Trước mối đe doạ ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, Đối thoại An ninh Tứ giác giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc (hay còn gọi Quad) là ngày càng trở nên quan trọng. Hợp tác giữa các thành viên đã vượt ra ngoài kinh tế, quân sự và chuỗi cung ứng. Hiện nhiều quốc gia cũng đang quan tâm, muốn gia nhập Bộ Tứ hoặc tham gia các cuộc tập trận quân sự chung.
Theo trang Epoch Times, vào ngày 21/5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Toà Bạch Ốc, đây là hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt thứ hai của ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài, kể từ cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào tháng Tư.
Hội nghị thượng đỉnh được mong đợi này, báo hiệu tầm quan trọng của Hàn Quốc đối với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của ông Biden. Theo tạp chí Forbes, Seoul có khả năng trở thành một phần bổ sung cho Bộ tứ.
Ngay sau khi chính quyền Biden nhậm chức, cố vấn an ninh quốc gia của Toà Bạch Ốc Jake Sullivan chỉ ra rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục cơ chế Quad. Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc Kurt Campbell cũng cho biết vào tháng 1 rằng Hoa Kỳ nên mở rộng Bộ tứ và tập trung vào khả năng răn đe quân sự đối với Trung Quốc.
Sau đó, theo hãng tin The Telegraph, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia Quad.
Vào ngày 18/2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống với những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong nỗ lực kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Vào ngày 12/3, Quad đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên, và thành lập các nhóm làm việc về phòng chống dịch bệnh, công nghệ tiên tiến và biến đổi khí hậu.
Vào đầu tháng 4, thành viên trong Bộ Tứ đã tiến hành một cuộc tập trận quân với hy vọng tăng cường quan hệ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại tham vọng của Bắc Kinh.
Vào ngày 18/5, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, Khổng Huyễn Hữu, đã cáo buộc Quad có “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và “lỗi thời 100%” trong một cuộc phỏng vấn với Kyodo News có trụ sở tại Tokyo . Ông kêu gọi Nhật Bản “giữ cân bằng tốt” giữa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vào ngày 10/5, Lý Cực Minh, đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh, đã gây áp lực buộc quốc gia Nam Á này không tham gia Bộ tứ vì sợ rằng các mối quan hệ song phương bị “thiệt hại đáng kể”.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh, AK Abdul Momen, đã đáp trả.
Ông Momen nói: “Chúng tôi là một quốc gia độc lập và có chủ quyền.Chúng tôi quyết định chính sách đối ngoại của mình.”
Ông Momen còn nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ quyết định những gì chúng tôi sẽ làm. Đây là vấn đề được cả đất nước chúng ta quan tâm”.
“Chúng tôi không mong đợi hành vi như vậy từ Trung Quốc”, ông nói thêm.
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm xói mòn chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” ở Hồng Kông và tiến hành các hoạt động quân sự ngày càng thường xuyên xung quanh Biển Đông, eo biển Đài Loan và quần đảo Senkaku, theo cách gọi của Trung Quốc là quần đảo Điếu Ngư.
Trung Quốc cũng đã ban hành Luật Cảnh sát biển, có hiệu lực vào ngày 1/2 và cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết. Sau đó Nhật Bản, Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng thách thức trật tự quốc tế đã được thiết lập.
Quad được coi là NATO của châu Á nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Theo Epoch Times, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang có kế hoạch thu hút thêm các thành viên vào nhóm.
Chuyên gia: Vai trò tích cực của Nhật Bản
Tháng trước, Wang Zhin-sheng, tổng thư ký của Hiệp hội Giao lưu Tinh hoa Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times rằng Nhật Bản gần đây đã đóng một vai trò tích cực trong việc kết nối với các nước Châu Á – Thái Bình Dương trong Bộ tứ.
Wang Zhin-sheng nói: “Hành động của Nhật Bản là kiềm chế ĐCSTQ. Động thái này là do việc Trung Quốc thông qua luật bảo vệ bờ biển gây tranh cãi, gây ra mối đe dọa rất lớn đối với các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản”.
Vị này cũng dự đoán, hợp tác trong tương lai trong khu vực sẽ không còn giới hạn trong các chiến lược quân sự và an ninh, mà dự kiến sẽ mở rộng sang kinh tế, công nghệ, sản xuất dược phẩm và các chiến lược khác.
Đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản, vị này nói thêm, Đài Loan cũng có thể là một phần không thể thiếu trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương đã được điều chỉnh của họ; và sự vắng mặt của Đài Loan sẽ dẫn đến một khoảng trống rõ ràng trong Chuỗi đảo thứ nhất.