Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Mồm mép mánh khoé không thu phục được lòng người, chỉ có Thiện tâm mới khiến người quy thuận

Giao tiếp là hành vi cơ bản của con người và cả động thực vật. Có người cho rằng bí quyết của giao tiếp nằm ở kỹ xảo lời nói và động tác hình thể. Thực ra không hẳn như vậy. Dưới đây là một góc nhìn khác về yếu tố quyết định trong giao tiếp.

Chuyện thứ nhất: Đức Phật thuần phục voi dữ

Đề Bà Đạt Đa là em họ của Đức Phật, hết sức đố kỵ với Ngài, đã tìm cách để cho người thả con voi dữ Nalagiri ra phố để xéo chết Đức Phật. Dân chúng chạy tán loạn. Voi thấy bóng người đằng trước, nó cong đuôi, thẳng vòi chống tai xông tới như vũ bão.

Các vị đệ tử thấy cơ nguy mới bạch với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Con voi Nalagiri nó có tính hung dữ và thù ghét loài người đã đến nơi kìa!”.

Đức Phật vẫn ung dung trả lời: “Này các Tỳ kheo, các người không nên sợ hãi. Không bao giờ một vị Chánh Giác phải chết vì một tai nạn ghê gớm như thế. Những đấng Như Lai chỉ tịch diệt khi thì giờ đã đến bằng cái chết tự nhiên và vẫn sống mãi trong tâm linh mọi người”.

Trong khi ấy những người đa nghi và mê mờ lại thì thầm nhỏ to đầy mai mỉa: “Chà, uổng quá, vị Sa môn kia trẻ đẹp như thế mà lại hy sinh cho con voi hung dữ giết hại thì thật là một việc dại khờ”.

Những người có đủ đức tin hơn thì cho rằng: Đó là một cuộc thử thách, sự tranh đấu giữa loài vật với vị Từ phụ của loài người. Voi hung hăng đã phóng tới trước mặt Đức Phật, mọi người phập phồng lo sợ. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đem tất cả lòng từ bi vô lượng để đối lại với sự hung dữ của voi. Voi như bị một sức thôi miên huyền bí, từ từ hạ vòi và quỳ ngay trước mặt Ngài. Đức Phật dịu dàng thoa vào đầu quy y cho voi và nói: “Này voi ơi! Ngươi nên ăn ở hiền lành để đạt đến an vui, chớ nên hung hăng như trước nữa”.

Voi như hiểu được lời Ngài, từ từ lấy vòi hút tất cả bụi đã bám vào chân Ngài và rải lên khắp đầu nó như để chứng tỏ nó đã biết ăn năn và xin phục thiện. Đoạn, voi cúi đầu đảnh lễ Ngài rồi trở về chuồng cũ.

Chuyện thứ hai: Lý Khôi chiêu hàng Mã Siêu

Lưu Huyền Đức đang đánh Thành Đô. Mã Siêu tuân lệnh Trương Lỗ đến cứu Ích Châu, đánh dằng dai, bất phân thắng bại với Trương Phi. Gia Cát Lượng hối lộ Dương Tùng, để Dương Tùng gièm pha với Trương Lỗ, làm cho Mã Siêu ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Lý Khôi tình nguyện đi thuyết cho Siêu về hàng. Khổng Minh bằng lòng, Lý Khôi đi ngay tới xin yết kiến Mã Siêu. Nghe tên, Mã Siêu biết Lý Khôi đi làm biện sĩ, liền sai hai mươi quân đao phủ phục sẵn, hễ hô “chém” thì xông ra mà băm vằm Lý Khôi.

Lý Khôi được mời vào. Mã Siêu nạt: “Ngươi đến làm gì?”

Khôi đáp: “Làm thuyết khách”.

Siêu nói: “Thử nói ta nghe. Nghịch tai ta sẽ thử gươm”.

Lý Khôi ung dung nói: “Tướng quân với Tào Tháo đang có mối thù bất cộng đái thiên, nhìn về Lũng Tây lại có mối hận bầm gan xé ruột. Nay ở đây, trước mặt không đẩy lui được quân Kinh Châu, để toàn nhiệm vụ; sau lưng không trị nổi Dương Tùng, để thấy mặt Trương Lỗ. Rõ ràng bốn bể không nhà, bơ vơ không chúa! Nếu còn để xảy ra một nỗi thất bại như ở Vị Kiều, một hở cơ như ở Kỳ Thành thì mặt mũi nào thấy anh tài trong thiên hạ?”.

