Sau khi Facebook công bố sẽ chính thức đổi tên thành Meta, giới truyền thông Mỹ và Trung Quốc đã đăng tải hàng loạt bài báo thể hiện thái độ về sự kiện này. Họ đã nói gì?
“KẺ THỐNG TRỊ” ĐỔI TÊN
Trong những ngày qua, thông tin Facebook chuẩn bị đổi tên đã dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn của thế giới. Nhiều cuộc thi đố vui có thưởng được công khai, công chúng đua nhau tham gia để bình chọn cái tên mới của gã khổng lồ truyền thông này sẽ là gì? Từ những cái tên mang tính chế nhạo như FB, Bookface, Zuckussy cho đến những cái tên “chính chuyên” hơn như Virtuel, Connect và Horizon… đều lần lượt được đưa ra.
Ngoài những cái tên kể trên thì “Meta” cũng là cái tên được một số phương tiện truyền thông dự đoán sẽ được sử dụng, bởi nó cũng thể hiện tham vọng tiếp theo của Mark Zuckerberg trong việc thống trị “Metaverse” (Siêu vũ trụ số). Quả thực, trong bài thuyết trình tại hội nghị Kết nối của Facebook (Facebook Connect) diễn ra vào thứ 5 ngày 28/10 vừa qua, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã công bố chính thức đổi tên Facebook Inc. thành Meta Platforms Inc.
Theo tầm nhìn của Meta, từ nay mọi người sẽ giao tiếp và họp hành với nhau thông qua một môi trường ảo cho dù họ ở bất cứ đâu trên thế giới. Dù có tên mới nhưng công ty vẫn chia sẻ dữ liệu như trước đây, các ứng dụng như Instagram, Messenger và WhatsApp cũng sẽ giữ lại tên hiện tại.
Facebook đang được biết đến với tư cách là “kẻ thống trị” giới truyền thông xã hội, tại sao lại đột ngột đổi tên? Phải chăng Zuckerberg đang có tính toán gì đằng sau việc này?
BÍ MẬT VỀ TÊN GỌI META
Theo trang Chinanews, từ thống kê phân tích của giới báo chí Mỹ thì cái tên Meta thực sự đã được Zuckerberg nhắm tới từ lâu. Chính Samed Chakrabati, người từng là trưởng bộ phận quan trọng của Facebook, đã nhận định Meta chính là cái tên mới của Facebook trong một bài đăng trên Twitter ngày 20/10 vừa qua.
Trên thực tế, ít ai biết rằng cái tên Meta đã gắn bó mật thiết với Facebook từ lâu. Điều này thể hiện rõ khi bạn đăng nhập vào trang “Meta.com”, bạn sẽ tự động được chuyển hướng đến một trang web khác thuộc một tổ chức từ thiện do Mark Zuckerberg và vợ sáng lập, tên là Chen Zuckerberg Intiative.
Tổ chức từ thiện này đã mua lại công ty phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo Meta ngay từ năm 2017. Công việc chủ yếu của công ty này từ thời điểm đó tới gần đây vẫn là tìm kiếm các bài báo khoa học. Nhưng từ đó có thể thấy Zuckerberg đã báo trước về cái tên Meta này từ rất sớm.
Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ cũng cho rằng, Facebook đổi tên không đơn giản chỉ là để thể hiện tham vọng với việc xóa nhòa ranh giới giữa công nghệ thực tế ảo và thực tại.
Dù ý định của Zuckerberg chưa thể hiện rõ ràng nhưng sau hàng loạt vụ bê bối liên tiếp liên quan tới Facebook, động thái đổi tên cho Facebook Inc. được Richard Lutz, giáo sư chuyên ngành Marketing tại Đại học Florida, cho là nhằm tách biệt danh tính của công ty với mạng xã hội cùng tên này.
Ông cho biết dù trước đó đã có nhiều tiền lệ như Arthur Andersen Consulting, công ty có liên quan đến vụ bê bối phá sản Enron, đã được đổi tên thành Accenture, hay Valuj Airlines được đổi tên thành Transit Aviation sau một vụ tai nạn hàng không vào năm 1996, nhưng thay đổi hoàn toàn tên một thương hiệu không phải điều phổ biến. Việc làm không chỉ tốn kém mà còn thể hiện mong muốn tách mình khỏi các bê bối.
“VE SẦU THOÁT XÁC” HAY ĐỔI TÊN ĐỔI VẬN?
Trang Chinanews cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới việc đổi tên là do Facebook đang muốn “đổi tên, đổi vận”. Từ năm 2016 đến nay, mọi chuyện diễn ra không hề thuận lợi với Facebook khi nhiều bê bối và các tin tức tiêu cực liên tục bị khui ra.
Trước đó, Facebook đã bị kiện vì ăn cắp dữ liệu của người dùng và bán nó. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã ra thông báo sẽ phạt Facebook gần 7 triệu USD do công ty này không cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu. Sau đó họ còn khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với dịch vụ quảng cáo của Marketplace và dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Facebook.
Trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ cũng đã thảo luận về khả năng điều chỉnh Facebook hoặc chia tách các nhóm của công ty này. Gần đây nhất, Facebook đã dính vào sự cố không thể truy cập trong 7 giờ đồng hồ. Những sự vụ này đã khiến cho lòng tin của người dùng đối với Facebook suy giảm mạnh và giá cổ phiếu của Facebook ngay lập tức đã lao dốc không ngừng.
Cũng theo Chinanews chia sẻ, vào tháng 5 vừa qua, một nhân viên của Facebook đã làm rò rỉ tài liệu bí mật của công ty, qua dữ liệu trong đó có thể thấy rõ ràng mức độ phổ biến của Facebook đang ngày một giảm sút, chỉ số người dùng của Instagram cũng xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Quốc hội Mỹ đã lập tức tổ chức một phiên điều trần về các tài liệu này.
Tất cả những điều trên đã khiến cho nhiều người đặt ra giả thiết rằng phải chăng công ty Facebook đã rơi vào vận hạn xấu. Không biết Mark Zuckerberg có tin vào may rủi không nhưng cuối cùng thì vị Giám đốc điều hành này vẫn quyết định đổi tên cho Facebook.
Tuy nhiên, việc Facebook muốn chuyển đổi từ mạng xã hội sang trung tâm vũ trụ ảo cũng khiến cho nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của động thái này. Ông Anaizi Modu, một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi thương hiệu cho rằng “Một cái tên mới có thể mang tới diện mạo mới hoàn toàn nhưng không có nghĩa là đổi mới thương hiệu. Trừ phi Facebook có kế hoạch nghiêm túc để giải quyết các bê bối trước đó ổn thỏa, còn không thì việc thay đổi tên chỉ là vô nghĩa. Thậm chí, nó có thể khiến cho tình hình tồi tệ hơn.”
Sau tất cả, dù Mark Zuckerberg hay công ty mẹ muốn dùng chiêu “ve sầu thoát xác” hay “đổi tên đổi vận” thì người dùng đâu dễ dàng quên các vụ bê bối của Facebook, chắc chắn rằng họ sẽ bị xử phạt vì những gì đã gây ra. Số phận của Facebook sau khi đổi tên thành Meta sẽ như thế nào, chúng ta hãy cùng chờ đợi.