Cục Thống kê Dân số Trung Quốc đã hoãn công bố dữ liệu số trẻ sinh ra trong năm 2020. Tuy nhiên, dữ liệu một số chính quyền địa phương công bố cho thấy số trẻ sinh ra tại địa phương đã giảm 10% – 30% so với năm 2019. Các chuyên gia chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020, cùng theo đó là tốc độ và quy mô già hóa dân số chưa từng có, theo Sound of Hope.
Hãng truyền thông Trung Quốc Money.163 đã công bố báo cáo mức sinh ở Trung Quốc do Viện nghiên cứu Hằng Đại đưa ra hôm thứ Tư (3/2). Báo cáo chỉ ra rằng việc chính quyền Trung Quốc cho thực hiện chính sách hai con không những không có sự bùng nổ trẻ sơ sinh, trái lại còn chứng kiến sự sụt giảm không ngừng. Ngoài đợt tăng nhẹ năm 2016, số ca sinh các năm tiếp theo đều giảm mạnh. Năm 2017 số ca sinh giảm xuống còn 17,25 triệu, năm 2018 giảm hơn 2 triệu xuống chỉ còn 15,23 triệu, năm 2019 giảm xuống còn 14,65 triệu. Số liệu năm 2020 vẫn chưa được công bố, nhưng nhiều nơi đã tiết lộ rằng số ca sinh của địa phương đã giảm 10%-30% so với năm 2019. Và năm 2020 sẽ lập mức thấp kỷ lục mới.
Ông Lương Kiến Chương (Liang Jianzhang), người sáng lập trang ChinaCtrip.com và là giáo sư học viện Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, trong bài viết gần đây trên trang Tài Tân (Caixin.com) chỉ ra rằng, năm 2020, số ca sinh ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang ước chừng giảm 19,01% so với cùng kỳ năm 2019; thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang giảm khoảng 32,6%. Giáo sư Lương nhìn nhận rằng thời kỳ sụp đổ dân số trên khắp cả nước Trung Quốc đã đến. Nếu không có sự bùng nổ về tỷ lệ sinh, loại suy giảm này sẽ không chạm đáy.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của việc suy giảm dân số là do số lượng phụ nữ có trình độ học vấn cao trong lực lượng lao động tăng mạnh. Những người này tin rằng, hôn nhân không phải điều kiện cần thiết cho an ninh kinh tế. Đối với các cặp vợ chồng, chi phí sinh hoạt tăng và thời gian dành cho công việc khiến họ không chịu được gánh nặng sinh con. “Đây là một xã hội không ai muốn kết hôn và cũng chẳng nuôi nổi đứa con”, Vương Phong, giáo sư xã hội học Đại học California nói. “Tôi chưa từng nghĩ xã hội Trung Quốc sẽ trở nên như thế này, không chỉ một vài cá nhân, mà là cả một xã hội”.
Báo cáo của viện nghiên cứu Hằng Đại cho rằng xét từ khía cạnh xu hướng phát triển, tốc độ và quy mô già hóa dân số của Trung Quốc ở mức trước nay chưa từng có, nước này sẽ bước vào một xã hội già hóa sâu sắc với hơn 14% người già vào năm 2022 và một xã hội siêu già với hơn 20% người già vào năm 2033, sau đó nó sẽ tiếp tục tăng nhanh lên khoảng 35% vào năm 2060.
Phân tích báo cáo của viện nghiên cứu Hằng Đại dựa trên dữ liệu do Cục Thống kê ĐCSTQ công bố. Tuy nhiên, ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison và là tác giả của cuốn sách “Cái tổ trống rỗng của một cường quốc: Đường lối sai lầm trong kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc”, đã phân tích trước đó rằng, ĐCSTQ đã cố tình làm sai lệch dữ liệu của Cục Thống kê, tổng dân số và tỷ lệ sinh do Cục Thống kê công bố cao hơn nhiều so với thực tế. Nói cách khác, vấn đề dân số thực tế ở Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn.
Mặc dù trên thế giới nhiều quốc gia cũng đang vật lộn với mức sinh thấp và già hóa dân số, nhưng vấn đề này tại Trung Quốc trở nên cấp thiết hơn. Nguyên nhân là do hệ thống an sinh xã hội kém phát triển, đa phần người cao tuổi nước này chủ yếu dựa vào gia đình để chi trả cho việc chăm sóc y tế và nghỉ hưu. Do hậu quả của chính sách một con trước đó, sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải chăm sóc bố mẹ hai bên mà không có anh chị em ruột cùng gánh vác.
Tỷ lệ sinh giảm có tác động quan trọng đến nền kinh tế và dự trữ lao động Trung Quốc. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và tuổi thọ tăng, sẽ không có đủ người trẻ để hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ người già. Người cao tuổi là bộ phận tăng trưởng nhanh nhất và gây thêm áp lực lên hệ thống lương hưu của Trung Quốc và các bệnh viện trở nên quá tải.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí của nước này có nguy cơ cạn kiệt vào năm 2035 do lực lượng lao động giảm, vì quỹ này phụ thuộc vào một phần thu nhập của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động không đủ để hỗ trợ người về hưu.
“Dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu thu hẹp từ năm 2027”, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đưa ra nhận định vào năm 2018, tuy nhiên theo nhiều đánh giá sự thu hẹp này sẽ bắt đầu sớm hơn.
Tài Dũng, một giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho hay, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này sẽ khiến Trung Quốc từ nền kinh tế có lợi thế lớn về lao động giá rẻ thì đang dần “mất nhiệt”.
https://www.dkn.tv/