Theo tạp chí Forbes, Không quân Nga đang đi theo một công thức tạo ra “thảm họa” cho họ ở Ukraine.
CÔNG THỨC TẠO RA ‘THẢM HỌA’
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), không khó để lý giải những tổn thất đáng kinh ngạc về máy bay và phi công mà lực lượng Nga phải hứng chịu khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine đã bước sang tuần thứ 3.
Học thuyết tác chiến đường không của Nga, cộng với sự thiếu hụt các loại vũ khí dẫn đường chính xác, đã buộc máy bay chiến đấu và phi công của họ phải bay thấp và chậm, núp dưới lớp mây che phủ khi chỉ cách lực lượng Ukraine có vài dặm.
Đó là công thức để tạo ra “thảm họa”. Tầm bay thấp, tốc độ bay chậm dọc theo chiến tuyến của đối phương đã khiến các máy bay chiến đấu Nga rơi vào tầm bắn của một trong những loại tên lửa phòng thủ mà người Nga không có hy vọng chế áp: các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) như Strela, Igla và Stinger.
Những MANPADS đó, được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng không tầm xa như S-300, Tor, Osa và Tunguska, đã khiến Không quân Nga chịu nhiều thiệt hại kể từ khi họ mở rộng quy mô chiến dịch quân sự ở Ukraine, bắt đầu từ đêm 23/2.
Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã tiêu diệt 77 máy bay có cánh cố định của Nga. Các nhà quan sát độc lập xác nhận ít nhất 12 trường hợp trong số này. Những tổn thất được xác minh bao gồm 5 máy bay cường kích Su-22, 2 máy bay chiến đấu Su-30, 4 tiêm kích Su-34 và một máy bay vận tải An-26.
Ukraine công bố bằng chứng bắn hạ Su-25 Nga hôm 6/3/2022.
CHỈ CÓ THỂ BẮN PHÁO SÁNG VÀ CẦU NGUYỆN
Các hệ thống phòng không trên bộ của Ukraine, bao gồm cả các MANPADS dẫn đường bằng tia hồng ngoại, đã gây ra phần lớn thiệt hại cho các máy bay chiến đấu và tấn công của Nga. Đáng chú ý, MANPADS là vũ khí tầm ngắn. Một tên lửa Igla vác vai chỉ có tầm bắn 5km (Igla-1) đến 6km (Igla-S), trần bay 3,5km.
Tuy nhiên, tầm bắn hạn chế đó không phải là vấn đề đối với lực lượng phòng không Ukraine. Học thuyết và công nghệ của Nga buộc các phi công chiến đấu của họ phải bay trong phạm vi bắn của Igla để triển khai vũ khí.
Theo Forbes, đó là bởi Không quân Nga không phải là một lực lượng “không quân” theo cách mà các nhà quan sát phương Tây hiểu về thuật ngữ này. Học thuyết của Nga không yêu cầu các máy bay chiến đấu của Không quân Nga phải kiểm soát những vùng không phận khổng lồ để đạt được các mục tiêu chiến dịch thông qua vùng không phận đó.
Nói cách khác, Không quân Nga không giống như Không quân Mỹ – lực lượng trong hầu hết các trường hợp đều nhắm tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn không phận trên toàn bộ khu vực tác chiến.
Không quân Nga được xem như một phần mở rộng của lục quân Nga, có thể ví họ như “pháo binh đường không”. Theo học thuyết của Nga, các máy bay chiến đấu không-đối-không sẽ hoạt động trong thời gian ngắn để kiểm soát một vùng nhỏ không phận, tạo điều kiện cho các máy bay tấn công tiến vào, thả bom, và sau đó thoát ra ngoài.
Các máy bay tấn công đó sẽ ném bom vào những tọa độ mục tiêu được lên kế hoạch trước một cách nghiêm ngặt và chúng thường sử dụng những loại bom trọng lực không dẫn đường.
Không quân Nga chưa từng mua sắm số lượng lớn vũ khí dẫn đường và có lẽ họ cũng không thể làm như vậy dù muốn, bởi phương Tây đã áp đặt lên Nga các lệnh trừng phạt đối với việc mua thiết bị điện tử chất lượng cao.
Trong chiến dịch không kích ở Syria, Không quân Nga chỉ trang bị vũ khí dẫn đường chính xác (PGM) cho các tiêm kích-bom Su-34.
“Ngay cả những máy bay tấn công chuyên dụng này cũng thường xuyên phải dùng các loại bom và rocket không dẫn đường” – Chuyên gia Justin Bronk lưu ý trong một phân tích gần đây dành cho Royal United Services Institute (RUSI).
“Điều này không chỉ cho thấy hầu hết phi đội máy bay chiến đấu của Nga không quen thuộc lắm với PGM, mà còn củng cố giả thuyết được chấp nhận rộng rãi rằng kho dự trữ PGM đường không của Nga rất hạn chế”, ông Bronk viết.
“Nhiều năm hoạt động chiến đấu ở Syria sẽ càng làm cạn kiệt kho dự trữ đó. Điều đó cũng có thể có nghĩa, phần lớn trong tổng số 300 máy bay chiến đấu có cánh cố định của Nga tập trung xung quanh Ukraine chỉ có bom và rocket không điều khiển để sử dụng trong những cuộc tấn công mặt đất” – Vị chuyên gia nhận định.
“Họ sẽ phải bay thấp và chậm, dưới các tầng mây, để tìm kiếm bất cứ cơ hội nào tấn công các mục tiêu được định vị bằng bom và rocket không dẫn đường.
Nói cách khác, họ sẽ phải chạy qua lưới lửa của các hệ thống MANPADS hồng ngoại và hệ thống phòng không tầm ngắn khác. Tất cả những gì họ có thể làm là bắn pháo sáng, cầu nguyện và hy vọng thần may mắn mỉm cười với mình” – Tờ Forbes viết.
MANPADS bỗng trở thành loại tên lửa đất-đối-không khó chế áp nhất đối với lực lượng Nga. Chúng nhẹ, rẻ và di động. Chúng cũng không phát ra tín hiệu điện tử để đối phương có thể theo dõi.
Trên lý thuyết, lực lượng bộ binh thiện chiến có thể loại bỏ các kíp bắn MANPADS của Ukraine, nhưng Nga lại được cho là đang thiếu hụt lực lượng bộ binh được huấn luyện bài bản.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với Nga khi Ukraine đã nhờ tới sự trợ giúp của các nước khác để có thêm MANPADS mới. Mỹ, Đức, Ba Lan và Latvia đã gửi tới cho Ukraine các tên lửa Stinger, Anh thì đang gửi tới các tên lửa Starstreak.
Điều đó có nghĩa, kể cả 3 tuần sau cuộc chiến này, mối đe dọa đối với các máy bay bay thấp và chậm của Nga vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn.