng uỷ cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội giai đoạn 2016-2019 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, để UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, về đấu thầu và thực hiện các gói thầu; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Giữa tháng 8, Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Cũng trong tháng 8, các ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM; Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM; Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Ông Nguyễn Thành Tài thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn (quận 1) không qua đấu thầu, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; vừa bị tuyên phạt 8 năm tù.

Ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn sai phạm liên quan việc phê duyệt chủ trương cho Sagri chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại 348 tỷ đồng; đã bị tòa tuyên phạt 6 năm tù.

Related posts

Trung Quốc kêu gọi điều tra Mỹ và liên quân về việc sát hại dân thường ở Afghanistan

Tin Tức Đa Chiều

‘Gây hậu quả nghiêm trọng’, quyền Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 bị bắt

Tin Tức Đa Chiều

Trung Quốc đau đầu với bài toán tái mở cửa giữa Covid-19

Leave a Comment