Mã Siêu nghe rồi thở dài. Lý Khôi tiếp: “Lưu Hoàng Thúc là bậc nhân nghĩa, còn đợi gì không theo người để trả thù cha lưu danh muôn thuở?”.

Siêu liền bằng lòng quy thuận. Huyền Đức đích thân đi đón rước, đãi vào bậc thượng tân.

(Lược trích Tam Quốc Diễn Nghĩa)

Chuyện thứ ba: Không thành kế

Gia Cát Lượng ở Tây Thành sau trận thua Nhai Đình đã điều phần lớn đại quân đi nơi khác. Trong thành chỉ có 2000 quan văn và 500 lính kỵ mã trong khi Tư Mã Ý của Bắc Ngụy dẫn 15 vạn quân đuổi tới. Gia Cát Lượng ra lệnh mở cổng thành. Ông ngồi trên lầu cao trước cổng thành đánh đàn với tư thế rất ung dung tự tại, không hề lo sợ. Tư Mã Ý đến nơi, thấy phong thái của Gia Cát Lượng, sợ trong thành có phục binh nên không dám vào, ra lệnh rút quân.

(Lược trích Tam Quốc Diễn Nghĩa)

Chuyện thứ tư: Cesar Millan huấn luyện chó

Cesar Millan là nhà huấn luyện chó người Mỹ gốc Mêxicô. Ông được biết đến rộng rãi qua chương trình truyền hình “Dog Whisperer with Cesar Millan”, hiện được phát sóng tại hơn 80 quốc gia. Theo những nội dung của The Dog Whisperer, Millan chú trọng việc huấn luyện tâm lý cho chó nuôi. Cuốn sách đầu tiên của Millan với tựa đề “Cesar’s Way” được tờ New York Times xếp vào hàng bán chạy nhất với hàng triệu bản chỉ tính ở khu vực Bắc Mỹ, và được phát hành tại hơn 14 quốc gia trên toàn thế giới.

Millan cho rằng phương pháp chủ yếu dẫn tới thành công trong việc dạy dỗ những chú chó là cần có trạng thái tâm lý bình tĩnh, cân bằng. Nhận ra các biểu hiện không tốt của chó và sửa chữa cho chúng. Người chủ cần phải trở thành “con đầu đàn” (pack leader) đối với chó của mình chứ không phải chủ sở hữu.

Caesar cũng rất nổi tiếng qua loạt chương trình truyền hình về huấn luyện chó trên kênh National Geographic Chanel có tên là: “Caesar to the rescue”. Hầu như mọi con chó dù to lớn, hung dữ bất kham đến đâu gặp Caesar cũng phải trở nên ngoan ngoãn nghe lời. Anh giúp rất nhiều các chủ chó thuần phục các chú khuyển và trở nên rất nổi tiếng.

Ý nghĩa đằng sau bốn câu chuyện trên là gì?

Trên đây là bốn câu chuyện thành công trong giao tiếp từ cổ chí kim, có người có vật, có Đạo có đời, có Đông có Tây, có thời chiến và cả thời bình. Những nhân vật trong đó đều có chung thái độ ung dung, bình tĩnh, không chút lo sợ và tâm thái đoan chính, tĩnh tại, vững như núi.

Đức Phật chẳng những không sợ con voi dữ Nalagiri, Ngài còn hết sức từ bi với nó.

Lý Khôi cũng không vì giàn đao phủ của Mã Siêu mà biến sắc, vào chốn sát khí rợn người mà vẫn bình tĩnh như không. Ông nói thật mình là thuyết khách và phân tích lẽ thiệt hơn khiến Mã Siêu ngoan ngoãn ra hàng. Người ta thường bảo lời nói mạnh hơn gươm đao. Nhưng tâm tính còn mạnh hơn lời nói gấp bội phần. Lời lẽ hay phải dựa trên tâm tính vững chãi. Thử tưởng tượng xem nếu Lý Khôi đi vào mắt la mày lét, nghe Mã Siêu dọa thì hồn xiêu phách lạc, cứ ngỡ bọn đao phủ sắp lôi mình ra chém thật thì nói cứng phỏng ích gì?

