Chúng tôi đến thủ đô Amsterdam, Hà Lan vào một ngày xuân. Bầu không khí thật trong lành, trên đường có rất nhiều xe đạp. Theo kế hoạch, chúng tôi đi thăm “phố đèn đỏ” một lần vào ban ngày để chiêm ngưỡng khung cảnh trữ tình nên thơ, và một lần vào ban đêm để tìm hiểu về hoạt động “mua phấn bán hương” đặc biệt của nơi này.
Ban ngày, khu phố đèn đỏ trông như một bức tranh trong trẻo với hai hàng cây xanh xanh soi bóng xuống lòng kênh phẳng lặng. Dãy nhà cổ kính hai bên đường phảng phất phong vị Hà Lan, khiến du khách cảm như đang lạc vào một câu chuyện cổ. Chốc chốc, lại có một cây cầu nhỏ cong cong nối liền hai bờ kênh, dường như chỉ để làm phông nền cho đàn hải âu bay gợi lên vẻ bình yên khó tả.
Về đêm, phố xá lại càng tấp nập. Ánh đèn đường rọi xuống mặt nước, khung cảnh lại càng diễm lệ. Lúc này, các cô gái bán hoa đứng trong những chiếc tủ kính với ánh sáng đỏ ma mị, tươi cười uốn éo thân hình chào mời khách làng chơi. Khi một vị khách “ngã giá” xong xuôi, chiếc rèm đỏ sẽ che lại cho tới khi “cuộc vui” kết thúc.
Chúng tôi được dặn dò tuyệt đối không chụp ảnh các cô gái làng chơi. Bởi vì nếu bạn cố chụp, bảo vệ ở đây sẽ tịch thu máy ảnh và xoá các tấm ảnh, hoặc các cô gái trong tủ kính cũng có thể nhảy ra ném máy ảnh của bạn xuống lòng kênh. Việc này để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi cảm thấy những cô gái ấy cũng có lòng tự tôn của riêng họ, muốn giữ lại cho mình một góc phẩm hạnh mà khách qua đường không thể chạm đến.
Tôi nhớ lại “Nỗi thương mình” của nàng Kiều khi rơi vào tay Tú Bà:
“Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Có lẽ đã có những phút giây, họ tự cảm thương cho số phận mình. Không một cô gái nào từ khi sinh ra đã muốn làm công việc ấy. Nếu được lựa chọn, có lẽ mọi người con gái đều muốn được làm một tiểu thư đài các kiêu sa, hay một người phụ nữ đoan trang tôn kính.
“Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”
Đâu đó, người ta vẫn tranh cãi về việc hợp pháp hay không hợp pháp hoá mại dâm. Về phần mình, tôi mong ước rằng không một người phụ nữ nào phải sống bằng con đường tủi khổ ấy.
Tôi mong tất cả những người phụ nữ đều được sống trong một xã hội mà ai ai cũng coi trọng các giá trị đạo đức, biết thương hoa tiếc ngọc, biết sẻ chia và chân thành đối đãi nhau. Nếu được như vậy, câu hỏi hợp pháp hay không kia sẽ không cần phải đặt ra nữa…
Dạo chơi trên đường phố Amsterdam, tôi bất chợt nhìn thấy một chiếc ô tô với poster quảng cáo Triển lãm cơ thể người (Body Worlds). Hình ảnh một người với lớp da đã bị lột đi, có thể thấy từng thớ cơ, mạch máu, dây thần kinh, bộ não cũng như các cơ quan nội tạng khác khiến tôi rùng mình.
Tìm kiếm thông tin trên mạng, tôi được biết mẫu vật của triển lãm là các thi thể người thật được xử lý và nhựa hóa, rồi tạo dáng ra nhiều tư thế khác nhau. Có một mẫu vật ám ảnh mãi trong tôi, đó là một người phụ nữ trẻ đang mang thai 8 tháng với cái bụng bị cắt mở ra, và người ta có thể thấy các cơ quan nội tạng, đặc biệt là cái thai trong bụng.
Tôi tự hỏi: Một người phụ nữ khó khăn lắm mới dằn lòng để thân thể mình bị chà đạp. Lẽ nào lại có người mẹ mang thai 8 tháng có thể “hiến xác”, biến mình và con thành mẫu vật triển lãm thế kia chăng? Mà quá trình nhựa hoá thi thể rất tàn nhẫn: thi thể người bị quăng vào cái bể nổi lềnh bềnh, trong đó toàn dung dịch formalin.
Sự thật đằng sau đó khiến tôi ứa nước mắt. Các thi thể do Văn phòng Công an Trung Quốc cung cấp, mà nguồn gốc không hề công khai. Điều tra của các tổ chức quốc tế đã tiết lộ rằng: phần lớn các thi thể ấy là của các học viên Pháp Luân Công, những người bị chính quyền Trung Quốc giết hại sau khi mổ cướp nội tạng. Đáng tiếc là, nhiều người vẫn chưa biết đến sự thật đau lòng này.
Ngồi trên khoang tàu đến với làng cối xay gió, tôi vẫn chưa hết bâng khuâng vì những mảnh đời, những số phận mà Amsterdam tình cờ cho tôi nhận ra. Ngắm nhìn những chiếc cối xay trông như những nốt nhạc trên nền cỏ xanh và dòng sông biêng biếc, tôi chợt thấy cuộc đời cũng như một chiếc cối xay xoay tới vô cùng. Trong vòng xoáy bôn ba, bận rộn của kiếp người, tôi có phút nào dừng lại để cảm thông với những mảnh đời xung quanh? Tôi có phút nào dừng lại để tự hỏi mình: Vì sao tôi đến nơi này?
https://www.dkn.tv/