Trung Quốc đã trở thành mối đe doạ an ninh lớn nhất của Ấn Độ và do đó, hàng chục nghìn binh lính và vũ khí mà New Delhi cấp tốc đưa đến để bảo về biên giới Himalaya sẽ vẫn phải tiếp tục đóng quân tại đây trong một thời gian dài, Tướng Bipin Rawat – Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, SCMP đưa tin hôm 12/11.
Sự thiếu “tin tưởng” và “sự nghi ngờ” ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng khi giải quyết tranh chấp biên giới, ông Rawat cho biết hôm thứ Năm.
Tháng trước, vòng 13 hội đàm về biên giới giữa các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã kết thúc trong bế tắc khi cả hai bên không thể thống nhất về cách rút quân khỏi biên giới.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã chuyển từ chiến lược tập trung vào đối thủ lâu đời Pakistan sang Trung Quốc sau cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong bốn thấp kỷ nổ ra mùa hè năm ngoái tại Ladakh.
Hai mươi binh lính Ấn Độ và ít nhất bốn binh lính Trung Quốc đã thiệt mạng trong trận đánh giáp lá cà tại cuộc đụng độ dọc đường biên dài 3.448km được phân chia tạm bợ vào tháng Sáu năm ngoái.
Kể từ đó, Bắc Kinh và New Delhi đã bổ sung thêm cơ sở hạ tầng, binh lính và vũ khí quân sự dọc theo đường biên dãy Himalaya đang tranh chấp. Ông Rawat nói, “Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ cuộc tấn công bất ngờ nào dọc biên giới trên bộ và trên biển.”
Bình luận của ông tương đồng với chỉ trích của Bộ Ngoại giao Ấn Độ về công trình xây dựng mới của Trung Quốc tại những khu vực được cả hai bên tuyên bố chủ quyền. Tướng Rawat nói Trung Quốc đang xây các ngôi làng dọc Đường Kiểm soát thực tế giữa hai nước.
“Trung Quốc đang xây nhiều ngôi làng có khả năng làm nơi đồn trú cho binh lính hoặc làm nơi định cư cho người dân của họ hoặc cho quân đội trong tương lai dọc theo LAC (đường Kiểm soát Thực tế), đặc biệt sau vụ đối đầu chúng tôi trải qua gần đây,” ông Rawat nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại về sự cai trị của Taliban có thể tác động đến an ninh của Ấn Độ khi khả năng các phần tử khủng bố tại phía bắc Jammu và Kashmir nhận được hỗ trợ về vũ khí từ Afganistan ngày càng gia tăng
Quân đội Ấn Độ lo ngại việc nhóm vũ trang trở lại nắm quyền có thể giúp các nhóm khủng bố hoạt động trong khu vực, mặc dù các tuyến phòng thủ biên giới đã được tăng cường.
Viễn cảnh một Trung Quốc thù địch và các vấn đề an ninh với Taliban cũng như với Pakistan khiến New Delhi có thể tổ chức lại quân đội Ấn Độ thành những đại chiến khu dọc theo biên giới phía Bắc và phía Tây, ông Rawat bổ sung.
Quân đội Ấn Độ, lâu nay vốn hoạt động theo kiểu chuyên môn hoá, hiện đang tiến hành cuộc rà soát lớn nhất kể từ khi giành được độc lập bảy thập kỷ trước và hiện đang được tổ chức để hoạt động giống các quân đội hiện đại của Mỹ, Úc và Trung Quốc.
Động thái sát nhập lục quân, không quân và hải quân của Ấn Độ diễn ra khi Mỹ và Anh cùng phối hợp với Úc để đưa nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hơn vào vùng biển châu Á – Thái Bình Dương.