Cũng như nếu Gia Cát Lượng lo sợ ra lệnh tử thủ, thì với một nhúm quân như vậy, thất bại là điều chắc chắn. Tư Mã Ý lúc đó nghĩ gì? Liệu ông có biết đây là mưu kế hay không? Tư Mã Ý cũng vô cùng đa mưu túc trí, có lẽ ông biết, nhưng vẫn rút lui vì khâm phục khí phách của Gia Cát Lượng. Đó là tâm lý “anh hùng tiếc anh hùng” dù họ ở hai chiến tuyến đối địch. Nếu vậy, thì đây là chiến thắng về mặt phong thái chứ không phải về mặt mưu kế của Gia Cát Lượng.

Caesar không e sợ và cũng không đe dọa một chú khuyển nào hết. Ông khiến chúng cảm thấy yên tâm và bị khuất phục bởi uy thế của ông, giống như khuất phục một con đầu đàn. Nếu như ai đó lý luận rằng, Mã Siêu vì lời lẽ của Lý Khôi mà xiêu lòng, thì vì sao voi dữ lại hàng phục đức Phật và chó dữ quy thuận Caesar? Chúng nào biết lý luận như con người?

Giao tiếp không lời

Thực ra, có một thứ giao tiếp không lời, cũng không bằng ngôn ngữ cơ thể mà chỉ có thể cảm nhận được. Mỗi sinh vật có một trường năng lượng vô hình từ nội tâm phát ra xung quanh (“Vô hình” là với mắt thường, còn người có công năng có thể nhìn thấy). Khoa học đã có những nghiên cứu về trường năng lượng này từ năm 1939, bắt đầu có những đột phá từ năm 1972 và đặc biệt từ những năm 90 của thế kỷ trước (thực nghiệm Kirlian).

Động vật chủ yếu giao tiếp qua hình thức này vì bản năng tiên thiên của chúng rất mạnh. Voi, chó, ngựa là những loài vật có năng lực cảm nhận đặc biệt tốt. Chúng cảm nhận được lúc nào bạn vui, lúc nào bạn buồn, khi nào bạn cáu giận. Bạn có sợ chúng hay không, bạn yêu hay ghét chúng, bạn khỏe mạnh hay có bệnh, chúng cũng biết. Bạn là người chính trực hay quân gian manh chúng cũng cảm nhận được mà không cần phải nói gì. Nội tâm bạn có gì, chúng cảm nhận được điều đó. Chúng còn cảm nhận được khi nào sắp có biến chuyển về thời tiết, thiên tai hay địa chấn.

Chó dữ hay bắt nạt những người có tâm sợ nó, hay thù địch với nó. Cho nên, tâm lý không sợ hãi và sự từ bi, yêu thương loài vật chính là chìa khóa để khuất phục và làm bạn với loài vật. Đức Phật vì vậy mà chinh phục được voi dữ, chứ không phải vì Ngài hiển lộ thần thông. Người tu luyện đắc Đạo không thể tùy tiện sử dụng phép thuật giữa xã hội người thường, đó là quy luật vũ trụ.

Con người dù bản năng đã thoái hóa so với các động vật này nhưng chưa phải mất hẳn. Cho nên, Mã Siêu trước hết bị khuất phục bởi thái độ ung dung không sợ chết của Lý Khôi, rồi sau đó mới đến lời hơn lẽ thiệt. Tư Mã Ý cũng khâm phục phong độ khí phách của Gia Cát Lượng mà rút lui. Khí thế của những con người thấy núi Thái Sơn đổ mà không chớp mắt quả thực có thể đẩy lui thiên binh vạn mã.

Lời lẽ, kỹ xảo có phải là bí quyết?

Với người bán hàng, giao tiếp với khách hàng là rất quan trọng. Giao tiếp tốt sẽ gây được lòng tin. Lòng tin của khách hàng là giá trị của người bán hàng và thương hiệu. Trong giao tiếp, người ta hay nói đến thủ thuật, cũng gọi là kỹ năng, kỹ xảo: ví như thuật lấy lòng người, kỹ năng dùng ngôn ngữ uyển chuyển, kỹ năng tạo động tác hình thể biểu cảm, kỹ năng đoán ý, nhìn sắc mặt, kỹ năng tạo không khí vui nhộn, hài hước, v.v…, có rất nhiều kỹ năng trong giao tiếp. Không phủ nhận rằng có những kỹ năng quan trọng, giúp tạo lợi thế và gây ảnh hưởng.

