Hôm nay 1/2, Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài ban hành hôm 22/1 chính thức có hiệu lực.
Luật này cho phép áp dụng “tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí” khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị xâm phạm; phá hủy công trình nước ngoài ở vùng biển, đảo mà họ tuyên bố chủ quyền.
Từ những ngày đầu khi chỉ là dự thảo cho tới khi được thông qua, luật đã vấp phải vô số phản đối của các nước.
“Vi phạm rành rành”
Theo Tuổi Trẻ, hôm 30/1, trang tin Rappler dẫn lời ông Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines đã về hưu, cho rằng Philippines và các quốc gia ASEAN có thể tìm tới tòa án của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tuyên bố luật hải cảnh của Trung Quốc “không có giá trị”.
Theo ông Carpio, luật hải cảnh của Trung Quốc “vi phạm rành rành” không chỉ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mà cả Hiến chương LHQ. Chuyên gia luật biển này khuyên Chính phủ Philippines sẵn sàng nộp đơn kiện nếu Trung Quốc thực thi luật mới ngay trong vùng biển Philippines.
“Chẳng hạn nếu Trung Quốc xua đuổi tàu khảo sát của chúng ta ở bãi Cỏ Rong, chúng ta có thể đi tới tòa án được thành lập theo UNCLOS và tuyên bố rằng luật hải cảnh Trung Quốc vi phạm UNCLOS cũng như phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016” – ông Carpio nêu ví dụ.
Cách đối phó?
Giới chuyên gia khẳng định có thể thách thức luật hải cảnh mới của Trung Quốc. “Trong luật quốc tế có quy tắc liên quan tới việc sử dụng vũ lực quá đáng. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực quá đáng trong khu vực, chúng ta có quyền nộp đơn kiện” – ông Rommel Banlaoi, chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc của Philippines (PACS), đánh giá.
Theo chuyên gia an ninh của Philippines, việc ban hành loại luật như vậy là “đặc quyền chủ quyền” của Trung Quốc, nhưng nội dung luật đưa ra phải tuân thủ luật quốc tế, đặc biệt UNCLOS năm 1982. Ông Banlaoi cho rằng hải cảnh Trung Quốc phải tự kiềm chế và xem vũ lực chỉ là phương sách cuối cùng phục vụ mục đích tự vệ.
Trong khi đó, ông Alberto Encomienda, chuyên gia hàng hải và là cựu đại sứ Philippines, đề xuất với việc Bắc Kinh chỉ thị cho hải cảnh nước họ “bắn khi cần thiết” thì Philippines cũng nên ra chỉ thị tương tự cho lực lượng chức năng nước này.
Theo Hãng tin PNA của Chính phủ Philippines, khi được hỏi Manila nên làm gì nếu hải cảnh Trung Quốc nổ súng từ trong khu vực họ cũng có tuyên bố chủ quyền, chuyên gia Banlaoi nói: “Chúng ta luôn có thể thách thức Trung Quốc về mặt pháp lý khi tình huống đó diễn ra. Nhưng chúng ta cần phát triển năng lực ngăn chặn để ngăn Trung Quốc hành động như vậy”.
Ông Banlaoi cho rằng Philippines phải tăng cường sự hiện diện của hải quân và lực lượng bảo vệ biển trong khu vực. “Nguyên tắc trong chính trị quốc tế liên quan tới tranh chấp hàng hải là nếu bạn không thể tuần tra vùng nước của bạn, bạn không thể sở hữu vùng nước của bạn” – ông Banlaoi nói.
Ngoài Biển Đông, Trung Quốc còn thường điều tàu hải cảnh đến gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Hồi năm ngoái, Lực lượng tuần duyên Nhật đã phát hiện tàu hải cảnh và tàu công vụ khác của Trung Quốc ở bên trong vùng tiếp giáp bao quanh vùng biển Nhật tuyên bố có chủ quyền xung quanh Senkaku/Điếu Ngư tổng cộng tới 333 ngày, một con số kỷ lục, theo hãng tin Jiji Press.Tại cuộc họp của đảng Dân chủ tự do (đảng cầm quyền của Nhật), các nghị sĩ đã công kích Luật Hải cảnh. Trong đó có một nghị sĩ cảnh báo động thái mới của Trung Quốc “chẳng khác nào là đe dọa”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cảnh báo Luật Hải cảnh “có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật quốc tế” – thông tin trên báo Thanh Niên.