Trong đợt mưa lũ năm nay, tác hại của các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã cấp tập gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và của đồng bào miền Trung. Trước tình hình đó, Bộ Công thương cho biết đã loại ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án thuỷ điện nhỏ.
Bộ Công Thương tự đánh giá thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng thuỷ điện ngày càng đồng bộ. Bộ cho biết, giai đoạn 2012-2019 đã loại bỏ khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 471 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Trong năm 2019, Bộ Công Thương chưa xem xét để bổ sung quy hoạch thêm DATĐ. Hiện tại, đang tiếp tục thực hiện rà soát các DATĐ đã có trong quy hoạch trên địa bàn do tỉnh quản lý, đánh giá trên mọi mặt như việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo về môi trường, xã hội…
Tuy nhiên cũng tại báo cáo của mình, Bộ cho biết đã vận hành phát điện 342 công trình thủy điện nhỏ (3.582,66MW), đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75MW), đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65MW), chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án (622,8MW).
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất… Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường cho rằng nên dừng cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang triển khai, vì thiệt hại của nó trong tương lai lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã đầu tư.
Về trách nhiệm, được biết công tác phê duyệt các dự án thủy điện vừa và nhỏ là thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, do đó thuộc về địa phương. Tuy nhiên, vì Bộ đã đánh giá công tác quy hoạch được đồng bộ, vậy nên liệu việc phê duyệt các dự án này phải chăng cũng được Bộ tán thành?
https://tinhhoa.net/