Một thách thức mà các quốc gia có thể đối mặt trong tương lai là sự xuất hiện của một loại virus mới có tên gọi SARS-CoV-3 lây từ người trở lại động vật, chuyên gia dịch tễ Singapore cảnh báo.
Straits Times dẫn lời Giáo sư Wang Linfa của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, một đại dịch mới có thể xảy ra khi các virus từ người lây truyền ngược trở lại động vật. Cảnh báo này được ông Wang đưa ra tại Hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng về y tế công cộng ASEAN hôm 6/10.
Theo Giáo sư Wang, hầu hết các nhà khoa học tin rằng, chủng gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tồn tại ở các loài dơi ở châu Á. Virus này sau đó truyền sang một động vật trung gian, có thể là tê tê, cầy hương, trước khi lây truyền sang con người tại chợ hải sản Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019.
“Virus này vẫn sẽ lây từ người sang người. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại virus này cũng có thể dễ dàng truyền từ người trở lại động vật. Sẽ rất đáng lo ngại nếu con người có thể lây nhiễm cho các vật chủ mới như dơi ở lục địa Mỹ vốn không phải là nguồn chứa virus tự nhiên”, ông Wang nói. Ông cho biết, kịch bản này có thể xảy ra khi dơi ăn một trái cây do người nhiễm bệnh bỏ dở lại.
Chuyên gia Singapore cho biết thêm: “Loài dơi có hệ thống miễn dịch đặc biệt giúp chúng có thể nhiễm virus mà không mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể biến đổi và lây truyền sang các động vật trung gian X, Y, Z khác và lây sang người, khiến chúng ta nhiễm bệnh X, Y, Z hay còn gọi là SARS-CoV-3 (virus SARS-CoV-2 biến đổi khi lây truyền từ người sang động vật)”.
Ông giải thích, mỗi lần virus lây truyền giữa các loài, nó sẽ thay đổi về mặt di truyền để thích nghi với vật chủ mới, và nó sẽ càng đột biến hơn khi con người lây virus cho nhiều loài khác, một trong những virus đó có thể trở thành SARS-CoV-3. Giả thuyết trên được đưa ra dựa trên chuyên môn của Giáo sư Wang về miễn dịch học và động vật học về loài dơi. Do vậy, ông khuyến cáo các nước cần có sự chuẩn bị.
Thứ nhất, ở giai đoạn khi virus chưa xuất hiện, giới khoa học cần nghiên cứu những virus có ở những loại động vật khác nhau và động vật mà con người buôn bán, tiêu thụ nhiều nhất. Họ cũng cần phối hợp với các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế để đánh giá rủi ro và chuẩn bị cho các biện pháp nhằm ngăn virus lây lan.
Thứ hai là giai đoạn cảnh báo sớm. Khi xuất hiện các ca bệnh nghiêm trọng, bất thường tại các khoa điều trị tích cực hay các phòng khám địa phương, đó có thể là dấu hiệu xuất hiện của virus mới.
Cuối cùng, khi virus đã lây lan, vắc xin và phương pháp điều trị là biện pháp quan trọng để đối phó dịch.
Ông là thành viên trong nhóm chuyên gia tái tạo thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm hồi năm ngoái sau khi nó xuất hiện ở Vũ Hán. Điều này giúp Singapore bắt đầu sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19. Ông cũng là thành viên của ủy ban khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập trong giai đoạn đầu bùng phát Covid-19. Ủy ban này hôm 30/1/2020 đã cố vấn cho WHO tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.