Người có kỹ xảo giao tiếp tốt dường luôn là tâm điểm của đám đông, chỗ nào có họ thì không khí sinh động hẳn lên. Từ cách họ nói chuyện, cách dùng từ ngữ, đến âm điệu giọng nói, diễn xuất, nét mặt, bộ dạng cử chỉ, đều được người khác học theo, mong sao cũng tạo được sức hút như thế. Chính vì thế, có rất nhiều khóa học bán hàng, marketing hay giao tiếp trên thị trường đang khai thác những nhu cầu này của người học. Làm diễn giả trở thành nghề ăn khách.

Trên internet cũng tràn ngập những bài viết như: “Thực tế chém gió hay mới là kỹ năng sống còn để thành công”. Hay “6 lời nói dối giúp bạn xin được việc”, v.v… Khi cạnh tranh về mặt kỹ thuật xem ai khôn khéo hơn, thì cũng chính là xem ai giả dối hơn. Khôn khéo lấy lòng người khác vì để mưu cầu lợi ích riêng. Khen người khác ngoài mặt, nhưng trong lòng khinh bỉ.

Những người đi theo con đường này mất dần sự chân thật. Thâm tâm họ thèm thuồng sự chân thật nhưng họ lại nghĩ sống thật thì thiệt thòi. Nên họ càng đi vào khéo léo và giả dối. Sống lâu trong các kỹ thuật giả dối sẽ sinh tâm nghi hoặc, nghĩ ai cũng giả dối như mình. Cuộc sống như vậy thật mệt mỏi, lâu dài sẽ sinh ra nhiều bệnh tật.

Những người khôn khéo đầy kỹ xảo dần dà sẽ bị vây bọc bởi một trường năng lượng xấu. Khi ấy, dù có dùng kỹ thuật gì cũng khó chiếm được lòng tin thực sự của người khác. Họ chưa cần nói hay làm điệu bộ gì, những người tinh nhạy đã cảm thấy một áp lực ngấm ngầm khó giải thích.

Bí quyết thực sự là: Tâm chính

Có câu: “Nàng Tây Thi nhăn mặt thì Ngô Phù Sai càng xao xuyến. Còn Đông Thi bắt chước nhăn mặt thì làng xóm chạy tuột cả dép”. Chẳng qua là chỉ bắt chước được cái vỏ ngoài, cái khẩu hình. Còn nội tâm thì làm sao mà sao chép được?

Cổ nhân nói: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Tâm chính thì hình thức cũng đoan chính. Người có nội tâm đẹp thì dù ngũ quan xấu xí, thân thể bất toàn người khác vẫn thấy dễ gần. Trong giao tiếp, những người này luôn bình thản, ôn hòa và tôn trọng đối phương dù ý kiến khác biệt. Họ nói gì cũng nghĩ cho người khác trước, không cố giành chân lý hay lợi ích về mình. Dù người nghe phản ứng tiêu cực, họ chỉ cần mỉm cười độ lượng mà không cần tranh nói cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng nhận lỗi và sửa chữa nếu thấy mình sai. Họ nói gì thì làm y như thế, không thất hứa. Như thế thì ai có thể ghét bỏ được họ?

Họ có thể không làm người khác ấn tượng với vẻ hài hước, vui nhộn, quyến rũ, nhưng trong cõi đời đấu tranh sát phạt đầy mệt mỏi này, họ chính là điểm tựa tinh thần của những người xung quanh. Họ chẳng cần phải lấy lòng ai mà người khác tự nguyện trao cho họ lòng tin và sự thân tình.

Đã bao giờ bạn để ý rằng có những người chẳng nói gì, chỉ mỉm cười nhẹ nhàng mà khiến bạn muốn thân cận mãi. Ngược lại, có những người rất khéo miệng hoạt ngôn, nhưng ở bên cạnh họ, bạn thấy khó chịu. Bạn không giải thích được, nhưng bạn muốn họ biến cho khuất mắt. Dù họ có che giấu khéo đến đâu, thì lòng ích kỷ, sự hiếu thắng, tâm tham lam, sự sợ hãi, sự nghi ngờ đố kỵ, sự dối trá của họ cũng phản ánh lên trường năng lượng của họ. Trường năng lượng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.

Cho nên khi chúng ta xuất hiện mà những người xung quanh nhăn mặt, thì chúng ta cũng cần xem lại bản thân mình.

Người chính trực từ bi luôn tỏa xung quanh mình một trường năng lượng hòa ái và có sức mạnh. Trường năng lượng này khiến kẻ xấu e ngại, khiến người yếu đuối bớt dao động, khiến mọi người xung quanh cảm thấy ấm áp, an toàn và đáng tin cậy. Họ không cần phải tranh hơi, đối lời, cũng không phải thi triển thủ đoạn dựa dẫm vào kỹ xảo giao tiếp. Đó là sức mạnh của lòng chân thành và tâm bất động.

