Chúng ta sống trong thời đại mà giới tinh hoa chính trị đang cố tình dựa vào các phương tiện truyền thông lớn để thêu dệt những câu chuyện sai sự thật. Mục đích là tạo ra khủng hoảng tâm lý đám đông và thúc đẩy những cải biến triệt để trong xã hội Mỹ.
Sau đây là nhìn nhận của ông Brian Cates, một cây viết ở Nam Texas và là tác giả của cuốn sách “Không ai hỏi ý kiến của tôi… Nhưng dù sao nó cũng ở đây rồi!”, được đăng trên Epoch Times.
Để tước đoạt những quyền hiến định đáng trân trọng của công dân bình thường, tầng lớp tinh hoa trước tiên phải đặt những công dân đó vào tình trạng hoảng loạn. Điều này dẫn đến nhiều người trong số họ không chỉ cho phép quyền của mình bị tước đoạt, mà còn sẵn sàng giao nộp chúng.
Và sợ hãi là trạng thái hiệu quả nhất để buộc các công dân sẵn sàng chấp nhận hy sinh các quyền của mình.
Thời gian trôi qua kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu, nhiều bằng chứng tiếp tục xuất hiện cho thấy một số thực thể chính trị và truyền thông đã lợi dụng sự bùng phát của virus để tăng cường kiểm soát và thúc đẩy chương trình nghị sự của họ.
Mặc dù bạn nghĩ không ai đủ nhẫn tâm lợi dụng đợt bùng phát dịch bệnh để thúc đẩy vận may chính trị và gia tăng quyền lực đối với cuộc sống chính đồng bào của họ, nhưng không may, sự thật lại cho thấy, đây chính xác là điều mà nhiều chính khách tại cấp địa phương, tiểu bang và liên bang đã thực hiện.
Những người này đã tận dụng triệt để các “đồng minh truyền thông” của họ nhằm gây ra trạng thái sợ hãi và hoảng loạn thông qua các câu chuyện bịa đặt.
Điều này cho phép họ thực hiện những thay đổi đối với xã hội Mỹ. Nếu như trong một thời điểm tranh luận bình tĩnh và hợp lý, họ sẽ không thể đạt được nhiều mục tiêu như vậy.
Nhận thức bị lèo lái bởi giới truyền thông khác xa thực tế
Nhận thức của công chúng về những gì đang xảy ra ở Mỹ và thực tế chuyện gì chính xác đang xảy ra thường là hai điều rất khác nhau.
Nhiều người Mỹ từ lâu đã biết rằng, giới truyền thông chủ lưu đã không còn cố gắng đưa tin về các vấn đề quan trọng một cách trung lập. Thay vào đó, bằng cách trình bày những câu chuyện thiên lệch được ngụy trang dưới dạng “đưa tin”, họ đang cố gắng đạt được những kết quả chính trị họ mong muốn.
Các phương tiện truyền thông lớn đăng tải những câu chuyện sai sự thật, tuy nhiên, họ hoàn toàn nhận thức được đó là những câu chuyện sai sự thật. Mục tiêu của họ không phải là báo cáo thông tin chính xác; mà là đưa tin để đạt được kết quả chính trị “đúng” theo ý muốn của họ. Điều này khiến họ trở thành những kẻ tuyên truyền chứ không phải nhà báo.
Chúng ta hãy xem xét một số câu chuyện được các phương tiện truyền thông chủ lưu quảng bá và thêu dệt trong năm qua, với mục đích thúc đẩy sự thay đổi triệt để trong xã hội Mỹ.
Cảnh sát giết hàng nghìn người da đen không vũ trang mỗi năm?
Một nhận thức sai lầm đã được hình thành trong đầu óc dân chúng. Có số lượng lớn dân Mỹ tin rằng mỗi năm ở Hoa Kỳ có từ 1.000 đến 10.000 người da đen không vũ trang bị các cơ quan thực thi pháp luật giết chết.
Nhà báo Andy Ngô viết trên Twitter:
“Gần một nửa số người theo chủ nghĩa tự do được khảo sát cho rằng, có khoảng 1.000 đến 10.000 người da đen không vũ trang đã bị cảnh sát Mỹ giết chết vào năm 2019. Con số thực tế chỉ là 27. BLM-Antifa lợi dụng sự thiếu hiểu biết này – kèm theo sự ‘thêm dầu vào lửa’ của các phương tiện truyền thông thiên tả – để kích động bạo lực và nổi dậy chính trị“.
Các nhóm hoạt động như Black Lives Matters (BLM) tuyên bố họ có lý do chính đáng để phá phách vì nhiều người da đen đã bị cảnh sát giết chết. Chính vì vậy, trong năm qua, ở một số thành phố lớn nhất của Mỹ, bạo loạn bạo lực được phép tồn tại trong nhiều ngày, thậm chí đôi khi là nhiều tuần.