Liên quan đến vụ việc hơn 200 tàu mà Philippine gọi là lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc neo đậu tại Trường Sa, tác giả James Holmes đã từng có bài viết về lực lượng này và chiến lược “chiến tranh nhân dân” của Trung Quốc đăng trên The National Interest. Sau đây là nguyên văn bài phân tích của tác giả.
Bắc Kinh dự định triển khai “chiến thuật vùng xám” hậu thuẫn bởi tàu chiến quân sự thông thường nhằm đạt được mục đích mà không cần tới chiến tranh.
Điểm mấu chốt là: Trung Quốc sẽ sử dụng mọi phương tiện có thể để chiếm giữ lãnh thổ tranh chấp, một phần vì tính chính danh trong nước của chính quyền Trung Quốc (nó tồn tại và thị uy được với người dân một phần vì việc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ). Các nước láng giềng và Mỹ sẽ phản ứng thế nào?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã từng kêu gọi toàn quốc chuẩn bị cho “chiến tranh nhân dân trên biển”. Mục đích của chiến dịch này là gì? Đó là nhằm “bảo vệ chủ quyền” sau phán quyết bất lợi của Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tòa án đã ủng hộ cách diễn giải đơn giản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), cho rằng tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” bao phủ 80-90% diện tích Biển Đông là nhảm nhí.
Nói cách khác, một cường quốc ven biển không thể đơn giản cứ tranh giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển thuộc về các nước láng giềng yếu hơn và biến chúng thành của riêng mình.
Hoặc ít nhất, quốc gia đó không thể làm như vậy mà vẫn rêu rao là hợp pháp được. Nhưng có thể hình dung họ có thể làm như vậy thông qua việc xâm chiếm, và sau đó buộc mọi người phải chấp nhận thông qua sự hiện diện quân sự liên tục. Do đó, những quốc gia bảo vệ tự do hàng hải cần lưu tâm đến lời tuyên bố của tướng Thường Vạn Toàn. Các nước Đông Nam Á và các đồng minh ngoài khu vực phải nhìn nhận thật nghiêm túc những tuyên bố như vậy, và suy nghĩ kỹ càng về nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông.
Đó là điểm đầu tiên về “chiến tranh nhân dân trên biển”. Va chạm vũ trang hoàn toàn có khả năng xảy ra. Các chính khách và chỉ huy quân đội ở Manila, Hà Nội và Washington không được coi tuyên bố của ông Thường chỉ là lời hăm dọa.
Quả thực, khó có khả năng Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vào thời điểm này, kể cả khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn đi chăng nữa, chúng ta hãy cùng nghĩ tới viễn cảnh các phán quyết này được tuân thủ, thì điều gì sẽ diễn ra ở trong nước [Trung Quốc]. Trong hai thập kỷ, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, cũng như các hỏa lực đóng căn cứ trên đất liền bao gồm: máy bay chiến đấu, tên lửa diệt hạm, các chiến hạm tầm ngắn như tàu tuần tra cao tốc hay tàu ngầm diesel.