Kỹ xảo chỉ là phương tiện chuyên chở Thiện tâm

Nhà Phật có một khái niệm: “các phương tiện thiện xảo”. “Xảo” chính là kỹ xảo, là mức độ cao hơn của kỹ thuật. “Thiện” là tâm thiện. Trong từ “Thiện Xảo” thì “Thiện” ở trước “Xảo”. Có nghĩa là phải lấy Thiện làm đầu mà cũng không quên kỹ xảo.

Phật Thích Ca khi còn tại thế dùng các kỹ thuật truyền giảng Pháp khác nhau cho những người có căn cơ ngộ tính khác nhau. Có những đối tượng Đức Phật giảng dạy cho họ về giáo lý Duyên khởi, Vô ngã, Tứ đế. Nhưng có những đối tượng, Đức Phật chỉ giảng dạy cho họ những chuẩn tắc đạo đức, cách thức hành xử trong đời sống hằng ngày, như trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa ông chủ và người làm công, giữa bạn bè với nhau (những điều này được trình bày trong kinh Thiện Sanh, Trường Bộ Kinh).

Có khi Đức Phật lại giáo hóa qua hành động và các câu chuyện. Tên tướng cướp hung dữ nhất vùng Angulimala chạy hoài để đuổi theo Đức Phật đi thong thả đằng trước mà không kịp. Hắn muốn chặt tay Đức Phật cho đủ số. Hắn la lên: “Hãy dừng lại, Sa môn. Hãy dừng lại”. Đức Phật từ tốn trả lời: “Ta đã dừng lại rồi, còn ông?” Ngài muốn Angulimala dừng lại những việc ác, buông dao xuống để tu thành Phật. Về sau, Angulilama cũng theo Ngài tu tập và đắc chính quả.

Gotami – một người phụ nữ đau đớn vì mất con cầu xin Đức Phật cứu sống con của cô. Đức Phật bảo cô đi xin một nắm hạt mù tạt ở gia đình nào chưa từng có người chết, thì Ngài sẽ giúp. Đó là phương pháp của Đức Phật với những hạng người khác nhau, và là nội hàm của chữ “Xảo”.

Nhưng bản thân cái “Xảo” đó không phải là mục đích, nó chỉ là phương tiện chuyên chở cái “Thiện”, cái tâm Từ Bi vô lượng của Ngài tới các chúng sinh mà Ngài muốn giáo hóa mà thôi. Bồ Tát Long Thọ đã nói rằng lòng từ bi là kết quả của sự kết hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo: “Trí tuệ bát nhã là mẹ của chư Bồ Tát, phương tiện thiện xảo là cha của họ, và lòng từ bi là con gái của họ”. Như vậy, càng đề cao cái “Xảo” bao nhiêu thì cái “Thiện”, cái “Từ bi” cũng phải đề cao bấy nhiêu, thậm chí nhiều hơn. Xảo 1 thì Thiện phải 10, 100 hay nhiều hơn nữa.

Chính nhờ cái Thiện đó mà Đức Phật khuất phục được con voi dữ.

Nhờ cái Thiện đó mà Caesar chinh phục được những chú khuyển bất kham.

Nhờ cái Thiện đó mà Lý Khôi khiến Mã Siêu hung dữ phải ngoan ngoãn ra hàng.

Vì Thiện tâm kiên định chính là sức mạnh cốt lõi. Mọi kỹ thuật chỉ là hỗ trợ mà thôi. Thế thì, có lẽ ta nên cân nhắc điều ta thực sự cần học trong đời.

Chia tay những mồm mép, hãy giữ lại những lời chân thành.

Chia tay những mánh khóe, hãy giữ lại lòng thương yêu.

Chia tay những kỹ xảo bất Thiện, hãy giữ lại tâm chính và kiên định.

Chia tay những lấy lòng người khác, hãy tu chính lại bản thân mình.

Và xin đón chào một trường năng lượng mới đầy từ bi, hòa ái và vững chãi.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Nỗi lo của người dân từ việc chống suy thoái của Đảng cộng sản

Tin Tức Đa Chiều

Chính quyền Sài gòn đang không biết mình có những quyền lực gì?

Tin Tức Đa Chiều

Phạm Đoan Trang bị khép tội vì trả lời BBC Tiếng Việt

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment